Giá vật liệu xây dựng đẩy CPI tháng 4 tăng nhẹ

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 09:25, 29/04/2022

Giá vật liệu bảo dưỡng nhà và dịch vụ giáo dục tăng trở lại là những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng nhẹ.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2022 vừa công bố của Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng nhẹ 0,18% so với tháng trước; tăng 2,09% so với tháng 12/2021 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng Cục Thống kê cho biết, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng theo giá nguyên liệu đầu vào sản xuất; dịch vụ giáo dục tăng trở lại tại một số địa phương sau thời gian miễn giảm học phí; giá ăn uống ngoài gia đình và dịch vụ du lịch tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 4 tăng.

Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,89% của 4 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 4 tháng đầu năm 2017 - 2020. Lạm phát cơ bản tăng 0,97%.

Giá vật liệu xây dựng đẩy CPI tháng 4 tăng nhẹ  - 1

(Ảnh: Tổng Cục Thống kê)

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và 3 nhóm hàng giảm giá.

Lạm phát cơ bản tháng 4/2022 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 0,97% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 4, giá vàng trong nước biến động ngược chiều với thế giới, cụ thể tăng 0,73% so với tháng trước và tăng 12,28% so với cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số giá USD tăng 0,07% so với tháng trước và giảm 0,64% so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 4 ước tính tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước do dịch COVID-19 đã được kiểm soát, các doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng ấn tượng 11,3%. Mức tăng này cao hơn tốc độ tăng 5,8% và 9,6% của cùng kỳ năm 2018 và 2019, những năm chưa có dịch COVID-19.

Bằng Lăng

Bằng Lăng