5 máy bay chiến đấu nguy hiểm nhất mà lực lượng Không quân Mỹ phải dè chừng
Đối ngoại - Ngày đăng : 13:59, 15/05/2022
Với số lượng căn cứ ở nước ngoài nhiều hơn gấp nhiều lần so với tất cả các lực lượng không quân khác cộng lại, Không quân Mỹ phải đối mặt với nhiều đối thủ tiềm tàng trên khắp thế giới từ Iran và Syria ở Trung Đông đến Nga và Belarus ở Đông Âu. Việc các dòng máy bay chiến đấu của đối thủ được cải tiến thường xuyên khiến các mẫu máy bay chiến đấu trong biên chế của lực lượng Không quân Mỹ là F-35A và F-15EX đang bị nghi ngờ. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tất cả những thách thức nghiêm trọng đối với ưu thế trên không của Mỹ đều đến từ các máy bay chiến đấu và máy bay đánh chặn của Liên Xô, từ MiG-15 mang lại lợi thế cho phi công trước máy bay phản lực Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên đến tiêm kích đánh chặn MiG-25. Sự chậm lại trong việc phát triển lĩnh vực hàng không chiến đấu của Nga và sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu và phát triển đã giúp máy bay chiến đấu Trung Quốc trở thành đối thủ đáng gờm của Mỹ. Trong khi Triều Tiên, Iran và Syria chưa thực hiện bất kỳ thương vụ mua sắm máy bay chiến đấu mới nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thì các máy bay chiến đấu mới nhất của Trung Quốc và Nga sẽ được bán cho các quốc gia như Angola, Algeria và Pakistan. Dưới đây là thông tin về 5 máy bay chiến đấu có khả năng nhất được cho là các đối thủ đáng gờm của Mỹ.
1. J-20
Máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc (Ảnh: Military Watch Magazine) |
Là một trong hai máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm được sản xuất và trang bị ở cấp độ phi đội ở bất kỳ đâu trên thế giới, cùng với F-35 của Mỹ, J-20 lần đầu tiên được chuyển giao cho Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vào năm 2016 và đã cho thấy những cải tiến đáng kể so với những chiếc máy bay trước đó. Những cải tiến nổi bật bao gồm sự thay đổi về cấu trúc đối với khung máy bay cho đến việc tích hợp động cơ WS-10C cho phép máy bay bay ở vận tốc siêu âm trong thời gian dài mà không cần sử dụng chất đốt sau - điều mà F-35 đặc biệt không thể làm được. J-20 là ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu máy bay chiến đấu có khả năng không đối không tốt nhất thế giới, trong khi F-35 của Mỹ là một máy bay có thiết kế động cơ nhẹ hơn nhiều và được sử dụng chủ yếu trong các nhiệm vụ tấn công cùng F-22. Các quan chức Không quân Hoa Kỳ đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với khả năng của J-20. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 hiện đang được Mỹ phát triển, chúng được đồn đoán là sẽ được thiết kế để đối phó với J-20. Với việc chương trình Su-57 của Nga và FC-31 của Trung Quốc đều chưa sản xuất được một phi đội đủ sức mạnh để hoạt động, thì J-20 vẫn là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 duy nhất thách thức sức mạnh không quân của Mỹ.
2. MiG-31BM/BSM
MiG-31 Foxhound (Ảnh: Military Watch Magazine) |
Về mặt kỹ thuật, MiG-31 là một máy bay đánh chặn chứ không phải máy bay chiến đấu, MiG-31 Foxhound lần đầu tiên được đưa vào biên chế trong Không quân Liên Xô vào năm 1981 và vào thời điểm đó đã cung cấp những khả năng mới mang tính cách mạng. Foxhound là mẫu máy bay đi tiên phong trong việc tích hợp radar mảng pha quét điện tử để không chiến, có thể bay và sử dụng tên lửa của mình ở độ cao cực lớn trong không gian và có thể bay liên tục ở tốc độ siêu thanh. Động cơ của nó vẫn là loại mạnh nhất trên thế giới đối với máy bay chiến đấu hoặc máy bay đánh chặn, loại động cơ này khác với động cơ được thiết kế cho máy bay tàng hình. MiG-31M là dòng máy bay tiền nhiệm của Foxhound, MiG-31M có chuyến bay đầu tiên dưới thời Liên Xô. Sau khi Liên Xô sụp đổ, MiG-31 đã tiếp tục được hiện đại hóa với các biến thể BM và BSM mới nhất được đưa vào sử dụng trong những năm 2010 và cung cấp nhiều cải tiến ngoài khả năng không đối không trong phạm vi hình ảnh. Radar Zaslon-M cung cấp khả năng nhận biết tình huống cho máy bay, trong khi tên lửa R-37M mới được coi là có khả năng nhất thế giới với tầm bắn 400km và tốc độ Mach 6 đi cùng với đầu đạn nặng 60kg. Tốc độ rất cao đi cùng với khả năng tấn công từ độ cao cực lớn của MiG-31 với tối đa sáu tên lửa R-37M và nhiều tên lửa tầm ngắn biến nó trở thành một trong những máy bay chiến đấu tốt nhất thế giới thời điểm hiện tại, đó là chưa tính đến khả năng chống vệ tinh, tên lửa đạn đạo siêu thanh và khả năng đánh chặn tên lửa hành trình.
3. J-16/J-15B
Máy bay chiến đấu J-16 (Ảnh: Military Watch Magazine) |
Dự kiến được đưa vào trang bị từ năm 2014, máy bay chiến đấu J-16 là phiên bản tiên tiến của dòng máy bay Su-27 Flanker của Liên Xô với hàng loạt tính năng tiên tiến chưa từng có trên các biến thể máy bay của Nga. Chúng bao gồm các lớp phủ tàng hình tiên tiến, sử dụng nhiều vật liệu composite và được trang bị tên lửa không đối không PL-15 và PL-10, loại tên lửa này cũng được trang bị trên các máy bay chiến đấu khác của PLA sau những năm 2000. Máy bay chiến đấu kế thừa và cải thiện khả năng cơ động cao, sức bền cao, tốc độ và độ cao tuyệt vời của Flanker, đồng thời tích hợp radar AESA cùng các liên kết dữ liệu giúp cung cấp mức độ nhận thức tình huống rất cao. Các máy bay chiến đấu tiên tiến khác của Trung Quốc đã được đưa vào phục vụ với số lượng ít hơn nhiều bao gồm J-11BG, một cải tiến của J-11B từ thập kỷ trước, bổ sung thêm radar AESA, cải tiến hệ thống điện tử hàng không giúp dòng máy bay này sánh ngang với J-16. J-15B cũng được thừa hưởng những tính năng tương tự, nhưng đặc biệt hơn khi có thiết kế khung máy bay hơn và được trang bị động cơ mạnh mẽ hơn.
4. Su-35/Su-30SM
Tiêm kích Su-30SM (trên) và Su-35 của Không quân Nga (Ảnh: Military Watch Magazine) |
Gia nhập Lực lượng Không quân Nga từ năm 2014, Su-35S có quá trình phát triển kéo dài trong hơn 25 năm do sự sụp đổ của Liên Xô và được sản xuất với tỷ lệ tương đối thấp, với khoảng dưới 150 chiếc được cho là đã được chế tạo cho đến nay. Su-35S là đối thủ trực tiếp của J-16, mặc dù dòng máy bay của Nga chỉ được trang bị các loại tên lửa không đối không cũ như R-77, R-27 và R-73. Những ưu điểm của Su-35 bao gồm độ bền cao, khả năng cơ động vượt trội và sử dụng ba radar bao gồm Irbis-E gắn ở mũi và hai radar AESA gắn ở phần cánh máy bay. Su-35 dự kiến sẽ được trang bị tên lửa R-37M và K-77M trong tương lai, điều này sẽ giúp máy bay trở nên nguy hiểm hơn trong các cuộc không chiến tầm xa. Điều này đã được các chuyên gia dự đoán vào nửa cuối những năm 2020, khi biến thể Su-35SM bắt đầu được đưa vào biên chế. Su-35SM được cho là đã bắn hạ nhiều máy bay Su-27 của Không quân Ukraine. Người kế nhiệm Su-35 là Su-57 hiện vẫn chưa được đưa vào biên chế với cấp độ phi đội, trong khi Su-30SM cấp thấp hơn đã được hiện đại hóa với các công nghệ của Su-35 bao gồm động cơ AL-41 với khung máy bay cải tiến được chỉ định là Su-30SM2. Su-30SM là một biến thể Flanker rẻ hơn nhiều, ít chuyên dụng cho không chiến, được sản xuất song song với Su-35 và đã được xuất khẩu rộng rãi đến Kazakhstan, Myanmar đến Belarus và Armenia.
5. J-10C
Máy bay chiến đấu J-10C được trang bị tên lửa PL-15 và PL-19 (Ảnh: Military Watch Magazine) |
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ một động cơ thế hệ 4 ++ J-10C hiện là một trong những máy bay chiến đấu được sản xuất nhiều nhất trên thế giới, với hơn 200 chiếc đã được đưa vào trang bị kể từ năm 2018 khi chiếc máy bay chiến đấu này lần đầu tiên gia nhập phi đội PLA. J-10C có hệ thống điện tử hàng không tương đương với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, được trang bị tên lửa PL-15 và PL-10. J-10C cho thấy khả năng chiến đấu tốt trước các máy bay Flanker như Su-35 và J-16 trong các cuộc tập trận. J-10C nổi bật với độ cơ động cao và khả năng tác chiến điện tử đáng gờm. Là một máy bay nhẹ hơn, J-10C không thể mang theo nhiều hệ thống phức tạp hoặc radar lớn, tầm hoạt động ngắn cũng là một điểm hạn chế trên loại máy bay chiến đấu này. Tuy nhiên, với việc có chi phí bảo trì và chi phí hoạt động thấp giúp dòng máy bay này có thể triển khai với số lượng lớn.
Theo Military Watch Magazine