Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra, đôn đốc 17 bộ, ngành giải ngân vốn đầu tư công

Xã hội - Ngày đăng : 16:25, 17/05/2022

Ngày 17/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đã làm việc với 17 bộ, cơ quan Trung ương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan rà soát kỹ tất cả các khâu, từ chuẩn bị dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng, đến triển khai thi công, đôn đốc tiến độ - Ảnh: VGP/Đình Nam

Chưa phân bổ chi tiết 1.223 tỷ đồng

Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động-Thương binh và Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TPHCM, Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 được giao cho các bộ, cơ quan Trung ương thuộc diện kiểm tra, đôn đốc của Tổ công tác số 3 là 12.019 tỷ đồng.

Đến nay, các đơn vị đã phân bổ, giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án là 10.796 tỷ đồng, còn lại chưa phân bổ chi tiết là 1.223 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, nhiều dự án chậm tiến độ do khâu chuẩn bị thủ tục chưa tốt - Ảnh: VGP/Đình Nam

17 bộ ngành giải ngân đạt 3,86% kế hoạch, thấp hơn bình quân chung cả nước

Ước giải ngân 5 tháng của các bộ, cơ quan Trung ương tính đến ngày 31/5 khoảng 464 tỷ đồng, đạt 3,86% kế hoạch năm 2022, thấp hơn mức bình quân chung cả nước là 20,27%, trong đó 13 đơn vị dự kiến giải ngân rất thấp dưới 10%.

Bên cạnh những khó khăn thường được nêu ra như giá nguyên nhiên liệu, vật liệu tăng cao đột biến, chậm giải phóng mặt bằng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành phân tích rõ, cụ thể những khâu còn vướng mắc, nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của các đơn vị.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhìn nhận, nguyên nhân chậm giải ngân các dự án thuộc Bộ quản lý là do chất lượng chuẩn bị hồ sơ dự án chưa kỹ lưỡng nên gặp vướng mắc khi triển khai.

Còn Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, việc giao vốn ngân sách Nhà nước muộn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai, giải ngân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Đình Nam

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan nêu thực tế hiện nhiều dự án vốn ODA đang bị chậm do quy trình, thủ tục còn phức tạp, nhất là trong trường hợp phải điều chỉnh, bổ sung nội dung dự án.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho rằng, cơ cấu tổ chức bộ máy trong lĩnh vực này, từ tư vấn, quản lý dự án, gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có nhiều xáo trộn. Khi triển khai thực hiện, sự phối hợp trong nội bộ và giữa các bộ, ngành chưa được nhịp nhàng, thông suốt.

TIN LIÊN QUAN
  • Phó Thủ tướng Thường trực đôn đốc tiến độ giải ngân đầu tư công tại 9 bộ, ngành

    Phó Thủ tướng Thường trực đôn đốc tiến độ giải ngân đầu tư công tại 9 bộ, ngành

  • Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm việc với 8 tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm việc với 8 tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công

  • Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm ước đạt 22,37% kế hoạch

    Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm ước đạt 22,37% kế hoạch

Theo lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thì rất cần sự phối hợp chặt chẽ với địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, nguyên vật liệu.

Đồng thời, từng đơn vị phải chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các bộ, cơ quan Trung ương sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư công, đất đai, xây dựng và pháp luật có liên quan theo hướng phân cấp, đơn giản hóa thủ tục về đầu tư, giải ngân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công mà đang gây khó khăn cho việc giải ngân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 4.

Mặc dù đã phân bổ vốn chi tiết đạt trên 90%, nhưng tỷ lệ giải ngân của nhiều bộ, cơ quan Trung ương thuộc diện kiểm tra, đôn đốc của Tổ công tác số 3 đang rất thấp - Ảnh: VGP/Đình Nam

Người đứng đầu phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm

Qua các ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, hoàn thiện báo cáo về giải ngân vốn đầu tư công phù hợp với tình hình, đặc điểm của các bộ, cơ quan Trung ương thuộc diện kiểm tra, đôn đốc của Tổ công tác số 3, lưu ý những dự án chậm tiến độ, dự án có quy mô lớn, nhưng chậm bố trí vốn thực hiện.

  • Thủ tướng thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị rà soát kỹ tất cả các khâu, từ chuẩn bị dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng đến triển khai thi công, đôn đốc tiến độ…; kiên quyết khắc phục tình trạng khi đưa vào danh mục đầu tư dự án chưa hoàn thiện thủ tục; thực hiện dứt điểm giải phóng mặt bằng trước khi triển khai dự án; rà soát, kiện toàn năng lực các ban quản lý dự án;…

Người đứng đầu các bộ, cơ quan phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, chỉ đạo, điều hành quyết liệt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Đình Nam