Tham vọng hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương: Cần ngăn chặn 'từ trong trứng nước'

Đối ngoại - Ngày đăng : 16:00, 03/04/2022

Trong một bài phân tích gần đây trên trang aspistrategist.org.au, Tiến sỹ Michael Shoebridge, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng thuộc Viện Chính sách Chiến lược của Australia đã đưa ra những phân tích chính sách trước chiến lược của Trung Quốc nhằm hiện diện quân sự ở Nam Thái Bình Dương.
Trung Quốc hiện diện quân sự ở Nam Thái Bình Dương
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: tropicnow.com.au)

Cách tiếp cận mới

Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare vừa qua đã có văn bản do chính phủ Trung Quốc đề xuất về một thỏa thuận an ninh giữa Solomon và Trung Quốc và chính quyền Solomon đang xem xét thỏa thuận này.

Vì vậy, viễn cảnh về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở khu vực Nam Thái Bình Dương sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của Thủ tướng Quần đảo Solomon.

Dự thảo thỏa thuận bị rò rỉ trên mạng Internet là một tài liệu ngắn và chung chung, trong đó đề cập đến một số chi tiết về những thủ tục và bước đi để Quần đảo Solomon có thể yêu cầu cảnh sát Trung Quốc, cảnh sát vũ trang và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đến hỗ trợ quần đảo này nhằm đối phó với tình trạng bất ổn.

Với những điều khoản chung chung như vậy, Trung Quốc có thể sử dụng các lực lượng của mình để hoạt động ở trong và ngoài Quần đảo Solomon thuận lợi cho việc triển khai chiến lược của Trung Quốc: tạo ra các hình thức hoạt động mới, sau đó bình thường hóa các hoạt động này và tiến tới gia tăng những hoạt động như vậy nhằm phục vụ những lợi ích của Trung Quốc.

Một vấn đề cốt lõi là các nhà lãnh đạo Nam Thái Bình Dương lâu nay vẫn mong muốn rằng cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn không ảnh hưởng tới họ ngoài việc mang lại những lợi ích. Như cựu Ngoại trưởng Vanuatu Ralph Regenvanu từng tuyên bố rằng: "Sự quan tâm của Trung Quốc là tốt cho chúng tôi vì điều đó có nghĩa là chúng tôi nhận được những đề nghị tốt hơn từ các đối tác khác".

Tuy nhiên, viễn cảnh về sự hiện diện thường xuyên của hải quân và lục quân Trung Quốc ở Quần đảo Solomon cho thấy cách tiếp cận mới của Bắc Kinh. Chắc chắn, Australia và các đồng minh, đối tác tại Nam Thái Bình Dương sẽ lên tiếng phản đối mạnh mẽ sự hiện diện quân sự của Trung Quốc.

Nhiệm vụ của Australia lúc này là hỗ trợ đối các nước ở khu vực nhận thức rõ được những tác động mà sự hiện diện quân sự của Trung Quốc có thể gây ra.

Sự hỗ trợ này của Canberra sẽ góp phần làm thay đổi quan điểm của những lãnh đạo khu vực lâu nay vẫn nghĩ rằng Australia đang thổi phồng những nguy cơ về sự hiện diện quân sự thường trực của PLA. Chắc chắn, giới lãnh đạo ở Solomon và các quốc gia khác ở Thái Bình Dương đều hiểu điều này nhưng đôi khi bỏ qua vì những lợi ích trước mắt.

Cần cảnh giác cao độ

Liệu một hiệp ước mới được các nước Thái Bình Dương ký kết trong đó cam kết không cho phép sự hiện diện quân sự của Trung Quốc hoặc của những cường quốc khác sẽ giúp các nước khu vực tránh được những nguy cơ tiềm ẩn hay không?

Tuyên bố Boe của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương đã cam kết hướng tới một khu vực “hòa bình, hòa hợp, an ninh, hòa nhập xã hội và thịnh vượng để tất cả người dân Thái Bình Dương có cuộc sống tự do, khỏe mạnh và hiệu quả” và cam kết không cho phép sự can thiệp của nước ngoài.

Việc cho phép Trung Quốc hiện diện quân sự trong khu vực chắc chắn sẽ mâu thuẫn với những nguyên tắc của Tuyên bố Boe.

Điều khoản của dự thảo thỏa thuận nói trên về việc đưa tàu tiếp vận và cung cấp các vấn đề hậu cần "theo nhu cầu của Trung Quốc" sẽ gây ra một hình thức cạnh tranh rất khác biệt. Đó là một cuộc cạnh tranh quân sự thực sự ngay tại trung tâm khu vực Nam Thái Bình Dương.

Việc để khu vực này trở thành một khu vực cạnh tranh, căng thẳng và xung đột quân sự là điều mà các nước Nam Thái Bình Dương không hề mong muốn. Vì vậy, nhiệm vụ của Australia là cần thẳng thắn thể hiện quan điểm của mình, với tư cách là một quốc gia Nam Thái Bình Dương, rằng Canberra phản đối việc biến khu vực này thành một khu vực căng thẳng quân sự.

Các sự kiện như máy bay P-8A Poseidon của Australia bị tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Trung Quốc chiếu tia laser xảy ra vài tuần trước sẽ trở nên phổ biến tại Nam Thái Bình Dương.

Để ngăn cản những sự việc tương tự xảy ra, câu trả lời nằm ở quyết định của các nước quốc đảo Nam Thái Bình Dương có cho phép Trung Quốc tiếp cận, thiết lập các điểm đóng quân và hoạt động quân sự hay không?

Có điều, những đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc có thể khiến một quốc gia nhỏ khó lòng từ chối. Chính phủ Australia đã phải rất vất vả để có thể từ bỏ những lợi ích kinh tế của Bắc Kinh sau khi nhận ra những tác động đối với vấn đề an ninh quốc gia.

Trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc không thể đơn phương áp đặt sự hiện diện quân sự thường trực trong khu vực Nam Thái Bình Dương. Với các quốc gia trong khu vực, bất kỳ quyết định nào được đưa ra cần phải tính đến ý kiến của người dân và các quốc gia khác trong “gia đình” Nam Thái Bình Dương.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng mọi vấn đề trong dự thảo thảo thuận nói trên, nếu chính phủ của Thủ tướng Quần đảo Solomon quyết định không cho phép Trung Quốc thiết lập sự hiện diện quân sự ở quần đảo Solomon thì Australia vẫn cần phải cảnh giác trước những động thái tương tự trong tương lai.

Vy Anh