Để bị chồng đánh đập, phụ nữ cũng là “tòng phạm”?

Gia đình - Ngày đăng : 19:34, 18/04/2022

Có câu, “Phụ nữ để chồng đánh lần đầu là nạn nhân, nhưng để đánh đến lần thứ 2 sẽ là tòng phạm”. Câu nói này từng gây tranh cãi, nhưng có thông điệp đúng.

Nhiều người khi nghe đến câu nói trên sẽ cho rằng, phụ nữ sức đâu để đánh lại được đàn ông? Dù bị đánh lần đầu, lần hai, hay nhiều lần, lý do đều vì không đủ sức để chống cự lại. Nếu đàn ông đã có máu vũ phu, gia trưởng, nóng tính, dù cho vợ có phản ứng bằng hành động hay thái độ, họ sẽ vẫn lao tới, sử dụng vũ lực như thường. Đàn ông thường to khỏe gấp nhiều lần phụ nữ, họ hoàn toàn có thể “đàn áp”, lấn lướt, khi muốn.

Nhiều người tranh cãi cho rằng, phụ nữ bị đánh đập, bạo hành đã đủ đáng thương, tại sao còn bị luận tội là “tòng phạm”?

Thế nhưng, câu nói “Phụ nữ để chồng đánh lần đầu là nạn nhân, nhưng để đánh đến lần thứ 2 sẽ là tòng phạm” – có thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ, đó là cổ vũ phụ nữ không thỏa hiệp, không nhẫn nhịn trước những đòn bạo hành, dù với bất kỳ lý do nào.

Nếu không đủ sức đánh lại người đàn ông vũ phu, phụ nữ có thể la lên cầu cứu. Khi bị bạo hành, số đông phụ nữ vẫn nghĩ “xấu chàng hổ ai”, luôn cảm thấy e ngại, thậm chí xấu hổ, ê chề nên chọn cách im lặng. Lời khuyên của các chuyên gia chống bạo lực gia đình luôn cổ vũ chị em hãy lên tiếng.

Phụ nữ hãy lên tiếng bảo vệ mình khi bị đánh đập. Để con cái biết mình đã phải sống bất hạnh thế nào, cũng là điều không nên. Ảnh: MH
Phụ nữ hãy lên tiếng bảo vệ mình khi bị đánh đập. Để con cái biết mình đã phải sống bất hạnh thế nào, cũng là điều không nên. Ảnh: MH

Có nhiều cách để lên tiếng. Đó là hãy kêu cứu, la lên khi bị đánh. Đó là hãy lên tiếng, hãy cho bạn bè, người thân, hàng xóm biết chuyện bạn đã bị bạo hành, đánh đập như thế nào. Đó là, hãy đưa chuyện bị bạo hành đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền, trách nhiệm, để họ đứng về phía phụ nữ, để họ giúp bạn và bảo vệ bạn.

Có hơn một cách để chị em phụ nữ phản ứng lại chuyện bạo hành. Đứng lên chống trả hết sức cũng là một cách. Nói chuyện quyết liệt, cứng rắn với người chồng vũ phu để anh kia hiểu rằng, bạn không chấp nhận cơ thể bị xâm phạm, đánh đập – cũng là một cách. Sau đó, lên tiếng, tìm đến sự giúp đỡ của những người xung quanh, của chính quyền địa phương, ngay khi bị bạo hành.

Ưa bạo lực, nóng tính, gia trưởng, thích nói chuyện bằng nắm đấm – vốn là bản tính, thậm chí là bản chất khó thay đổi của những người chồng vũ phu. Khi nóng lên họ sẽ đánh vợ mà không cần đến một lý do thích đáng.

Bởi vậy, phụ nữ càng nhẫn nhịn, càng im lặng, sẽ càng sa lầy vào bế tắc. Đàn ông đánh vợ được 1 lần, sẽ có lần 2, và những lần tiếp theo. Phụ nữ chọn cách im lặng, chịu đựng chính là thỏa hiệp, chấp nhận cho người đàn ông đó đánh mình. Vì thế, khi phụ nữ để đánh đến lần thứ 2, sẽ chính là “tòng phạm”, chứ không còn là “nạn nhân”.

Theo kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục.

Chiều 16.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Theo trình bày tờ trình, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc có mức độ nghiêm trọng, và ngày càng xảy ra phức tạp.

Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ tập trung vào các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ và khuyến khích xã hội hóa công tác phòng chống bạo lực.

Bởi vậy, phụ nữ hãy lên tiếng, hãy mạnh mẽ bước chân ra khỏi cuộc hôn nhân nếu đó là bi kịch. Hãy rời bỏ người đàn ông, nếu họ không xứng đáng với tình yêu của bạn. Cuộc sống vẫn còn dài rộng, và phải nghĩ rằng, bạn xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn thế.