Thống nhất nhiều nội dung trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Xã hội - Ngày đăng : 15:13, 22/03/2022

Tại phiên họp thứ 9 (đợt 2), sáng 22/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Báo cáo một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp thảo luận về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ảnh: VGP

  • Sửa đổi Luật Điện ảnh tạo ra hàng lang pháp lý và chính sách đột phá

  • Luật Điện ảnh sửa đổi: Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất phim

  • Cần bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá cho điện ảnh

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Sau kỳ họp, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tích cực phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức các hội nghị, gửi văn bản xin ý kiến một số bộ, ngành, cơ quan về dự thảo Luật; tổ chức hội nghị Thường trực Ủy ban mở rộng; gửi xin ý kiến, tiếp thu góp ý của Thường trực Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội về dự thảo Luật và dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 3/2022.

Hiện dự án Luật được xây dựng với bố cục gồm 8 chương với 50 điều, quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý Nhà nước về điện ảnh.

Đối tượng áp dụng của Luật gồm: Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia hoạt động điện ảnh tại Việt Nam và ở nước ngoài. Tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động điện ảnh tại Việt Nam. Cơ quan quản lý Nhà nước về điện ảnh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động điện ảnh.

Báo cáo một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh (Điều 5, Điều 6, Điều 41), có ý kiến đề nghị chỉ đầu tư, hỗ trợ các hoạt động điện ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị; rà soát giảm bớt một số nội dung đầu tư, hỗ trợ khác.

Về nội dung trên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, quy định về chính sách Nhà nước tại dự thảo Luật được xây dựng và chỉnh lý trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành và yêu cầu thực tế. Bên cạnh việc đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, rất cần có các chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội để phát triển công nghiệp điện ảnh. Thường trực Ủy ban đã làm việc với cơ quan soạn thảo, cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý các nội dung về chính sách, nhìn chung đạt được sự đồng thuận, nhất trí như dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, có một số ý kiến đề nghị, chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai nên quy định tại các luật liên quan và pháp luật về đầu tư công. Có ý kiến đề nghị bỏ quy định chính sách về tín dụng tại khoản 3 Điều 5 ra khỏi dự thảo Luật.

Ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, dự thảo Luật quy định khái quát về chính sách ưu đãi tín dụng, thuế và đất đai nhằm thúc đẩy đầu tư, huy động các nguồn lực để phát triển điện ảnh. Thường trực Ủy ban xin được giữ như dự thảo Luật; sẽ phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cụ thể tại các luật chuyên ngành trong thời gian tới để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Trước ý kiến đề nghị cân nhắc việc Nhà nước đầu tư, hỗ trợ xây dựng trường quay hiện đại gắn với du lịch, giải trí, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, việc xây dựng trường quay hiện đại nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh, góp phần phát triển du lịch, giải trí, tuy nhiên cần kinh phí lớn, rất khó thu hút, huy động nguồn lực xã hội. Do vậy cần quy định như dự thảo Luật cho phép trong từng trường hợp cụ thể Nhà nước có thể đầu tư, hoặc hỗ trợ xây dựng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Về sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước (Điều 14), đa số ý kiến nhất trí với hình thức sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước, bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Có ý kiến băn khoăn cả 2 phương án vì thiếu tiêu chí cụ thể xác định phim giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết phương thức áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể.

Về vấn đề nêu trên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định các hình thức sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước, bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu; giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đối với phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước và quy trình lựa chọn dự án sản xuất phim.

Về phổ biến phim trên hệ thống truyền hình (Điều 20), có ý kiến đề nghị quy định khung giờ vàng trên truyền hình dành nhiều thời gian hơn cho phim Việt Nam; khuyến khích phổ biến phim Việt Nam trên truyền hình, Thường trực Ủy ban nhận thấy, các nội dung cụ thể về thời lượng, tỉ lệ phát sóng và khung giờ phát sóng nên để văn bản dưới luật hướng dẫn để phù hợp với thực tiễn.

Liên quan đến quy định về phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 21), Thường trực Ủy ban đã tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, quy định thống nhất tại dự thảo Luật về thực hiện "hậu kiểm" đối với phim phổ biến trên không gian mạng; đồng thời bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng.

Về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam (Điều 38), ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có ý kiến đề nghị xem xét quy định tổ chức, cá nhân phải liên kết với cơ quan nhà nước khi tổ chức liên hoan phim. Có ý kiến đề nghị xem xét về chủ thể được phép tổ chức liên hoan, giải thưởng, cuộc thi, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam. Có ý kiến đề nghị xã hội hóa tổ chức liên hoan phim Việt Nam và liên hoan phim quốc tế Hà Nội.

Thường trực Ủy ban đã tiếp thu ý kiến đại biểu và chỉnh lý Điều 38 theo hướng mở rộng chủ thể được tổ chức liên hoan phim. Đề nghị được giữ quy định Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức liên hoan phim Việt Nam theo định kỳ nhằm góp phần bảo đảm định hướng phát triển điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hội nhập quốc tế; duy trì, phát huy hệ thống giải thưởng trong hoạt động điện ảnh; tổ chức liên hoan phim quốc tế Hà Nội nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu liên hoan phim quốc tế tổ chức định kỳ tại Hà Nội, nằm trong xu hướng chung như một số liên hoan phim trên thế giới.

Thảo luận tại phiên họp, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát lại các điều khoản của dự án Luật vì còn nhiều nội dung chưa được rõ, đơn cử nhưchưa quy định cụ thểtrường hợp nào nhà đầu tư nước ngoài được hưởng chính sách ưu đãi, khuyến khích làm phim, quảng bá, phát triển điện ảnh tại Việt Nam; hay việc quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là chưa thuyết phục.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, có rất nhiều loại hình phim như phim ngắn, phim hoạt hình, phim tình cảm, phim kinh dị, phim hành động… Thế giới định nghĩa loại hình phim này như thế nào; chính sách Nhà nước đối với các loại phim này ra sao? Dự thảo Luật còn quá chung chung, chưa đặt ra từng vấn đề cụ thể để có chính sách phát triển phù hợp. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra cần phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát thật kỹ, khắc phục tình trạng "luật khung, luật ống".

Nguyễn Hoàng