Thực hư thông tin nhà trường 'vận động' học sinh yếu kém không thi vào lớp 10, không thi tốt nghiệp THPT ở Hà Nội: Góc khuất khó có bằng chứng rõ ràng

Xã hội - Ngày đăng : 15:06, 27/04/2022

Trước những bức xúc của phụ huynh học sinh, các phòng GD-ĐT của Hà Nội đã chính thức có câu trả lời.

Mới đây, một phụ huynh có con từng học lớp 12 Trường THPT Tự Lập (Mê Linh, Hà Nội) cho biết con mình được nhà trường “quan tâm đặc biệt” khi trong đợt kiểm tra học kỳ 2 năm học 2020-2021 bất ngờ bị nhà trường yêu cầu làm bài ở phòng riêng theo kiểu 1 giám thị - 1 học sinh, dù con không hề có bất cứ vi phạm nào, không gian lận thi cử, cũng không liên quan đến Covid-19 để phải cách ly khỏi các bạn khác.

Ngoài ra, phụ huynh này còn chia sẻ về thông tin giáo viên nhận được chỉ đạo “miệng” yêu cầu rà soát từng lớp để vận động những học sinh học lực yếu kém chỉ nhận giấy chứng nhận hoàn thành hết lớp 12 và không tham gia thi tốt nghiệp THPT.

Những thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mê Linh cho biết, qua phối hợp xác minh ban đầu giữa địa phương và nhà trường cho thấy, không có chuyện vận động học sinh yếu không thi tốt nghiệp THPT bởi em thí sinh phản ánh trên đã tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái và trượt tốt nghiệp.

Thực hư thông tin nhà trường 'vận động' học sinh yếu kém không thi vào lớp 10, không thi tốt nghiệp THPT ở Hà Nội: Góc khuất khó có bằng chứng rõ ràng
Trường THPT Tự Lập

Ở một diễn biến khác liên quan tới vụ việc anh N.V.D, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội "tố" giáo viên Trường THCS Phú Cường yêu cầu con gái anh đang học lớp 9 viết đơn tự nguyện không thi vào lớp 10, bà Trần Thị Thanh Huế, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn cho hay: "Ngay sau khi nhận phản ánh, Phòng GD&ĐT Sóc Sơn đã tổ chức cuộc họp để nắm bắt thông tin về vụ việc".

Theo đó, cuộc họp có sự tham gia của gia đình học sinh, giáo viên chủ nhiệm, nhà trường, Tổ thanh tra và lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn.

Bà Huế thông tin về cuộc họp: "Em học sinh cho biết đây là lá đơn được viết tự nguyện do không muốn thi vào lớp 10 chứ không có sự ép buộc từ giáo viên, nhà trường. Tâm tư của em là muốn theo trường nghề thay vì dự thi vào lớp 10 công lập.

Về phía phụ huynh, sau ý kiến của con gái, anh D. cũng bày tỏ, do mong muốn con thi vào lớp 10, kể cả có thi trượt thì cũng thi, sau đó mới tính tiếp nên khi thấy tờ đơn của con gái về việc không tham gia thi lớp 10 công lập thì nam phụ huynh rất bức xúc".

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn thì tại cuộc họp, giáo viên chủ nhiệm và nhà trường khẳng định luôn động viên các em thi vào lớp 10 và không ép buộc học sinh viết đơn.

Thực hư thông tin nhà trường 'vận động' học sinh yếu kém không thi vào lớp 10, không thi tốt nghiệp THPT ở Hà Nội: Góc khuất khó có bằng chứng rõ ràng
Phần chia sẻ của nam phụ huynh N.V.D khiến dư luận xôn xao bàn tán.

Bà Trần Thị Thanh Huế chia sẻ thêm: "Quan điểm của phòng là dù thí sinh thi đỗ hay trượt vẫn ủng hộ, khích lệ cho tất cả học sinh lớp 9 thi vào lớp 10. Nếu thi trượt, các em vẫn có thể xin vào trường nghề để học tiếp theo nguyện vọng và sở thích.

Trong cuộc họp, tôi cũng đã động viên em học sinh cố gắng tham dự kỳ thi sắp tới. Hiện tại gia đình đã không còn bức xúc nữa.

Sau vụ việc, chúng tôi nhắc nhở tới giáo viên cần rút kinh nghiệm về phương pháp, cách thức truyền đạt khi trao đổi với phụ huynh, tránh gây hiểu lầm; cần trao đổi với phụ huynh trước khi trao đổi với học sinh để tạo sự gắn kết và rõ ràng. Về phía ban giám hiệu nhà trường cũng cần sát sao hơn nữa đến giáo viên và học sinh".

Thời gian vừa qua, một số phụ huynh Hà Nội đăng tải thông tin trên các diễn đàn mạng xã hội về việc con mình bị vận động không thi vào lớp 10 THPT công lập khiến dư luận bức xúc. Thậm chí, một số giáo viên còn cho biết, sự việc này đã có từ nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ được xác nhận một cách rõ ràng, công khai mà chỉ là chỉ đạo "miệng" tạo ra một góc khuất khó nói với học sinh, phụ huynh và giáo viên. Sự việc dù chỉ xảy ra ở một nhóm nhỏ học sinh của một số trường nhưng đều khiến dư luận bức xúc vì vô cùng phản giáo dục.

Hoàng Thanh