Bi kịch gia đình và căn bệnh tâm thần của tác giả bức tranh "Tiếng thét"

Dòng chảy - Ngày đăng : 15:46, 08/05/2022

Danh họa Edvard Munch có một cuộc đời bất hạnh và bệnh tật nên sự tuyệt vọng, đau khổ đã được ông phản ánh trong hầu hết các tác phẩm của mình.

Edvard Munch là danh họa nổi tiếng nhất Na Uy, người được biết tới với bức tranh Tiếng thét từng bán với giá kỷ lục 119,9 triệu USD vào năm 2012. Nổi tiếng và tài năng nhưng Edvard Munch lại phải sống với căn bệnh rối loạn tâm thần. Họa sĩ nổi tiếng từng nói, sự điên rồ, bệnh tật và cái chết là những thiên thần đen tối ám ảnh ông suốt cuộc đời.

Edvard Munch sinh năm 1863 tại một trang trại ở làng Adalsbruk, Loten, Na Uy. Cuộc sống của Edvard ngập tràn trong nỗi buồn khi mẹ ông qua đời vì bệnh lao vào năm 1868, khi Edvard mới 5 tuổi và tới năm 1877, chị gái ông cũng qua đời. Sau khi mẹ qua đời, anh chị em nhà Munch được cha và dì Karen nuôi dưỡng.

Edvard Munch thường xuyên bị ốm trong mùa đông và không thể đi học, vì thế, Edvard thường vẽ để giết thời gian. Cậu bé Edvard Munch được các bạn cùng trường và dì của mình kèm cặp. Bố của Edvard Munch, ông Christian Munch cũng dạy con trai mình về lịch sử và văn học.

Bi kịch gia đình và căn bệnh tâm thần của tác giả bức tranh Tiếng thét - 1

Danh họa Na Uy Edvard Munch (Ảnh: Pinterest).

Như Edvard nhớ lại, những việc làm tích cực của bố ông đối với con cái đã bị lu mờ bởi chủ nghĩa áp chế của ông. Munch từng kể rằng: "Cha tôi luôn bị lo lắng và ám ảnh về tôn giáo đến mức mắc chứng loạn thần kinh. Từ ông ấy, tôi thừa hưởng mầm mống của sự điên rồ. Các thiên thần của nỗi sợ hãi, nỗi buồn và cái chết đã đứng bên cạnh tôi kể từ ngày tôi được sinh ra".

Một trong những em gái của Munch là Laura cũng được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần khi còn nhỏ. Trong số 5 anh chị em của danh họa, chỉ có một người là Andreas kết hôn nhưng ông đã qua đời vài tháng sau đám cưới. Những nỗi đau trong cuộc sống rõ ràng đã ảnh hưởng Edvard Munch và phủ một màu đen tối lên các tác phẩm của Edvard Munch trong thời kỳ nghệ thuật nổi tiếng nhất của ông bằng những hình vẽ hốc hác, nhuốm màu chết chóc.

Edvard Munch rất đam mê nghệ thuật và khi mới 13 tuổi, Munch đã làm quen với các họa sĩ tại hiệp hội nghệ thuật mới thành lập. Sau đó, Edvard Munch bắt đầu vẽ tranh sơn dầu.

Năm 1884, với sự hướng dẫn từ Christian Krohg, một trong những họa sĩ nổi tiếng tại Oslo, Na Uy, Edvard Munch đến Paris, Pháp và ông đặc biệt quan tâm đến các tác phẩm nghệ thuật thuộc trường phái ấn tượng. Edvard Munch rất hâm mộ Paul Gaugin và Henri de Toulouse-Lautrec. Sau đó, Edvard Munch bắt đầu tạo ra phong cách hội họa độc đáo của mình bằng cách sử dụng màu sắc phi tự nhiên và những đường nét uyển chuyển để thể hiện một thế giới nội tâm đặc biệt mãnh liệt.

Vào tháng 12/1889, cha của Edvard Munch qua đời khiến gia đình ông càng lún sâu vào cảnh túng quẫn. Edvard Munch trở về nhà ở Na Uy và từ đó về sau, ông phải chịu trách nhiệm tài chính cho gia đình mình. Cái chết của cha khiến Edvard Munch rơi vào tâm trạng chán nản và ông từng có suy nghĩ muốn tự sát. Edvard Munch nói: "Tôi sống nhưng mẹ tôi, chị gái tôi, ông tôi, bố tôi đều chết. Tôi từng nghĩ, vì sao tôi vẫn còn sống".

Bi kịch gia đình và căn bệnh tâm thần của tác giả bức tranh Tiếng thét - 2

Hai trong số những bức tranh nổi tiếng của Edvard Munch (Ảnh: Pinterest).

Năm 1892, Edvard Munch tham gia một cuộc triển lãm của hiệp hội các họa sĩ Berlin, Đức. Tuy nhiên, không giống như các họa sĩ khác tại triển lãm, bức tranh của ông đã gây ra nhiều tranh cãi đến nỗi triển lãm bị cắt ngắn đột ngột. Sau đó Edvard Munch nổi tiếng khắp nước Đức, nơi ông từng sống trong nhiều năm. Edvard Munch bán được một số bức tranh và có thu nhập từ việc bán vé vào cửa để xem những bức tranh gây tranh cãi của mình. Munch luôn tỏ ra miễn cưỡng khi chia tay với những bức tranh của mình, thứ mà ông gọi là "những đứa con" của ông.

Bức vẽ Tiếng thét (1895) là tác phẩm nổi tiếng nhất của Munch và là một trong những bức tranh dễ nhận biết nhất trong tất cả các tác phẩm nghệ thuật. Tiếng thét được hiểu rộng rãi là đại diện cho nỗi lo chung của con người hiện đại. Được vẽ bằng những dải màu sặc sỡ và hình thức được đơn giản hóa cao, bức vẽ mô tả hình dáng đau đớn của con người khi bị bó chặt trong cơn khủng hoảng cảm xúc.

Tiếng thét được bán đấu giá vào ngày 2/5/2012 với giá kỷ lục là 119,9 triệu USD. Đây là một trong những bức họa đắt giá nhất mọi thời đại và với bức tranh này, Munch đã đạt được mục tiêu của mình là "nghiên cứu về linh hồn, nghiên cứu về bản thân". Munch cũng mô tả nỗi thống khổ cá nhân đằng sau bức tranh rằng: "Trong vài năm, tôi gần như phát điên…. Tôi đã bị kéo căng đến hết giới hạn và mọi thứ đang gào thét trong máu tôi. Sau đó, tôi từ bỏ mọi hy vọng về việc có thể yêu lần nữa".

Munch phải nhập viện vì suy nhược thần kinh và lo lắng vào khoảng năm 1908. Sau này ông từng chia sẻ: "Tình trạng của tôi ở mức điên cuồng, đó là chạm vào và biến mất. Tôi không thể thoát khỏi bệnh tật của mình và có rất nhiều thứ trong các tác phẩm nghệ thuật của tôi đã xuất hiện vì căn bệnh này".

Những bức tranh ấn tượng của Edvard Munch (Video: Tate).

Tác phẩm của Edvard Munch đặc trưng bởi những nhân vật có cảm giác tuyệt vọng và đau khổ thể hiện rất rõ ràng. Những nét vẽ và màu sắc mà Munch sử dụng trong các tác phẩm của mình thường thể hiện trạng thái tâm hồn của chính ông.

Thời gian nằm viện đã ổn định tính cách của ông và sau khi trở về Na Uy vào năm 1909, các tác phẩm của Edvard Munch trở nên đầy màu sắc và ít bi quan hơn. Điều này thể hiện tâm trạng của ông đã trở nên tươi sáng. Edvard Munch cũng giảm uống rượu, bán được tranh và có thu nhập để chu cấp cho gia đình mình.

Edvard Munch không hề kết hôn trong suốt cuộc đời và gọi những bức tranh là những đứa con của mình. Ông sống một mình trong điền trang ở ngoại ô Oslo, Na Uy cho đến khi ông qua đời vào năm 1944, ở tuổi 80. Sau đó các nhà chức trách đã tìm thấy trong nhà ông một bộ sưu tập gồm 1.008 bức tranh, 4.443 bản vẽ. Khi Munch qua đời, các tác phẩm của ông được để lại cho thành phố Oslo, Na Uy, nơi đã xây dựng bảo tàng Munch. Ngoài bức tranh Tiếng thét được bán với giá 119,9 triệu USD, Edvard Munch còn có bức tranh mang tên Ma cà rồng từng bán được với giá gần 40 triệu USD và hàng loạt bức tranh "triệu đô" khác.

Vĩnh Ngọc