Cuộc chiến tranh phần 10 tỷ USD, đại gia top đầu Việt Nam đuối sức

Bất động sản - Ngày đăng : 13:45, 13/05/2022

Đại gia chăn nuôi hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục ghi nhận tình trạng lợi nhuận sụt giảm do nhiều yếu tố tiêu cực.

Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 với lợi nhuận sau thuế giảm 97,6%, còn 8,6 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh của Dabaco không còn được tốt như 2020 và đầu 2021.

Doanh nghiệp của ông Nguyễn Như So gặp khó từ quý III/2021 và giá cổ phiếu tiếp tục giảm mạnh. Hôm 12/5, cổ phiếu DBC giảm sàn 7% xuống 23.450 đồng/cp, mức thấp nhất trong vòng gần 1 năm qua.

Sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận liên tục đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại quãng thời gian bùng nổ lợi nhuận của Dabaco đã đi qua.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Dabaco sẽ niêm yết bổ sung 115,2 triệu cổ phiếu từ ngày 13/5, nâng tổng lượng chứng khoán niêm yết gấp đôi lên gần 230,5 triệu đơn vị. Đây là lượng cổ phiếu thưởng Dabaco phát hành với tỷ lệ 1:1 trong năm nay.

Đại gia chăn nuôi Nguyễn Như So.

Theo báo cáo quý I, Dabaco chứng kiến lợi nhuận tụt giảm do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng bởi diễn biến phức tạp của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine và khó khăn từ dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất và tiêu dùng. Trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá các sản phẩm chăn nuôi lại không tăng. Việc này dẫn tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ.

Con số lợi nhuận trong quý I của Dabaco là rất nhỏ nếu so với mục tiêu 918 tỷ đồng đặt ra cho cả năm, chỉ tương đương khoảng 1% kế hoạch.

Tổng nợ vay tài chính của Dabaco cũng tăng khá mạnh lên 3.752 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn là 2.844 tỷ đồng.

Dabaco ghi nhận lợi nhuận liên tục giảm nhanh từ quý II/2021, từ mức khoảng 250-360 tỷ đồng mỗi quý xuống ngưỡng 100-200 tỷ đồng/quý trước khi sụt giảm về dưới 10 tỷ đồng trong quý I/2022.

Dabaco bắt đầu gặp khó từ giữa 2021, khi nền kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát và lan rộng. Chuỗi cung ứng - sản xuất - chế biến - tiêu thụ bị hạn chế và đình trệ.

Dabaco là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và trong vài năm gần đây thu hút sự chú ý của các đại gia trong nước. Dabaco có quy mô nhà máy chế biến quy mô lớn, chỉ đứng sau tập đoàn Thái Lan CP về thịt lợn tại Việt Nam.

Tập đoàn Hòa Phát gần đây cũng đổ tiền đầu tư vào mảng chăn nuôi lợn, bò và gia cầm, thức ăn chăn nuôi. Thị phần chăn nuôi lợn của Hòa Phát cũng tăng mạnh gần đây. Tỷ phú Trần Đình Long, chủ tịch HPG cho biết, đàn lợn của HPG nhỏ so với một số doanh nghiệp đứng đầu ngành lợn nhưng quan niệm của Hòa Phát là làm cẩn trọng, từ khâu con giống.

Trong khi đó, Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang trong vài năm gần đây đầu tư rất mạnh cho mảng chế biến và phân phối thịt với thương hiệu thịt mát Meat Deli.

Masan MEATLife (MML) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang gần đây cũng gặp khó. Doanh nghiệp này báo lãi quý I tăng trưởng 67% so với cùng kỳ nhờ khoản thu nhập tài chính khác. Masan MeatLife cho biết nguyên nhân lợi nhuận gộp giảm sâu chủ yếu do từ cuối năm 2021, tập đoàn đã không còn mảng thức ăn chăn nuôi.

Theo kế hoạch, sau khi tách riêng mảng thịt, MML sẽ hướng tới 10% thị phần vào năm 2025, tương ứng doanh thu từ 35.000-45.000 tỷ đồng, với sản phẩm thịt mát và thịt chế biến ngang bằng nhau.

Sự xuất hiện của các doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến thịt lợn vài năm qua được xem là một tín hiệu tốt cho cộng đồng doanh nghiệp Việt trong cuộc chiến ngay trên thị trường nội địa với các tỷ phú khu vực, ngay ở những lĩnh vực thế mạnh như nông nghiệp.

Cách đây hơn thập kỷ, người Thái đã xuất hiện. Tập đoàn Charoen Pokphand Group (C.P Group) của tỷ phú Thái Chearavanont đã khuấy đảo thị trường nông nghiệp Việt Nam, từ thức ăn chăn nuôi cho tới giết mổ lợn hơi, gà, trứng và các sản phẩm chế biến…

Rủi ro chực chờ

Theo SHS, VN-Index giảm rất mạnh trong phiên 12/5 với thanh khoản khớp lệnh được cải thiện so với phiên tăng trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên khá nhiều. Nhà đầu tư có dấu hiệu chán chường đối với thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại khiến cho lực cầu mua vào thực sự rất hạn chế, bên bán tiếp tục áp đảo.

Dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần 13/5, VN-Index có thể hồi phục trở lại nếu như lực cầu bắt đáy trong vùng hỗ trợ 1.225-1.250 điểm (đáy tháng 7/2021) là đủ tốt. Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực, nếu lực cầu mua lên không có sự cải thiện và áp lực bán tiếp tục gia tăng thì VN-Index có thể sẽ lùi về ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm để tìm kiếm lực cầu bắt đáy.

Theo YSVN, thị trường tiếp tục đà giảm và VN-Index có thể kiểm định lại mức hỗ trợ 1.225 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn gia tăng trở lại và dòng tiền ngắn hạn tiếp tục suy yếu, đặc biệt nhiều cổ phiếu đã rơi sâu vào vùng quá bán cho thấy lực cầu bắt đáy có thể gia tăng và thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật ngắn hạn, nhưng mức độ hồi phục có thể vẫn còn yếu do tâm lý bi quan và lực cầu yếu.

Chốt phiên giao dịch chiều 12/5, chỉ số VN-Index giảm 62,69 điểm xuống 1.237,84 điểm. Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội giảm 17,52 điểm xuống 325,52 điểm. Upcom-Index giảm 2,25 điểm xuống 95,55 điểm. Thanh khoản đạt tổng cộng 17,8 nghìn tỷ đồng, trong đó có 15,7 nghìn tỷ đông trên sàn HOSE.

V. Hà