Các quan chức cấp cao Mỹ, Nga, Anh nối nhau sang Ấn Độ
Đối ngoại - Ngày đăng : 14:54, 30/03/2022
Ngoại trưởng Anh, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và Ngoại trưởng Nga đã lên kế hoạch thực hiện chuyến đi tới Ấn Độ trong tuần này. (Nguồn: Airport Cargo) |
Ngày 29/3, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, Ngoại trưởng kiêm Bộ trưởng Phụ nữ và bình đẳng Anh Elizabeth Truss sẽ thăm chính thức Ấn Độ vào ngày 31/3.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, bà Truss dự kiến có các cuộc tham vấn song phương với Ngoại trưởng nước chủ nhà Subrahmanyam Jaishankar về các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu mà hai bên cùng quan tâm.
Bà cũng sẽ tham gia vào phiên khai mạc Diễn đàn tương lai chiến lược Ấn Độ-Anh, cũng như cuộc đối thoại giữa hai quốc gia, do Hội đồng Các vấn đề thế giới và trao đổi chính sách Anh tổ chức.
Mối quan hệ Ấn Độ-Anh được nâng lên thành Đối tác chiến lược toàn diện tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-Anh diễn ra hồi tháng 5/2021.
Đây là chuyến thăm thứ hai Ngoại trưởng Anh tới Ấn Độ kể từ Hội nghị thượng đỉnh và là cơ hội để đánh giá tiến độ của "Lộ trình 2030" được đưa ra trong sự kiện này.
Chuyến thăm cũng sẽ giúp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực, như thương mại và đầu tư, khoa học, công nghệ và đổi mới, quốc phòng - an ninh, hợp tác khí hậu, giáo dục và truyền thông kỹ thuật số.
Cùng ngày, Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cử phó cố vấn an ninh quốc gia phụ trách kinh tế Daleep Singh đến Ấn Độ để thảo luận về tác động của cuộc xung đột tại Ukraine và phát triển một khuôn khổ kinh tế cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ: “Ông Singh sẽ tham vấn các đối tác ở Ấn Độ về hậu quả của xung đột Nga-Ukraine và tìm cách giảm thiểu tác động đối với kinh tế toàn cầu”.
Trong khi đó, hãng thông tấn PTI của Ấn Độ đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng có kế hoạch công du nước này, dự kiến vào thứ Năm hoặc thứ Sáu, sau khi ông kết thúc chuyến thăm Trung Quốc kéo dài hai ngày.
Đây sẽ là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Nga tới Ấn Độ, từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine vào ngày 24/2.
PTI dẫn các nguồn tin cho hay, dự kiến, hai bên sẽ đặt trọng tâm thảo luận về hệ thống thanh toán khi Ấn Độ mua dầu và khí tài quân sự Nga. Ấn Độ đã quyết định mua dầu thô chiết khấu từ Nga, động thái khiến một số cường quốc phương Tây lo ngại.
Nga cũng là nhà cung cấp khí tài quân sự chính của Ấn Độ và New Delhi đang lo lắng về nguy cơ Moscow chậm trễ trong việc cung cấp một số nền tảng và thiết bị quan trọng do xung đột với Ukraine.
Trong vài tuần qua, đã có một loạt các chuyến thăm cấp cao tới Ấn Độ, bao gồm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland và các Ngoại trưởng Áo, Hy Lạp.
Các chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn sang tuần thứ 5, trong khi đó, Ấn Độ - không giống như nhiều cường quốc hàng đầu khác - không chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và đã bỏ phiếu trắng tại các diễn đàn của Liên hợp quốc về việc lên án chiến dịch này.
Tuy nhiên, hôm thứ Năm tuần trước, Ấn Độ cũng đã bỏ phiếu trắng đối với một nghị quyết do Nga thúc đẩy về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine, động thái được cho là phản ánh quan điểm trung lập của nước này đối với cuộc xung đột.
Ấn Độ đã và đang thúc đẩy việc giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua ngoại giao và đối thoại.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào các ngày 24/2, 2/3, 7/3 và 2 lần điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Tuần trước, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar khẳng định trước Quốc hội nước này rằng, quan điểm của New Delhi về xung đột Nga-Ukraine là "kiên định và nhất quán" và đang tìm cách chấm dứt bạo lực ngay lập tức.