Rủi ro từ trào lưu mua “giày ảo” giá nghìn USD để... kiếm tiền

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 11:16, 12/05/2022

Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện một hình thức kiếm tiền mới, đó là chạy bộ hoặc đi bộ kiếm tiền. Hình thức này thông qua mạng xã hội, người chơi thi nhau mời chào người tham gia với những lời hứa hẹn thu nhập vô cùng hấp dẫn.

Không ít người sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu, thậm chí cả tỉ đồng để mua một đôi giày ảo, tiền ảo sau đó sẽ cố chạy để đạt điểm hòa rồi có lãi. Tiền đầu tư là thật, nhưng họ lại nhận về những đôi giày ảo. Nhiều chuyên gia cho rằng đầu tư vào trò chơi này ẩn chứa nhiều rủi ro. Bởi đây là một hình thức đa cấp biến tướng kiểu mới kết hợp giữa đầu tư tiền ảo và chạy bộ.

Chạy là có tiền

Trên một diễn đàn của sinh viên miền Bắc, tài khoản Lê Thúy có dòng trạng thái thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các thành viên: “Tuyển người chạy bộ (vừa có sức khỏe, vừa có tiền). Điều kiện: Có kỹ năng chạy bộ; chạy đều với tốc độ 8-12km/h; chạy vào thời gian cố định là 18h; chạy hàng ngày và lâu dài; chạy khoảng 20km/ngày (có thể lập đội 5-7 người tiếp sức). Tiền thưởng 1 triệu đồng/ngày, nhận tiền theo tuần (1 tuần/lần)…”.

Rủi ro từ trào lưu mua “giày ảo” giá nghìn USD để... kiếm tiền -0
Giá token GMT tăng trưởng mạnh trong một thời gian rất ngắn

Lê Ngọc Bằng (Sinh viên Đại học Thủy lợi), là một trong những người thường xuyên chạy thuê cho những người có nhu cầu. Trên diễn đàn, Bằng là người khá “hot” bởi thể lực rất tốt, đảm bảo được những yêu cầu của người thuê mình. Bằng nói: “Chạy bộ là đam mê của em, bất kể nắng hay mưa ngày nào em cũng chạy khoảng 15km vào mỗi buổi chiều. Từ khi biết đến dịch vụ thuê chạy này em đã nhận mấy mối. Em cũng không quan tâm họ thuê chạy để làm gì, nghe nói là chơi coin. Cái mà em quan tâm chính là tiền họ thuê mình thôi”.

Theo như Bằng, một số bạn bè của em sau khi chạy thuê một thời gian đã quyết định mua giày ảo về tự chạy, thậm chí vay mượn để mua thêm giày thuê chạy nhằm kiếm tiền nhanh hơn, nhiều hơn. “Bạn em rất nhiều người đã không chạy thuê nữa, họ thấy lợi nhuận nhiều nên đã về xin bố mẹ tiền, thậm chí vay mượn khắp nơi để tự sắm cho mình những đôi giày ảo này. Ban đầu thì em thấy các bạn ấy cũng kiếm được tiền, cuộc sống cũng khá giả hơn nhiều. Em thì không dám bởi em thấy không có gì là chắc chắn cả, hơn nữa mình không hiểu về bản chất nên không dám liều  nên chỉ chạy thuê thôi”, Bằng nói thêm.

Rủi ro từ trào lưu mua “giày ảo” giá nghìn USD để... kiếm tiền -0
StepN tại việt Nam có tới gần 30 nghìn thành viên

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực chất đây là một hình thức đa cấp kiểu mới kết hợp giữa đầu tư tiền ảo và chạy bộ. Người chơi phải tải app về điện thoại và đặt mua đôi giày ảo lên đến 20 triệu đồng. Sau khi đặt tiền mua giày, người chơi được hứa trả số tiền hậu hĩnh, có thể lên tới 30USD/ngày. Điều đặc biệt, đôi giày mà người tham gia bỏ tiền mua lại là một đôi giày ảo, nhưng tiền mua là thật. Người chơi càng đầu tư nhiều giày sẽ càng thu được nhiều tiền.

Tuy nhiên, số tiền người tham gia nhận được chỉ là tiền ảo có tên GST. Số tiền ảo này sẽ được chuyển về ví của app, sau đó lại chuyển tiếp một lần nữa về ví của sàn Binance, từ đây người chơi mới được nhận tiền thật từ sàn giao dịch điện tử toàn cầu (Binance). Đây là một dự án đi bộ kiếm tiền, Token quản trị của trò chơi này được sàn Crypto Binance niêm yết nên thông tin về trò này được hầu hết người giao dịch coin qua Binance biết đến từ đầu tháng 3.

Để mua giày trong Stepn thì người chơi phải nạp tiền thật vào Binance để quy đổi bằng đồng USDT hoặc các đồng coin ổn định khác (được gọi là stablecoin) rồi mua đồng SOL-Solana và nạp vào ví Solana trong app Stepn để mua giày. Stepn hoạt động như ứng dụng chạy bộ bình thường. Chỉ cần di chuyển đúng tốc độ quy định thì sau 1 phút nhà đầu tư sẽ được trừ 0,2 năng lượng rồi cộng coin.

Rủi ro từ trào lưu mua “giày ảo” giá nghìn USD để... kiếm tiền -0
Giao diện màn hình chạy bộ kiếm tiền

Anh Lê Phong, một người tham gia chạy bộ chia sẻ: “Thời điểm tôi mua giày vào gần cuối tháng 3, khi đó 1 đôi giày có giá khoảng 10-12 SOL, giá chênh lệch như vậy là do các chỉ số của giày khác nhau, chỉ số này ảnh hưởng đến việc kiếm ra tiền”.

Như vậy giá mỗi đôi giày thời điểm đó vào khoảng 800-960 USD (tương đương 20 triệu đồng). Với việc sở hữu 1 đôi giày, mỗi ngày, stepn cho người dùng 2 năng lượng, cứ 6 tiếng lại hồi 0,5 năng lượng. Với 2 năng lượng này, một đôi giày có thể kiếm ra 10-12 gst (token của game để đổi ra tiền hoặc để nâng cấp).  Thời điểm anh Phong mới chơi, giá của token là 3,3 USD, như vậy mỗi ngày có thể kiếm từ 33-36 USD. Khoảng 40 ngày thì sẽ hoàn được số tiền đã đầu tư.

Tuy nhiên đến đầu tháng 4, do trò chơi thu hút được nhiều người tham gia nên số lượng người chơi tăng nhanh, người tham gia còn nhiều hơn số giày có trên thị trường nên giá gst tăng mạnh, có lúc lên gần 8,5 USD/gst. Do giá tăng mạnh nên chỉ sau 15 ngày anh Phong đã hoàn lại tiền mua giày và tích tiền mua thêm giày mới. “Như hiện nay giá gst bắt đầu giảm, còn khoảng 4 USD/gst, với việc sở hữu 6 đôi giày, hiện tại tôi đang kiếm đc khoảng 4 triệu/ngày, chạy ngày nào lãi ngày đó. Giá giày ảo trên thị trường hiện vẫn rất sốt, 1 đôi giày rẻ nhất vẫn có giá khoảng 1.100 USD và đắt nhất lên tới 120.000 USD”, anh Phong cho biết.

Rủi ro từ trào lưu mua “giày ảo” giá nghìn USD để... kiếm tiền -0
Chạy bộ kiếm tiền đang trở thành trào lưu thu hút nhiều người tham gia

Do kho năng lượng của mỗi tài khoản có giới hạn tùy theo số giày, sau khi năng lượng đầy nhưng không chạy, người chơi có thể bỏ phí năng lượng và đồng nghĩa với mất tiền. Chính vì điều này đã kích thích người chơi phải chăm chỉ chạy bộ bất chấp bận rộn, mưa gió. Ngoài ra, trong nhóm telegram của những người chơi stepn, nhiều người cũng chia sẻ họ phải chạy lúc 12h đêm do bận cả ngày hay ứng dụng bảo trì. Một người chơi tên Gin Bá cũng thường xuyên chia sẻ lịch trình chạy của mình với mọi người, anh này sở hữu tới… 30 đôi giày trong tài khoản và có khoảng 20 năng lượng, đôi giày chính để chạy của Gin Bá là giày loại hiếm, hiện đang có giá xấp xỉ… 1 tỷ đồng.

Coi chừng ngậm trái đắng

Là người tham gia đầu tư vào hình thức này, anh Nguyễn Đình Quân (Quốc Oai, Hà Nội) cho hay, ngoài lý do đầu tư, nó còn cho anh động lực mỗi tuần 4-5 buổi ra đường để chạy bộ. “Với người tập luyện, động lực để duy trì luyện tập thường xuyên là rất quan trọng. Tuy nhiên tôi cũng không hiểu lắm việc đầu tư này, cũng không chắc chắn điều gì. Mọi thứ tôi biết chỉ là “chạy mà lại có tiền”, anh Quân cho biết.

Rủi ro từ trào lưu mua “giày ảo” giá nghìn USD để... kiếm tiền -0
Một người có thể sở hữu nhiều đôi giày ảo

Theo anh Đinh Văn Hợp (Hà Nội), thực chất mời gọi tuyển người chạy như trong những mẩu quảng cáo trên một số diễn đàn sinh viên chính là tuyển người “chạy thuê” cho một hoặc một vài cá nhân nào đó. Hay hiểu nôm na là họ đang đầu tư rất nhiều tiền để sở hữu cùng một lúc nhiều “đôi giày” và cần người chạy hộ.

Nhiều người chơi đã phản hồi rằng khi tham gia, người chơi không kiểm định được ai là người làm ra game này, tư cách đạo đức của họ ra sao. Đặc biệt là việc tham gia trò chơi may rủi này không được pháp luật thừa nhận nên khi hệ thống sập, người chơi là người lĩnh hậu quả.

Đây không phải là lần đầu tiên hình thức “chạy ra tiền” này xuất hiện. Khi đã bỏ ra tới vài chục triệu đồng để mua một đôi giày không đúng giá trị thật, người chơi sẽ cố chạy để đạt điểm hòa vốn rồi có lãi, nhưng để có lãi, người chơi sẽ phải tiếp tục “bơm” tiền cho app để kiếm được nhiều lãi hơn. Theo nhiều chuyên gia thì StepN rất dễ đi vào con đường của Axie Infinity.

Đó chính là những người chơi sau sẽ chịu “thiệt” và thậm chí còn là đối tượng sẽ tạo ra doanh thu cho những người trước đó. Chưa kể, nhiều ý kiến còn cho rằng về bản chất, StepN vẫn là một tựa game NFT, và đầu tư thì lúc nào cũng có rủi ro. Thế nên, nếu bạn là một người ưa chạy bộ, thích thể thao kèm theo một chút thú vị thì hoàn toàn có thể thử trải nghiệm StepN, còn nếu coi đây là một tựa game để đầu tư thì hãy cân nhắc và cẩn trọng trước khi quyết định.

Rủi ro từ trào lưu mua “giày ảo” giá nghìn USD để... kiếm tiền -0
Chi phí để mua một đôi giày ảo là khá cao

Tiến sĩ Trương Tuấn Anh (chuyên gia kinh tế, Viện Chiến lược Kinh tế Việt Nam) chia sẻ: “Khi số người đi bộ kiếm token tăng lên cấp số nhân, dự án có thể sẽ tung token ra bán. Sẽ có người mua và người bán, dòng tiền sẽ đổ vào rất nhanh. Khi đó chủ dự án đứng sau cái này có bao nhiêu coin? Họ có thể “rút cầu”, lấy hết tiền và nghiễm nhiên trở thành người siêu giàu trong khi không tạo ra một giá trị gì ban đầu kể cả về công nghệ lẫn tokenomy. Cho đến nay, các dự án kiểu đi bộ kiếm tiền có rất nhiều, nhưng tất cả chỉ toàn là rác”.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toàn (chuyên gia tài chính) cho rằng, dưới góc độ đầu tư thì StepN vẫn là một trò chơi tài chính, tiềm ẩn nhiều rủi ro. StepN vận hành theo trend (xu hướng) nên khi đầu tư, người dùng cần chuẩn bị tâm lý rủi ro thua lỗ. Đặc biệt, mô hình kinh tế này được đánh giá là thiếu ổn định nếu không nâng cấp.

Trong khi đó Wu Blockchain, chuyên gia phân tích lĩnh vực chuỗi khối và cập nhật tin tức độc quyền về đào Bitcoin tại Trung Quốc chia sẻ: “Nếu một trò chơi có nhiều người kiếm tiền hơn là tiêu tiều thì cuối cũng nó vẫn là đa cấp. Số tiền thu về của người chơi trước đến từ những người bỏ ra sau. Dự án sẽ ổn định khi người dùng sẵn sàng sử dụng nền tảng ngay cả khi họ thua lỗ. Nói cách khác, mô hình cân bằng tốt phải có lượng người dùng chi tiêu lớn hơn khách hàng đầu tư”.

(Theo An ninh thế giới)