Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án đường vành đai 3 TPHCM và vành đai 4 Hà Nội
Xã hội - Ngày đăng : 19:05, 12/05/2022
Cần xác định rõ đường vành đai là đường cao tốc, hay đường đô thị
Về dự án chủ trương xây dựng đường vành đai 3, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ, dự án đường vành đai 3 đi qua các tỉnh, thành phố: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, có tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng (vốn đầu tư công).
Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu rõ, về sự đáp ứng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia: Dự án đáp ứng các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công. Cụ thể: Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 75.378 tỷ đồng (vốn đầu tư công); áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt cho dự án cần được Quốc hội quyết định. Do đó, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án là phù hợp với quy định của pháp luật.
Về sự cần thiết đầu tư dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua và phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó yêu cầu "khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TPHCM".
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc có cơ chế, chính sách đặc biệt phù hợp để đẩy nhanh tiến độ dự án là cần thiết.
Đối với dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, có tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng, trong đó sử dụng 56.403 tỷ đồng vốn đầu tư công và 29.410 tỷ đồng vốn BOT.
Về việc áp dụng trình tự, thủ tục thực hiện các dự án thành phần tương tự dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công và áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án thành phần 3 đã được áp dụng cho các dự án thành phần của Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất này.
Về nguồn vốn, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc Chính phủ dự kiến nguồn lực ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và việc dự kiến tiếp tục bố trí từ nguồn chưa phân bổ trong phạm vi tổng mức vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhằm cơ bản hoàn thành dự án là phù hợp với mục tiêu, định hướng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm trong quá trình chỉ đạo các địa phương triển khai dự án thực hiện thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đồng bộ giữa các địa phương, ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân chịu ảnh hưởng của dự án, đặc biệt đối với khu vực giáp ranh giữa hai địa phương.
"Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc có cơ chế, chính sách đặc biệt phù hợp để đẩy nhanh tiến độ dự án là cần thiết", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.
Thảo luận tại phiên họp, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết đầu tư hai dự án nêu trên.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, phải xác định rõ đường vành đai là đường cao tốc hay đường đô thị để bố trí xây dựng đường song hành. Việc phân định ngân sách đầu tư giữa Trung ương và địa phương, cơ cấu nguồn vồn chưa rõ, cần xem xét kỹ lưỡng.
Hai dự án quan trọng quốc gia cần cân đối các nguồn lực, bảo đảm vừa tập trung, vừa toàn diện
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, đường vành đai là đầu tư từ ngân sách Trung ương, còn đường song hành, đường gom phân kỳ đầu tư từ ngân sách của các địa phương. Việc đầu tư đường song hành là để khai thác quỹ đất 2 bên, phát triển hệ thống đô thị xung quanh. Nếu có đường song hành sẽ phát huy được tính hiệu quả.
Cùng quan điểm, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho biết, trong quy hoạch xác định đường cao tốc và đường song hành. Trong đó đường vành đai 3 là cao tốc đô thị, đầu tư bằng ngân sách Trung ương, còn địa phương lo giải phóng mặt bằng và đầu tư xây lắp. Đây là vấn đề đã bàn nhiều, đường song hành chỉ thiết kế ở khu vực dân cư hiện hữu để kết nối. TPHCM đã tính đoạn nào có đường song hành, chỗ nào thì không, chỗ nào có vỉa hè, chỗ nào không có vỉa hẻ. "Đường cao tốc đô thị nên có đường song hành. Không vì tiết kiệm mà tiết giảm vì sau này nếu đầu tư lại còn tốn kém nhiều hơn", ông Phan Văn Mãi cho hay.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, 2 dự án này rất quan trọng và nằm trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các dự án quan trọng quốc gia, nên việc chuẩn bị phải hết sức kỹ lưỡng, tính toán nguồn vốn đầu tư phải bảo đảm tuân thủ khung chính sách đã đề ra trong 5 năm để cân đối các nguồn lực, bảo đảm vừa tập trung trọng điểm vừa toàn diện. Quan trọng nhất là bảo đảm tính hiệu quả và khả thi của dự án.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, địa phương và Trung ương cần san sẻ với nhau trong điều kiện khó khăn như hiện nay. Dự án vành đai 3 và vành đai 4 là rất cần thiết, tuy nhiên, cần tránh trường hợp địa phương không có đủ vốn nhưng vẫn phải cam kết đầu tư.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ căn cứ vào các ý kiến trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế để giải trình những vấn đề đã được đặt ra. Cụ thể, giãn tiến độ và giãn thời gian bố trí vốn của dự án vành đai 4 trong 1 năm, cơ bản hoàn thành trong năm 2026 và hoàn thành toàn bộ vào năm 2027. Đồng thời, phải báo cáo rõ việc này để rút được một số vốn cần thiết bố trí cho một số công trình quan trọng. Còn với dự án vành đai 3 cơ bản phải hoàn thành trong năm 2025, thông tuyến và đưa vào sử dụng trong năm 2026, quyết toán trong năm 2027.
Lê Sơn