Gã chồng đi tù 10 năm sau cáì cái chết của người vợ vì của hồi môn

Đối ngoại - Ngày đăng : 15:11, 25/05/2022

Sau cái chết của người vợ mới kết hôn được hơn một năm liên quan tới của hồi môn, gã chồng bị tòa án tuyên phạt 10 năm tù giam.

Hôm 24/5, một tòa án ở phía nam Ấn Độ đã tuyên án 10 năm tù giam đối với nam bị cáo bị cáo buộc bạo hành người vợ liên quan tới của hồi môn. Hậu quả, nạn nhân quyết định kết liễu cuộc đời bằng cách tự sát.

CNN đưa tin, tòa án quận ở bang Kerala luận tội bị cáo Kiran Kumar theo luật “những cái chết liên quan tới của hồi môn”. Bộ luật này cho phép đưa ra các cáo buộc đối với đối tượng gây ra cái chết của một người phụ nữ trong 7 năm đầu sống chung chỉ vì những món quà và tiền dùng làm của hồi môn.

Gã chồng đi tù 10 năm sau cáì cái chết của người vợ vì của hồi môn
Cô Vismaya Nair qua đời sau hơn một năm kết hôn. (Ảnh: CNN)

Dù của hồi môn hiện bị luật pháp Ấn Độ cấm, nhưng nó vẫn thường xuyên xuất hiện trong các đám cưới ở Ấn Độ. Của hồi môn là món quà cưới mà gia đình nhà gái tặng cho gia đình nhà trai. Bị cáo Kumar trước đó đã phủ nhận gây ra cái chết của vợ chỉ vì của hồi môn.

Trước đó, vào tháng 6/2021, cô Vismaya Nair, vợ của Kumar, được phát hiện đã chết trong nhà tắm ở nhà chồng tại bang Kerala. Cô Nair qua đời chỉ sau hơn một năm kết hôn.

Gia đình cô Nair từng trao cho Kumarr 100 món đồ kỷ niệm bằng vàng, hơn 4.000 m2 đất và một chiếc ô tô làm của hồi môn. Tuy nhiên, Kumar không hài lòng với chiếc ô tô và còn đòi nhà gái đưa thêm tiền, theo hồ sơ của tòa án.

Thẩm phán cho hay trong quá trình chung sống, Kumar đã bạo hành vợ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Trong bài phỏng vấn với CNN vào năm ngoái, anh trai của cô Nair là Vijith đã nói rằng Kumar còn cấm em gái sử dụng mạng xã hội, ngăn cản cô gọi điện về cho bố mẹ đẻ, và thậm chí cấm Nair đi máy bay “chỉ vì của hồi môn”.

“Chúng tôi đã tặng cho hắn một chiếc ô tô tốt, nhưng hắn không ngừng đưa ra yêu cầu có một chiếc ô tô lớn hơn và đắt tiền hơn”, anh Vijith cho hay.

Anh Vijith miêu tả em gái là “người yêu đời, mạnh mẽ và thích nhảy múa”.

Dù Đạo luật cấm của hồi môn được Ấn Độ thông qua từ năm 1961, nhưng trên thực tế, tục lệ này vẫn duy trì trong xã hội Ấn Độ cho tới ngày nay. Thậm chí, của hồi môn còn được xem là nguyên nhân dẫn tới việc phụ nữ bị bạo hành.

Trong thập niên 80, các nhà làm luật ở Ấn Độ cho phép buộc tội người chồng và gia đình nhà chồng có vợ tử vong vì tự sát liên quan đến của hồi môn. Hình phạt là từ 7 năm tù giam tới chung thân.

Số liệu của Cục Thống kê Tội phạm Quốc gia Ấn Độ cho thấy trong năm 2020, nước này ghi nhận có hơn 10.000 đơn khiếu nại về của hồi môn, và gần 7.000 cái chết liên quan tới của hồi môn.

Bang Kerala, nơi cô Nair qua đời, được đánh là một trong số vài khu vực ở Ấn Độ có tỷ lệ nam giới và nữ giới biết chữ ở mức cao nhất cả nước, và còn được xem là bang tân tiến.

Tuy nhiên, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố hồi tháng 6/2021 cho thấy “tình trạng lạm phát của hồi môn kể từ thập niên 70 vẫn dai dẳng và rõ nét ở bang Kerala". Ngoài ra, "trong những năm gần đây, mức trung bình giá trị của hồi môn tại bang Kerala vẫn ở mức cao nhất”.

Minh Thu (lược dịch)