Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ: Khẳng định sự quan tâm của Washington tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Đối ngoại - Ngày đăng : 17:20, 20/05/2022

Qua Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, Tổng thống Joe Biden thể hiện nỗ lực mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á, chứng minh không vì xung đột Nga-Ukraine mà mất tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ: Ngoại giao gia tăng tầm ảnh hưởng khu vực
Lãnh đạo các nước ASEAN tại phiên họp về Chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng bền vững trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ ngày 14/5. (Nguồn: Bernama)

Trong một bài bình luận đăng tải trên trang Times of India, tác giả SD Pradhan* đưa ra đánh giá về kết quả của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ vừa qua.

Tăng cường quan hệ kinh tế

Tổng thống Joe Biden khẳng định, Hội nghị Cấp cao đặc biệt với các nhà lãnh đạo ASEAN lần đầu tiên được tổ chức tại Washington ngày 13/5 vừa qua đánh dấu sự khởi đầu của “kỷ nguyên mới trong quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ”, đồng thời nhận định “mối quan hệ này là tương lai trong những thập kỷ tới” đối với Washington.

Trước đó, vào hôm 12/5, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng nhận xét tương tự, rằng chính phủ Hoa Kỳ “nhận ra tầm quan trọng trong chiến lược khu vực của bạn (ASEAN), một vai trò cần thời gian để phát triển”.

Tuyên bố Tầm nhìn chung ASEAN-Hoa Kỳ gồm 28 điểm nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiến chương Liên hợp quốc; Hiến chương ASEAN; Tuyên bố về khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN); Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC); Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS); Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) bên cạnh Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).

Những điểm tương đồng giữa AOIP và Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ về một cấu trúc khu vực mở, bao trùm và dựa trên luật lệ, đặt ASEAN là trọng tâm, đã mở ra tuyên bố chung đôi bên cùng có lợi, thông qua việc nâng cấp quan hệ thành Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Hoa Kỳ tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 10 vào tháng 11 tới.

Tuyên bố Tầm nhìn chung ASEAN-Hoa Kỳ nhấn mạnhtăng cường quan hệ kinh tế, phản ánh quyết tâm của các bên trong việc hỗ trợ, hợp tác thông qua phương thức xúc tiến đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao, minh bạch, carbon thấp và thích ứng với khí hậu.

Những chủ trương được đưa ra tại Hội nghị nhằm tăng cường hợp tác nhằm đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng khu vực, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều, bên cạnh vấn đề đáp ứng các tiêu chuẩn lao động quốc tế hiện hành và bảo vệ môi trường. Trong đó, vấn đề tiêu chuẩn lao động quốc tế đang là một vấn đề cần tìm lời giải vì hiện chưa có mục tiêu cụ thể nào được đề cập nhằm khuyến khích các quốc gia Đông Nam Á xóa bỏ khoảng cách với tiêu chuẩn lao động của Hoa Kỳ.

Đồng thời, Tổng thống Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo ASEAN còn đề cập việc thúc đẩy thương mại đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho một chuỗi cung ứng toàn cầu linh hoạt đồng thời tăng cường hợp tác kết nối, song chưa nêu ra kế hoạch hành động cụ thể.

Hội nghị cũng bàn về khía cạnh quan trọng của việc nâng cao năng lực không gian mạng và thúc đẩy kiến ​​thức kỹ thuật số nhưng chưa hé lộ các ưu đãi cần thiết trong khu vực.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ: Ngoại giao gia tăng tầm ảnh hưởng khu vực
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói về 'kỷ nguyên mới' trong quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ. (Nguồn: Reuters)

Duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực

Một nội dung quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị là tầm quan trọng của UNCLOS với hòa bình, an ninh và ổn định của Biển Đông cũng như quyền tự do hàng hải và hàng không và các hoạt động sử dụng hợp pháp khác của các vùng biển.

Điều thú vị đó là tuyên bố chung nhấn mạnh về sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy một môi trường có lợi cho Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), đồng thời hoan nghênh những tiến bộ hơn nữa hướng tới việc ký kết sớm COC.

Trong việc tăng cường kết nối giữa các quốc gia, Hoa Kỳ và ASEAN cam kết tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục đồng thời thúc đẩy sự hợp tác và trao đổi giữa sinh viên và công nhân lao động. Trong đó bao gồm sự hỗ trợ lẫn nhau trong ngôn ngữ tiếng Anh; kỹ năng kỹ thuật số; Giáo dục và Đào tạo kỹ thuật và dạy nghề (TVET) và đào tạo Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) trong khu vực thông qua Chương trình Tỷ phú tương lai và Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI).

Về khía cạnh quan trọng nhất của công nghệ ứng dụng, ASEAN và Hoa Kỳ cam kết khám phá hợp tác trong các lĩnh vực cùng có lợi như sản xuất thông minh, ứng dụng blockchain (công nghệ chuỗi), tạo thuận lợi thương mại, kết nối kỹ thuật số, số hóa và thương mại điện tử của doanh nghiệp siêu nhỏ (MSME), dịch vụ điện tử, dịch vụ tài chính kỹ thuật số và kết nối thanh toán trong khu vực.

Tuyên bố Tầm nhìn chung cũng nêu rõ cam kết hỗ trợ sự phát triển của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của ASEAN, thúc đẩy sự phát triển của các hệ sinh thái Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) và mạng 5G hòa bình, an toàn, cởi mở, tương tác, đáng tin cậy và có khả năng phục hồi, và khám phá các cách thức để tăng cường hợp tác trên nền kinh tế kỹ thuật số.

Về việc gìn giữ hòa bình và xây dựng lòng tin, Tuyên bố Tầm nhìn chung ASEAN-Hoa Kỳ đề cập cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Myanmar và Ukraine, đồng thời kêu gọi ngừng ngay lập tức các hành động thù địch với mục tiêu tiếp cận hỗ trợ nhân đạo không bị cản trở.

Thay vì nói về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF),chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra lời hứa cung cấp 150 triệu USD đối với các sáng kiến ​​mới tại Hội nghị, bao gồm hỗ trợ an ninh hàng hải thông qua việc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ tham gia hỗ trợ chống đánh bắt cá bất hợp pháp cùng một số tội phạm khác.

Thông qua cam kết này, chính quyền ông Biden thể hiện sự tiếp tục ủng hộ ASEAN, gửi gắm thông điệp tới các quốc gia Đông Nam Á rằng Hoa Kỳ cam kết duy trì hòa bình, ổn định, và xung đột Nga-Ukraine không dẫn đến bất kỳ sự suy giảm lợi ích nào của họ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Dự kiến trong chuyến công du Nhật Bản và Hàn Quốc vào tuần tới, Tổng thống Joe Biden sẽ công bố một cam kết lớn hơn đối với IPEF dựa trên 4 trụ cột, bao gồm thương mại công bằng, linh hoạt (tiêu chuẩn kỹ thuật số, lao động, môi trường cùng một số tiêu chuẩn khác); khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng, loại bỏ carbon và thay thế bằng năng lượng sạch; thuế và chống tham nhũng.


* Tiến sĩ S D Pradhan từng là Chủ tịch Ủy ban Tình báo, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ, Giáo sư thỉnh giảng nghiên cứu kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị tại Đại học Illinois (Hoa Kỳ), và giảng viên tại khoa lịch sử và nghiên cứu quốc phòng tại Đại học Punjab (Ấn Độ).

Thùy Trang