ASEAN-Mỹ: Sự khởi sắc trong quan hệ

Đối ngoại - Ngày đăng : 10:41, 24/04/2022

Sáu năm sau Thượng đỉnh Sunnylands, các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ sẽ lại có dịp gặp mặt trực tiếp trong Hội nghị Cấp cao đặc biệt thứ hai tại Washington D.C từ 12-13/5. Được tổ chức nhân dịp 45 năm quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN-Mỹ, Hội nghị không chỉ là một sự kiện kỷ niệm, mà còn mang nhiều ý nghĩa khác.
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ chín ngày 26/10/2021. (Nguồn: AFP)
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ chín ngày 26/10/2021. (Nguồn: AFP)

So với cách đây 45 năm, quan hệ ASEAN-Mỹ đã có sự phát triển về chất, nhất là sau khi ASEAN hội đủ 10 nước thành viên vào năm 1999.

Tuy xa mà gần

Từ những năm 2000, cục diện hậu Chiến tranh Lạnh và sự trỗi dậy của Trung Quốc được coi là những nhân tố chính khiến Mỹ ngày càng quan tâm tới châu Á-Thái Bình Dương. Dù có tên gọi và nội hàm khác nhau qua các đời Tổng thống, các chiến lược của Mỹ từ “xoay trục”, “tái cân bằng” tới “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPS)”, đều nhằm giúp Mỹ gia tăng hiện diện tại khu vực này và ràng buộc nhiều hơn với ASEAN về lợi ích.

Việc nâng cấp quan hệ ASEAN-Mỹ lên Đối tác chiến lược vào năm 2015 là mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của quan hệ giữa hai bên và góp phần duy trì tính liên tục trong chính sách của Mỹ đối với ASEAN cho đến nay.

Về phần mình, ASEAN đã có sự hưởng ứng nhất định với tư duy chiến lược của Mỹ khi thông qua Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) năm 2019. Cam kết của Mỹ đối với ASEAN được tái khẳng định vào năm 2021 bằng gói sáng kiến trị giá 102 triệu USD của chính quyền Biden-Harris trong các lĩnh vực kinh tế, sức khỏe, xã hội, chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi số. Trong đại dịch, Mỹ trở thành đối tác y tế quan trọng của ASEAN, viện trợ hơn 138,5 triệu liều vaccine Covid-19 và thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đông Nam Á tại Hà Nội. Bất chấp dịch bệnh, thương mại ASEAN-Mỹ duy trì mức trên 300 tỷ USD, đưa Mỹ trở thành đối tác xuất nhập khẩu lớn thứ hai và nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất của ASEAN năm 2020.

Những thành tựu hợp tác đã đưa hai bên xích lại gần nhau và chứng tỏ vai trò của Mỹ như một trong những “người chơi” chính trên bàn cờ khu vực.

Con đường phía trước

Diễn ra trong lúc thế giới biến động mạnh, Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ năm 2022 mang tới nhiều thông điệp quan trọng.

Đối với Mỹ, Hội nghị khẳng định cam kết của chính quyền Biden tại khu vực và cho thấy Mỹ nỗ lực thúc đẩy hợp tác với ASEAN ngay cả khi khủng hoảng Ukraine còn tiếp diễn. Từ phía ASEAN, diễn đàn đặc biệt này chứng tỏ chủ trương duy trì cân bằng quan hệ với các nước lớn sau khi ASEAN và Trung Quốc trở thành Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2021.

Hội nghị tới được kỳ vọng là “cú hích” cho những bước tiến mới của quan hệ ASEAN-Mỹ trong tương lai. Văn kiện Tầm nhìn dự kiến được thông qua tại Hội nghị sẽ tiếp tục thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và chủ nghĩa đa phương tại khu vực, qua đó giảm bớt những chỉ trích về các tập hợp lực lượng do Mỹ dẫn dắt, tiêu biểu là Bộ tứ và AUKUS.

Hội nghị cũng sẽ thảo luận sâu về định hướng hợp tác ASEAN-Mỹ trong nhiều lĩnh vực nhằm hiện thực hóa các sáng kiến đã có, tận dụng các cơ hội triển khai AOIP và IPS vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Nhiều thách thức cần vượt qua

Mặt khác, cả ASEAN và Mỹ đều cần phải tính đến những thách thức đang đặt ra đối với hai bên. Triển vọng hợp tác ASEAN-Mỹ sẽ chịu tác động của nhiều nhân tố bên trong và bên ngoài.

Về nội bộ, sau bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, tương quan giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ chi phối quyết định thông qua các nguồn lực mà Mỹ cam kết dành cho ASEAN. Đây là quyết định khó khăn khi kinh tế thế giới đang tiềm ẩn nhiều rủi ro từ xung đột Ukraine, khiến Mỹ ưu tiên nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, củng cố mạng lưới đồng minh.

Tại Đông Nam Á, chính sách của một số nước ASEAN sau các cuộc bầu cử sắp tới, nhất là tại Philippines, Indonesia, Singapore và Campuchia, vẫn còn nhiều ẩn số. Sự phục hồi của ASEAN sau đại dịch chưa đồng đều và chưa bền vững, trong khi nhiều thách thức an ninh tại Myanmar, Biển Đông và tiểu vùng Mekong có xu hướng gia tăng.

Các thành viên ASEAN vẫn theo đuổi những lợi ích khác nhau trong quan hệ với các nước lớn, duy trì quan điểm khác nhau trong một số vấn đề khu vực và quốc tế. Nhìn ra bên ngoài, quan hệ ASEAN - Mỹ sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, khi áp lực chọn bên lên các nước ASEAN ngày càng tăng.

Từ góc độ này, chính sách của Trung Quốc sau Đại hội 20 và hệ quả của khủng hoảng Ukraine sẽ là những nhân tố góp phần định hình cục diện khu vực và tác động tới quan hệ ASEAN-Mỹ.

Hội nghị Cấp cao đặc biệt tại Washington D.C. báo hiệu sự khởi sắc trong quan hệ ASEAN-Mỹ. Nhưng con đường phía trước vẫn còn gập ghềnh và đòi hỏi nỗ lực lớn từ cả hai phía.

TS. Nguyễn Bích Ngọc