Vội vàng, không phân biệt được, nhiều người uống phải hóa chất tẩy rửa nhưng tưởng bia, nước ngọt

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 14:57, 17/05/2022

Nhìn những lon nước có hình dạng giống lon bia, nước ngọt nhiều người đã vội mở nắp để uống nên phải nhập viện cấp cứu.

Nhìn vỏ lon chất tẩy rửa tưởng là nước ngọt

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận và điều trị một cặp vợ chồng đến bệnh viện trong tình trạng hốt hoảng lo sợ do uống nhầm nước làm mát động cơ ô tô.

Sau khi được bác sĩ trấn an, họ cho biết trước đó được người quen cho 2 lon nước 1 màu xanh, 1 màu đỏ và không dặn dò thêm. Chữ bên ngoài vỏ lon ghi bằng tiếng Anh. Nhìn vỏ lon, hai vợ chồng nghĩ là bia và nước giải khát có ga nên buổi tối lấy ra uống trong bữa cơm.

1v1.jpg
Hai lon nước làm mát động cơ ô tô hai vợ chồng nhầm thành lon bia và nước ngọt. Ảnh: BVCC.

Khi uống, hai vợ chồng thấy không có mùi vị gì nên mới tra cứu trên mạng theo chữ trên vỏ lon, tá hoả khi biết đó là nước làm mát động cơ ô tô. Cả hai vợ chồng được rửa dạ dày và theo dõi sức khỏe. Sau 3 ngày điều trị, họ được xuất viện.

Theo BS.CKI Nguyễn Thị Huyền Trang - Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trường hợp của hai vợ chồng trên là hồi chuông báo động cho mọi người, trước khi ăn uống bất cứ thứ gì cần đọc kĩ nhãn mác, thành phần và công dụng để tránh những nhẫm lẫn đáng tiếc, đặc biệt là người già, trẻ em và hạn chế về ngoại ngữ.

Về mặt khoa học, nước làm mát động cơ ô tô có thành phần chính là Ethylen glycol, một loại chất lỏng không màu, không mùi, vị ngọt có tác dụng làm mát và chống đông cứng dùng trong các động cơ đốt trong. Khi vào cơ thể nó sẽ phân tách thành axit glycolic và axit oxalic, gây nhiễm toan, tăng khoảng trống áp lực thẩm thấu máu, gây đau bụng, nôn mửa, nặng có thể suy thận, tổn thương não, tụt huyết áp và tử vong.

Những hóa chất nào trong gia đình dễ uống nhầm?

Theo các bác sĩ, hiện nay, có nhiều loại hóa chất được dùng trong gia đình như: dầu gội, sữa tắm, nước tẩy rửa, chất làm sạch đồ dùng gia đình, các sản phẩm tẩy uế, hóa chất xua đuổi muỗi và côn trùng, xăng dầu… Thông thường, các sản phẩm này được đựng trong lon, chai, lọ…

Nhiều sản phẩm được đựng trong chai, lon có hình dáng gống như nước ngọt, bia, nước uống tinh khiết…. Nhiều người do chủ quan, vội vàng hoặc không phân biệt được đã uống nhầm, một số ít do tự tử dẫn đến bị ngộ độc.

Triệu chứng của tai nạn trên thường là đau họng, đau bụng, buồn nôn và nôn, khó thở, thở nhanh, tím quanh môi, cánh mũi phập phồng…. Có trường hợp người bệnh có tình trạng sốc do giảm thể tích, do đau hoặc do quá sợ. Cũng có trường hợp bị sốc bị rối loạn y thức, suy súp, li bì hoặc hôn mê. Trường hợp nặng bị bỏng da do tiếp xúc với axit mạnh.

uong-nham-nuoc-rua-bat.jpg
Cụ ông uống nhầm nước rửa bát. Ảnh: BVCC.

Cụ thể là trường hợp của cụ ông N.V.C (78 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có tiền sử bị sa sút trí tuệ do tuổi già, ngoài ra không có bệnh lý mạn tính hô hấp, tim mạch.

Một lần, nhìn thấy chai nước rửa bát, trọng lượng 250ml, tưởng là nước ngọt ông đã mở nắp và uống. Sau đó, ông xuất hiện thở khò khè, đau họng, nuốt đau tăng, tăng tiết đờm dãi nhiều, nói giọng ngậm hột thị, kèm theo sốt 38 độ. Sau khi theo dõi ở nhà 1 ngày, các triệu chứng của ông tăng lên, gia đình mới đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cấp cứu và được chẩn đoán ngộ độc nước rửa bát.

Các bác sĩ nhanh chóng mở khí quản cấp cứu cho bệnh nhân. Quá trình cấp cứu người bệnh có nguy cơ tử vong cao do suy hô hấp. Tuy nhiên, cuộc mổ đã diễn ra thành công. Sau 17 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định và được xuất viện.

Nên cẩn thận hơn hóa chất trong nhà

Theo các bác sĩ, khi một người trong gia đình không may uống phải hóa chất, gia đình cần biết được tên sản phẩm là gì, vỏ bao bì, túi đựng hoặc chai lọ. Cần đọc chính xác, đánh vần từng chữ cái, chú ý tên và địa chỉ nhà sản xuất, thời hạn trên nhãn mác, các thông tin chi tiết liên quan đến thành phần và độc tính của sản phẩm.

Kế đến, cần nắm được người bệnh uống hóa chất gì, số lượng bao nhiêu, có các triệu chứng ra sao sau uống để cung cấp cho nhân viên y tế. Điều này, giúp các y bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh, đúng loại hóa chất để có hướng điều trị cho người bệnh hiệu quả.

Sau khi phát hiện người nhà uống phải hóa chất, chúng ta cần không được gây nôn. Bởi khi hóa chất ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Người bệnh dễ bị viêm phổi là do hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp.

Cách tốt nhất, chúng ta cần cho người bệnh súc miệng bằng nước muối pha loãng. Sau đó, cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhà để được điều trị kịp.

benh-vien.jpg
Những năm qua, nhiều người bị ngộ độc hóa chất do nhầm hóa chất dùng trong gia đình là nước ngọt hoặc nước uống. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh việc uống nhầm phải hóa chất, các gia đình cần để các sản phẩm tẩy rửa tại những nơi kín đáo, tránh xa tầm với của trẻ em. Những chất có độc tính cao (các dung môi pha sơn, các hóa chất diệt côn trùng như thuốc xịt muỗi…) cần để những hộp riêng, có khóa, không để trẻ em lấy được.

Bản thân người lớn cần tìm hiểu về tác dụng, cách sử dụng, độc tính và các biện pháp phòng tránh ngộ độc các hóa chất gia dụng.
Dặn dò, hướng dẫn cho trẻ em biết tác dụng, cách sử dụng các loại xà phòng, dầu gội đầu.

Không đựng các hóa chất vào các vỏ chai, lon vốn đựng nước uống.
Không mang về nhà các hóa chất mạnh vốn để sử dụng trong công nghiệp, hay trong sản xuất dịch vụ.
Không để bất cứ loại hóa chất nào trong khu vực trẻ em thường vui chơi qua lại.

Ngọc Hân