Mariupol của tôi

Dòng chảy - Ngày đăng : 16:53, 09/05/2022

Tôi biết đến tên gọi Mariupol đã từ lâu. Có lẽ ngay từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã nghe nhắc đến nó trong gian nhà kho tranh tối tranh sáng, nằm trên khuôn viên một nhà máy sản xuất đồ dùng kim khí.

Đây là nơi bố mẹ tôi, vốn là những công nhân Liên Xô bị cưỡng bức (sang Đức làm lao công), ẩn náu gần suốt năm năm trời sau chiến tranh, sau khi ông bà chạy sang khu vực quân Mĩ chiếm đóng để trốn tránh Hồng Quân.

Mariupol – một địa danh đã gắn chặt với thời thơ ấu của tôi. Bao giờ nó cũng được nhắc đến, bám theo tôi từ nơi ẩn náu tại sân nhà máy đến trại Valka ở Nürnberg, một khu trại mà về sau cả nhà tôi phải chuyển đến ở. Đó là một thành phố gồm toàn lán trại, được dựng lên làm nhà ở cho các công nhân bị cưỡng bức mà sau chiến tranh không hồi hương được và, do đó, trở thành các displaced persons (DPs).

Địa danh Mariupol bám theo chúng tôi từ trại Valka đến ba hay bốn địa điểm tạm thời gì đó, nơi mà những người tha hương vô quốc tịch (DPs) tụ tập, hòng làm đơn xin nhập cảnh (thường là vô ích) vào nước Mĩ. Địa danh Mariupol đi theo chúng tôi mỗi khi chuyển chỗ ở. Nó bám sát theo tôi đi khắp nơi, một địa danh của mẹ tôi, một tên gọi mà mỗi khi nhắc đến bà không cầm được nước mắt; một tên gọi mà rốt cuộc bà đã mang theo xuống dòng sông trên đất Đức, nơi bà đã trầm mình, lúc tôi mới mười tuổi.

Địa danh Mariupol biến đi cùng cái chết của bà. Về sau này, một quãng thời gian rất lâu, tôi không còn nghe nhắc đến nó nữa. Rồi dần dần, tôi cũng quên nó đi, những tưởng là mãi mãi.

9a42f4a0-1538-4afb-bd19-c54a62170821.jpg
Mariupol, 16 tháng 2 năm 2022 © Iva Zimova/Panos Pictures/Visum

Tôi không dám tự hỏi, xem hiện giờ ngôi nhà ấy có còn ở Mariupol nữa không, ngôi nhà mà trước Cách mạng tháng 10, một bà bác của mẹ tôi từng dựng lên thành trường nữ sinh và dùng làm nơi giảng dạy không lấy tiền cho con gái các gia đình nghèo khó. Tôi biết rất rõ, mới đây thôi, nó còn đứng nguyên ở đó. Nhưng bây giờ, không ai còn biết trời đất thế nào nữa cả.

Trong cuộc nội chiến xảy ra tiếp ngay theo Cách mạng năm 1917, ngôi nhà ấy bị cháy, nhưng sau đó, nó được sửa sang lại. Tôi đoán là trường nữ sinh trước đây lại chuyển về đóng tại ngôi nhà đó, và, tôi cũng đoán thế, mẹ tôi lúc còn trẻ, cháu của người bác gầy dựng nên ngôi trường này, cũng từng là giáo viên một thời gian ngắn ở đây. Lúc quân đội Đức chiếm đóng Mariupol, ngôi trường bị đóng cửa. Chả là (theo lời quân Đức), dân Ukraina không cần học hành làm gì, bao giờ đám dân này bị triệt hạ gần hết rồi, người ta sẽ dùng bọn chúng (những người còn sống sót) làm kẻ hầu hạ cho những chủ nhân thuộc giống người Arier thượng đẳng mà thôi.

Sở lao động Đức chiếm lĩnh căn nhà nằm ở khu vực trung tâm này làm trụ sở; đây chính là trung tâm dồn bắt nhân công, có nhiệm vụ dồn được càng nhiều nhân công càng tốt sang Đức làm nô lệ. Tôi nghĩ, chắc giáo viên trước đây của trường nữ sinh này, trong số đó có cả mẹ tôi, đã được giữ lại làm nhân viên cho Sở. Như thế, người ta đã biến mẹ tôi thành một thứ bánh xe con con trong bộ máy dồn bắt nhân công đó của Đức và, về sau, người ta cũng bắt nốt cả chiếc bánh xe nhỏ bé ấy sang Đức làm nhân công.

Lúc chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra, tổng số dân cư Mariupol là 240.000 người; hai năm sau, thành phố chỉ còn lại 85.000 người. Gần hai phần ba số dân ở đây đã bị di tản đi, bị bắt đưa về nơi khác hay bị sát hại. Thành phố bị tàn phá thành đống đổ nát. Lúc rút đi, quân Đức đã cho nổ mìn tất cả những ngôi nhà chưa bị trúng bom; bọn chúng dùng súng phun lửa đốt sạch những nhà cửa còn sót lại, chủ tâm để lại cho Hồng quân càng nhiều đống tro tàn càng tốt. Cả ngôi nhà trước đây vốn là ngôi trường bà tôi dựng lên ấy, cũng bị thiêu hủy, nhằm xóa hết dấu vết của cơ quan dồn bắt nhân công của chúng.

Đến khi ngôi nhà này, một lần nữa, được dựng lại sau chiến tranh, người ta gắn lên tường nhà tấm biển ghi dòng chữ: "Trong thời kỳ bị chiếm đóng từ 1941 đến 1943, nơi đây là Sở Lao động của quân đội Đức. Từ đây, hơn sáu chục ngàn dân Mariupol đã bị bắt sang Đức làm nô lệ. Trong số họ, cứ mười người thì một người đã bị thiệt mạng trong cảnh đọa đày."

Tôi vẫn thường tự hỏi, liệu hôm nay tấm biển đó có còn ở đó nữa không, hay hôm qua, hôm kia, nó đã bị vùi trong đống đổ nát của ngôi nhà bị phá hủy thêm một lần thứ ba nữa mất rồi. Tôi tự hỏi, liệu ngôi nhà dột nát ở con phố Nikolajeskaja hôm xưa có đứng nguyên ở chỗ cũ không, ngôi nhà mà trong đó mẹ tôi đã sinh ra và lớn lên, và cũng là ngôi nhà mà từ đó, bà, lúc 23 tuổi, ôm bọc quần áo nhỏ trên tay, đã ra đi mãi mãi. Bom đạn Đức ném xuống đã chừa lại ngôi nhà này; tôi đã từng ngắm nó trên nhiều bức ảnh, song, chỉ mới đây thôi, tôi không còn biết các bức ảnh ấy đã cho tôi thấy một thực tế đang tồn tại, hay đó chỉ là một thực tế đã trôi từ lâu vào dĩ vãng.

Không rõ vì duyên cớ nào mà suốt một quãng thời gian dài trong đời, tôi cứ đinh ninh mẹ tôi sinh ra ở Kiev. Địa danh Mariupol, một địa danh mà thỉnh thoảng, có khi là sau rất nhiều măm tháng, vẫn hiện ra trong trí óc tôi ấy, là địa danh gắn liền với mẹ tôi; một địa danh luôn luôn vang lên cùng giọng nói của mẹ tôi, chứ tôi chưa từng nghe thấy thốt ra từ miệng một người nào khác. Tôi cũng chưa bao giờ đọc thấy nó ở đâu và, thậm chí, tôi còn chẳng dám chắc đó là tên gọi một thành phố. Đôi khi tôi còn nghĩ đấy chỉ là một thứ gì đó lẫn vào giữa mớ bòng bong quái đản do trí tưởng tượng của chính tôi tạo nên.

Và, cũng đúng là từ năm 1948 không còn thành phố Mariupol nữa thật. Người ta đổi tên nó thành thành phố Schdanov. Mariupol đã biến mất khỏi thế gian này, chỉ còn lại một thứ tiếng vang từ mẹ tôi và mẹ tôi cũng chẳng hề cho tôi biết bà cùng một thành phố quê hương với Andrei Alexandrovitsch Schdanov, một trong những kẻ hăng hái năng nổ nhất trong các cuộc thanh trừng, thanh lọc nội bộ, một kẻ mà suốt một thời gian dài, từng được xem là người sẽ kế tục Stalin.

Tôi có cảm giác, như thể ngón đòn ác hiểm nhất lại một lần nữa giáng vào nỗi đau của mẹ tôi

Lẽ ra tôi đã có thể tra cứu và khám phá bí mật về Mariupol, song, tôi đã e sợ, rằng tôi sẽ đụng phải một thứ mật khẩu nào đó của đời tôi, rằng Mariupol biết đâu chả là chìa khóa để mở chiếc hộp đen nào đó của đời tôi. Tôi không muốn nhìn vào hộp đen ấy, không, nhất định không, tôi đã không muốn nhập mình vào lịch sử, vào các mối liên hệ chính trị xã hội của một thế giới xa lạ, tôi đã không muốn biết gì hết về nó, về cái thế giới mà suốt một thời gian dài, đã không thèm đoái hoài đến tôi. Tôi không cần biết đến gốc gác, quê hương, làng xóm, tôi đã quen lơ lửng, không gốc gác quê hương, giữa khoảng không trung lộng gió này rồi. Bố mẹ tôi vẫn từng tự xưng mình là dân di cư, và, chính từ cái danh hiệu mang tính định mệnh ấy, tôi đã tạo dựng cho mình một danh tính mơ hồ và bí hiểm.

Rồi đến một lúc nào đó mảnh giấy lạ lùng nọ đã rơi vào tay tôi, một mảnh giấy từng nằm khuất mấy chục năm trời ở góc tối om thuộc ngăn kéo của chiếc bàn giấy tôi ngồi. Đây là bản photocopy to ngang cỡ một tấm bưu thiếp, vâng, một chứng từ Ukraine nào đấy do bố mẹ tôi để lại. Thứ máy photocopy nào đó của Liên Xô hôm xưa không chỉ chụp lại dòng chữ viết tay màu trắng trên nền giấy đen, mà còn chụp ngược là đằng khác. Nhiều lần, tôi đã cố đọc xem đó là những dòng chữ gì, mà không nổi.

Mãi cho đến lúc trong đầu tôi chợt nẩy ra ý nghĩ, mình thử giơ mảnh chứng từ viết ngược nói trên ra trước một tấm gương xem sao. Lập tức tôi đọc thấy dòng chữ Mariupol.

Ngày 28 tháng 7 năm 1943, mẹ tôi đã đăng ký kết hôn với bố tôi tại phòng hộ tịch Mariupol, chỉ vài tuần trước khi Hồng quân Liên Xô tiến vào, đẩy lui quân Đức khỏi thành phố. Tôi cầm tờ giấy chứng nhận kết hôn trên tay, tờ chứng nhận bằng chữ cái Ukraine, tức chữ cái kiểu Kyrill, với con dấu hình con đại bàng của Đức ở phía dưới – chứng nhận một cuộc hôn nhân thời chiến, trong thành phố đang bị chiếm đóng. Đó chính là lần đầu tiên tôi đưa mắt nhìn vào cuộc đời mẹ tôi trên đất Ukraine. Tại sao mãi đến khi cầm mảnh giấy này trên tay, tôi mới vỡ nhẽ ra, sở dĩ mẹ tôi hay nhắc đến Mariupol như thế, là vì đó là thành phố quê hương bà?

Còn phải mất thêm gần hai chục năm nữa, tôi mới tìm ra câu chuyện của bà trên đất Ukraine, một câu chuyện khởi đầu từ Mariupol bên bờ biển Asov và kết thúc, 36 năm sau, dưới một dòng sông trên đất Đức. Vào lúc kết thúc chiến tranh, bà mà quay về quê hương, hẳn bà đã bị xử bắn. Bà không những chỉ xuất thân từ một gia đình quí tộc và tư bản, một gia đình đã trở nên hết sức giàu có, nhờ xuất khẩu than ở vùng Donbass, mà bà còn hai lần làm tay sai cho địch. Lần đầu ở "Sở Lao động" Mariupol, lần sau trên đất Đức, trong nhà máy sản xuất khí giới của hãng Flick tại Leipzig. Dưới con mắt người ta, bà đáng bị xếp vào hạng kẻ thù nhân dân, hạng nối giáo cho giặc, hạng phản quốc, hạng đĩ điếm của quân đội Đức.

b67f8113-ef65-45d2-a2fd-942dbc21c42e.jpg
Lực lượng cứu hộ khiêng sản phụ tới chỗ an toàn khi quân Nga pháo kích vào bệnh viện phụ sản ở Mariupol, Ukraine, hôm 9.32022. Ảnh: AP

Hiện thời, chính Mariupol lại là thành phố Ukraine bị chiến tranh tàn phá dữ dội nhất. Tôi có cảm giác, như thể ngón đòn cực kỳ ác hiểm lại một lần nữa giáng vào nỗi đau đớn của mẹ tôi, như thể, một lần nữa, họ đẩy mẹ tôi vào cõi chết. Đã mấy ngày nay, những hình ảnh rút từ câu chuyện - lòng vòng mãi mới đến tay tôi - về một chị phụ nữ mắc kẹt lại trong thành phố bị bao vây này, cứ đeo đẳng theo tôi. Tôi có cảm giác như thể mẹ tôi đang viết gửi cho tôi vậy: Vào những lúc tạm yên giữa hai trận bom, mẹ phải ra ngoài phố… Mẹ phải đưa con chó của mẹ ra đường cho nó đỡ tù chân tù cẳng. Nó kêu rên, nó run rẩy, nó quấn lấy chân mẹ, tìm nơi che chở… Mảnh sân sau phủ đầy tro bụi, la liệt mảnh kính vỡ, mảnh nhựa cùng sắt thép gãy vụn… Trước mặt mẹ, một ngôi nhà nhiều tầng đang cháy. Ngọn lửa đã nuốt trọn năm tầng dưới, đang từ từ "liếm" lên tầng thứ sáu. Từ một căn phòng nào đó, ngọn lửa nhỏ đang cháy, ấm cúng như ngọn lửa lò sưởi một gia đình nào …

Một thành phố lại lần nữa phải khắc khoải, một thành phố đã gần chết lịm, một thành phố mà tại đó, xác người chưa thể đem chôn, phải tạm để nằm ngoài ban công, nơi khí trời còn giá lạnh. Tôi không hiểu thế nào là tội ác chiến tranh. Có cuộc chiến nào không gây tội ác không?

Trên tạp chí Spiegel (Tấm gương) ra ngày 23 tháng 3 năm nay, tôi đọc thấy dòng tin như sau: "Trong thành Mariupol bị vây hãm còn lại khoảng 100.000 người. Tòa thị chính ra lời cáo buộc Nga đang dồn bắt dân thành phố đưa sang Nga làm lao động khổ sai. Lời cáo buộc này chưa được nguồn tin độc lập nào xác nhận."

Hiện giờ, cả thế giới đều đã biết đến thành phố Mariupol.

Natascha Wodin

(Hoàng Đăng Lãnh dịch, với sự cho phép của tác giả Natascha Wodin)

* Natascha Wodin là tác giả của tiểu thuyết "Người đến từ Mariupol“ (Tao đàn, 2020). Tác phẩm mới nhất của bà là "Những giọt lệ của Nastja“ (Rowohlt, 2021).

Nguồn Báo Zeit (Thời đại)