Tọa đàm và trưng bày hơn 40 tài liệu, hiện vật liên quan báo 'Người cùng khổ'

Xã hội - Ngày đăng : 19:30, 01/04/2022

Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp cùng Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo VN tổ chức tọa đàm và trưng bày chuyên đề “100 năm báo Le Paria".

Tọa đàm và trưng bày chuyên đề “100 năm báo Le Paria (1/4/1922 – 1/4/2022)” diễn ra vào sáng 1/4, tại Toà nhà Hội nhà báo Việt Nam (Hà Nội).

Chương trình được tổ chức nhằm kỷ niệm 100 năm báo Le Paria (Người cùng khổ) xuất bản số đầu (1/4/1922 - 1/4/2022), hướng tới kỷ niệm 72 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2022), chào mừng Hội báo toàn quốc năm 2022.

Sự kiện gồm hai phần: Trưng bày chuyên đề và Tọa đàm.

Phần Trưng bày gồm trên 40 tài liệu, hiện vật liên quan đến báo Le Paria và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trong đó, ban tổ chức trưng bày "Lời kêu gọi tham gia Hội hợp tác xuất bản báo Le Paria ngày 10/2/1922"; trưng bày 29 trên 38 số báo Le Paria đã xuất bản, 26 số báo (trong đó có tờ số 1 và số cuối cùng) sưu tầm từ Pháp; bản thảo viết tay sách Bác Hồ ở Pháp của nhà báo Hồng Hà; Trưng bày tranh sơn dầu Người đi tìm hình của nước của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng…

Tọa đàm và trưng bày hơn 40 tài liệu, hiện vật liên quan báo 'Người cùng khổ' - 1

Số báo Le Paria được trưng bày.

Phần Tọa đàm có tham luận của các diễn giả là các chuyên gia lịch sử, chuyên gia từ Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, chuyên gia đến từ các bảo tàng, các trường đào tạo báo chí.

Thông qua các tham luận, các đại biểu tiếp tục làm rõ thêm quãng đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài thông qua việc sử dụng báo chí là công cụ sắc bén của Người. Bên cạnh đó, các tham luận cũng phân tích bối cảnh xuất hiện báo Le Paria; mục đích, nội dung và tác động của báo; giá trị định hướng phát triển báo chí cách mạng.

Chương trình mang đến cho công chúng những hiểu biết sâu sắc về tờ báo Le Paria cũng như hiểu hơn về tư duy, phong cách, giá trị nhân văn, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh.

Tọa đàm và trưng bày hơn 40 tài liệu, hiện vật liên quan báo 'Người cùng khổ' - 2

Các chuyên gia, diễn giả khách mời tham gia phát biểu tại tọa đàm.

100 năm trước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đến từ các nước thuộc địa khác của Pháp thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa và xuất bản tại Pháp tờ Le Paria.

Thời kỳ hoạt động trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp lãnh đạo và là linh hồn của tờ Le Paria. Báo duy trì hoạt động được 4 năm (1922 - 1926), xuất bản được 38 số với nội dung chống chủ nghĩa thực dân và kêu gọi đoàn kết các dân tộc bị áp bức. Tờ báo đã có ảnh hưởng lớn đối với công luận Pháp và phong trào yêu nước ở các thuộc địa.

Sự ra đời của Le Paria đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Đông Dương và các nước thuộc địa, thức tỉnh những tầng lớp bị áp bức, bóc lột và là dấu mốc quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta và các thuộc địa của Pháp.

TRUNG DŨNG

TRUNG DŨNG