Nộp hồ sơ giải quyết thủ tục cấp đổi, cấp lại GCN: Người sử dụng đất được lựa chọn nơi nộp

Kinh doanh - Ngày đăng : 09:27, 24/03/2022

Theo Bộ TN&MT, người sử dụng đất có thể lựa chọn nơi nộp hồ sơ giải quyết thủ tục cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mình. Nội dung này cũng đã giải quyết được vướng mắc với trường hợp người sử dụng đất ở xa trung tâm.

Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị, theo quy định hiện hành, đối với các địa phương đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở TN&MT cấp GCNQSDĐ trong trường hợp cấp đổi, cấp lại

GCNQSDĐ. Quy định này gây khó khăn trong việc đi lại và tốn chi phí, thời gian của người dân ở xa trung tâm. Đề nghị sửa đổi Luật Đất đai theo hướng quy định phân cấp và giao thẩm quyền cấp đổi, cấp lại GCNQSDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân cho UBND cấp.

Trả lời vấn đề này, Bộ TN&MT cho rằng, theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 19 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020), cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận là Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai; trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nộp hồ sơ tại UBND cấp xã thì UBND cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả.

t4.jpg

Người dân nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh TP. Biên Hòa (Đồng Nai).

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người sử dụng đất trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, tại Khoản 19 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ cũng đã quy định về việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục cấp đổi, cấp lại GCN theo nhu cầu về thời gian và địa điểm của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, người sử dụng đất có thể lựa chọn nơi nộp hồ sơ giải quyết thủ tục cấp đổi, cấp lại GCN phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mình. Nội dung này cũng đã giải quyết được vướng mắc của cử tri đối với trường hợp người sử dụng đất ở xa trung tâm.

Tuy nhiên, đối với kiến nghị của cử tri về việc đề xuất sửa đổi quy định của pháp luật đất đai theo hướng giao thẩm quyền cấp đổi, cấp lại GCN đối với hộ gia đình, cá nhân cho UBND cấp huyện là không phù hợp do hiện nay cả nước đã căn bản hoàn thành việc cấp GCN lần đầu đối với các loại đất, việc cấp GCN cho các đối tượng nói chung và hộ gia đình, cá nhân nói riêng chủ yếu là khi người sử dụng đất thực hiện các quyền, cấp đổi, cấp lại GCN.

Các trường hợp này đã được cấp GCN lần đầu nên đã một lần được Nhà nước xác lập quyền ban đầu thông qua việc cấp GCN. Do đó, khi thực hiện các quyền, cấp đổi, cấp lại GCN lại yêu cầu một cơ quan hành chính Nhà nước (UBND cấp huyện) xác lập quyền sử dụng đất lần thứ hai thông qua việc cấp GCN, làm tăng gánh nặng cho bộ máy hành chính ở địa phương là không cần thiết.

Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, đến nay đã có 59/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai và đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, để tránh áp lực lên bộ máy hành chính Nhà nước, đồng thời để tạo sự đồng bộ trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, phù hợp với xu thế quản lý đất đai hiện đại của các nước trên thế giới, tại Khoản 23 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 đã quy định về việc UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương để cho phép Sở TN&MT được ủy quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện cấp đổi, cấp lại GCN.

Thực tế ở nhiều địa phương, thực hiện các quy định của pháp Luật, Sở TN&MT ủy quyền Văn phòng đăng ký ủy quyền các chi nhánh thực hiện nhiệm vụ này. Đơn cử, vào tháng 5/2021, TP.HCM đã ủy quyền cho chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Thủ Đức và 21 quận, huyện được ký cấp GCNQSDĐ, mục đích để việc cấp GCNQSDĐ ngày càng thuận tiện hơn cho người dân.

Trường Giang