Ám ảnh với những clip quảng cáo thuốc "nhảy bổ" vào màn hình

Xã hội - Ngày đăng : 11:53, 22/04/2022

Gần đây, người dùng mạng xã hội đồng loạt lên tiếng vì liên tục bị "tra tấn" bởi những video quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, mà người xem không thể chặn được.

Thuốc rởm "xâm chiếm" các vùng quê

Tại các vùng nông thôn hẻo lánh, người dân ít được tiếp cận với công nghệ thông tin, nhiều người kém hiểu biết, cả tin, đã bị lừa bởi những video clip quảng cáo thuốc đông y rởm (dạng gói hoặc dạng viên), thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Thậm chí, nhiều người còn vô tình trở thành kênh phân phối cho các đơn vị bán thuốc.

Gần đây, mạng xã hội đang xôn xao về một chuỗi thương hiệu kinh doanh rất nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo như "thuốc tiên".

Gửi tới Dân trí phản ánh về tình trạng trên, độc giả B.Ngọc cho hay, ở các vùng quê, thương hiệu thuốc này rất nổi, thậm chí người phụ nữ chuyên livestream bán thuốc được coi như một thần tượng. Nhiều người dân quê còn lầm tưởng sản phẩm của thương hiệu này là hàng cao cấp.

Anh Đức Huy (Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra bất ngờ mỗi khi về quê, họ hàng của anh cũng quảng cáo cho sản phẩm của thương hiệu H. nói trên. Anh Huy cho rằng sở dĩ thương hiệu này tạo được sự tin tưởng cho nhiều người bởi người lớn tuổi xem Youtube trên tivi lại lầm tưởng là chương trình của đài truyền hình nên rất yên tâm.

"Họ không biết được rằng nội dung trên Youtube ai cũng có thể đăng tải và không có kiểm duyệt. Video quảng cáo được đóng logo thương hiệu của các đài truyền hình lớn càng khiến người dân tin tưởng vào thương hiệu. Người già có sự tin tưởng tuyệt đối vào các kênh thông tin trên, nên dễ bị các đối tượng xấu lừa gạt", anh Huy nói.

Ám ảnh với những clip quảng cáo thuốc nhảy bổ vào màn hình - 1

Người già thường tin dùng mua các loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo trên Youtube dù giá không hề rẻ (Ảnh: Thế Hưng).

Lợi dụng sự tin tưởng của người dân vào hình thức quảng cáo trên, các đối tượng buôn thuốc đông y trên Youtube thường xuyên thuê một số đài truyền hình tới làm phóng sự các thầy lang. Theo anh T.V. (Hà Nội), một "dân chuyên" trong lĩnh vực bán thuốc trên mạng, chính anh cũng không biết được công dụng thực sự của sản phẩm anh đang bán.

Thế nhưng, anh V. vẫn chi rất nhiều tiền thuê người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm. Thời điểm còn bán thuốc sinh lý nam, anh V. đã bỏ ra 700 triệu đồng để thuê một nam ca sĩ hạng A tại Hà Nội chạy quảng cáo độc quyền. Anh V. thừa nhận việc thuê diễn viên, ca sĩ quảng cáo thuốc rởm rất dễ.

Song anh V. thừa nhận, đơn vị của anh chỉ là dạng "cò con" trong lĩnh vực bán thuốc trên mạng. Anh tiết lộ: "Thương hiệu lớn như thương hiệu H. nói trên có thể chạy quảng cáo lên tới hàng trăm tỷ đồng".

"Ngày nào cũng thấy các nghệ sĩ đau yếu trên mạng xã hội", độc giả Hoài Linh tỏ ra thương cảm chia sẻ, nghệ sĩ Việt Nam là nghề nguy hiểm vì mắc rất nhiều bệnh. Nghệ sĩ trẻ bị yếu sinh lý, người nhiều tuổi hơn dễ bị trĩ, đau lưng, đại tràng, thoát vị đĩa đệm…

Trái ngược với độc giả Hoài Linh, bạn đọc N.Vinh lại tỏ ra hoang mang khi các nghệ sĩ được khán giả yêu mến vô tư quảng cáo các sản phẩm thuốc đông y, thực phẩm chức năng. "Thực phẩm chức năng được diễn viên "nổ" như thuốc chữa bệnh. Các quảng cáo trên còn sử dụng các từ như: "đặc trị", "đặc hiệu", "chữa trị"… đối với thực phẩm chức năng và thuốc đông y không rõ chất lượng", anh Vinh cho hay.

Ám ảnh với những clip quảng cáo thuốc nhảy bổ vào màn hình - 2

Hình ảnh quảng cáo của thương hiệu H. chạy trên mạng xã hội với tần suất dày đặc (Ảnh cắt từ màn hình).

"Ám ảnh" vì càng chặn, càng ẩn thì quảng cáo càng hiện ra

Dù đã liên tục có thao tác chặn, ẩn các video quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, nhưng chị Thu Hoài (Tây Hồ, Hà Nội) than "chặn mãi không hết". Thậm chí càng chặn càng thấy hiện ra mỗi khi chị lướt mạng xã hội. Theo chị Hoài, không chỉ thương hiệu H. mà còn có nhiều clip quảng cáo của các thương hiệu, sản phẩm khác phủ sóng khắp các mạng xã hội với tần suất dày đặc, càng chặn thì các quảng cáo càng hiện ra.

Chị Thanh Nhàn (TP Vinh, Nghệ An) thường xuyên gặp phải quảng cáo thuốc chữa gan, khớp, dạ dày, thận, tiểu đường, răng miệng của thương hiệu H. Ngày nào cũng chặn các video quảng cáo trên nhưng cứ vào facebook là chị Nhàn lại phải nghe câu cam kết: "Không khỏi em H. cam kết bồi hoàn".

Trên mạng thời gian này còn có rất nhiều các đoạn quảng cáo thuốc được cho là của người Dao, người Mường.

Ám ảnh với những clip quảng cáo thuốc nhảy bổ vào màn hình - 3

Làng thuốc nam dân tộc Dao tại Ba Vì bị nhiều đối tượng lợi dụng để bán thuốc rởm, lừa đảo người tiêu dùng (Ảnh: Thế Hưng).

Bà Nguyễn Thị Hân (Long Biên, Hà Nội) thường xuyên xem được quảng cáo thuốc người Dao đỏ của bà Triệu Thị H., Triệu Thị L., Triệu Thị T.... trên Youtube. Ám ảnh vì thường xuyên bị làm phiền, nhưng bà Hân vẫn phải theo dõi lâu mới có thể tắt được.

"Các video quảng cáo hiện ra với thời lượng 3-4 phút. Nếu không nhờ con cháu chỉ cách bỏ qua quảng cáo, tôi phải theo dõi xem hết mới có thể tiếp tục theo dõi nội dung yêu thích", bà Hân nói.

Đang xem phim trên mạng xã hội, ông Nguyễn Viết Thi (Từ Sơn, Bắc Ninh) không ít lần giật mình vì bị các quảng cáo thuốc đông y, thuốc nam "nhảy bổ" ra màn hình. Không những bị làm phiền, ông Thi còn bị lừa mua phải thuốc rởm.

Ông Thi chia sẻ: "Tôi đi đến tận địa chỉ của lương y Triệu Thị H. quảng cáo trên video nhưng chỉ gặp được một người tự xưng là cháu của lương y. Họ nói lương y H. đi vắng không có nhà và dặn tôi cứ về nhà sẽ có người giao thuốc đến tận nơi". Thực tế địa chỉ này chỉ mạo danh lương y Triệu Thị Bích H. ở Ba Vì, Hà Nội để bán thuốc rởm.

Bất lực trong việc chặn quảng cáo, nhiều người dùng mạng xã hội chọn cách lướt nhanh qua quảng cáo. Cách làm này có hiệu quả vì theo anh Thanh Tùng, một người làm trong lĩnh vực chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội: "Các quảng cáo sẽ hiện lên theo độ quan tâm của người dùng. Những người ấn vào trang chủ của họ để chặn thì lại được tính là quan tâm tới sản phẩm và sẽ nhận được nhiều quảng cáo hơn".

Cũng theo anh Tùng, người dùng lướt nhanh qua quảng cáo thì tần suất xuất hiện sẽ giảm đáng kể sau vài ngày. Ngoài ra, người dùng mạng xã hội nên bỏ thông tin năm sinh để tránh bị các đơn vị chạy quảng cáo hướng tới.

Thế Hưng