Ông lớn ngoại âm thầm hành động gấp, đại gia số 1 Việt Nam biến động

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 10:39, 17/05/2022

Chỉ đi ngược được thị trường trong một khoảng thời gian ngắn, doanh nghiệp số 1 trên sàn chứng khoán Việt Nam gặp áp lực khi cổ đông ngoại bán nhanh cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn.

CTCP FPT (FPT) vừa công bố thông tin thay đổi về sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài không còn là cổ đông lớn. Theo đó, một nhóm các quỹ thành viên thuộc Dragon Capital đã bán cổ phiếu FPT.

Cụ thể, Grinling International Limited bán 500.000 cổ phiếu FPT; Venner Group Limited bán 500.000 cổ phiếu FPT; Vietnam Enterprise Investments Litmited bán 250.000 cổ phiếu FPT.

Sau khi bán tổng cộng 1,25 triệu cổ phiếu FPT trong vài ngày, nhóm Dragon Capital đã không còn là cổ đông lớn của FPT từ ngày 12/5. Hiện, nhóm này còn nắm giữ gần 49 triệu cổ phiếu FPT, tương đương 4,9067%.

Sau khi không còn là cổ đông lớn, nhóm Dragon Capital có thể tiếp tục bán cổ phiếu FPT mà không cần đăng ký.

Cổ phiếu FPT trong hơn một tháng qua giảm mạnh, không còn duy trì đà đi ngược thị trường trong nửa đầu tháng 4.

Ông Trương Gia Bình, chủ tịch FPT.

Trước đó, trong khoảng một tháng, từ giữa tháng 3 tới giữa tháng 4/2022, cổ phiếu FPT ghi nhận một cú bứt phá ngoạn mục, từ ngưỡng 90.000 đồng/cp lên đỉnh cao lịch sử 117.000 đồng/cp.

Tuy nhiên, cổ phiếu này giảm mạnh trong vài tuần gần đây, đặc biệt kể từ hôm 11/5.

Trước đó, cổ phiếu của một tập đoàn lớn khác cũng giảm mạnh khi bị khối ngoại bán ra. Đó là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long. Cổ phiếu HPG liên tục bị khối ngoại bán ròng trong năm 2019.

Cổ phiếu HPG giảm mạnh trong năm 2019 và đầu 2020 sau khi nhóm cổ đông ngoại bán mạnh cổ phiếu này. Hồi giữa tháng 3/2019, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý không còn là cổ đông lớn của Hòa Phát. Khi đó, các chuyên gia đánh giá 2019 là một năm đầy thách thức cho ngành thép toàn cầu với nhu cầu sử dụng thép của một số ngành suy yếu và giá quặng sắt tăng cao.

Tuy nhiên, sang tới giữa 2020, cổ phiếu HPG lại bay cao, tăng hơn 3 lần trong vòng hơn một năm và lên đỉnh cao vào đầu 10/2021. Nhóm cổ đông ngoại sau đó lại mua vào mạnh cổ phiếu này.

Gần đây khi thị trường chứng khoán giảm chung, nhóm quỹ Dragon Capital đã bán hơn 45 triệu cổ phiếu HPG trong 4 tháng đầu 2022, giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% và không còn là cổ đông lớn của Hòa Phát.

Trong 4 tháng đầu năm, cổ phiếu HPG biến động trong khoảng giá 40.000-50.000 đồng/cp, nhóm Dragon Capital đã thu về khoảng 1.800-2.300 tỷ đồng. Giá cổ phiếu HPG hiện ở mức 36.000 đồng/cp.

FPT hay Hòa Phát đều là những doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đầu ngành khác cũng thu hút sự chú ý của khối ngoại. Hòa Phát hiện giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép, lần lượt là 32,6% và 24,7%. Tôn Hòa Phát nằm trong Top 5 nhà sản xuất lớn nhất với 8%. Hòa Phát cũng là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được HRC.

Trong 2021, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu 150,8 nghìn tỷ đồng, tăng 65% so với 2020. Lợi nhuận sau thuế lần đầu cán mốc 34.520 tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch năm và tăng 1,56 lần với năm trước.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài mua bán cổ phiếu Việt liên tục khi mà giá các cổ phiếu biến động rất mạnh, vài chục phần trăm, thậm chí vài ba lần trong một khoảng thời gian ngắn. Đây cũng là nét đặc trưng ở một thị trường cận biên, khi dòng vốn ngoại vào còn ít và hoạt động giao dịch của các cổ đông cá nhân chi phối, tâm lý thay đổi liên tục.

Dò đáy

Theo BSC, thị trường dao động trong biên độ lớn cho thấy quá trình dò đáy vẫn chưa kết thúc. Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của VN-Index là vùng 1.100.

SHS kỳ vọng nếu kịch bản tiêu cực xảy ra đà giảm của thị trường sẽ được hãm lại khi VN-Index về ngưỡng hỗ trợ tiếp theo 1.100 điểm, có thể ở vùng điểm số này các tín hiệu hình thành đáy của đợt điều chỉnh mạnh này sẽ trở nên rõ nét hơn .

Ở mặt bằng giá hiện tại SHS cho rằng đã đủ hấp dẫn đối với cá nhà đầu tư dài hạn. Tuy nhiên thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm chưa xác nhận đáy do đó nếu nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ lệ tiền mặt cao và theo trường phái giao dịch ngắn hạn chưa nên tham gia quá sớm vào thị trường cho đến khi vùng đáy điều chỉnh được xác nhận rõ ràng hơn.

Chốt phiên giao dịch chiều 16/5, chỉ số VN-Index giảm 10,82 điểm xuống 1.171,954 điểm. Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội tăng 4,66 điểm lên 307,05 điểm. Upcom-Index giảm 0,42 điểm xuống 93,2 điểm. Thanh khoản đạt tổng cộng 16,5 nghìn tỷ đồng, trong đó có 14,6 nghìn tỷ đông trên sàn HOSE.

V. Hà