TP. Hồ Chí Minh: Trẻ không tiêm vaccine Covid-19 không hạn chế việc đến trường

Xã hội - Ngày đăng : 09:15, 18/03/2022

Đại diện sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh cho hay, trẻ không tiêm vaccine Covid-19 không đồng nghĩa với việc không được đến trường nhưng sẽ được quan tâm, chăm lo, bảo vệ kỹ lưỡng hơn.
Trẻ không tiêm vaccine Covid-19 có bị hạn chế đi học trực tiếp?
Trẻ không tiêm vaccine Covid-19 có bị hạn chế đi học trực tiếp?

Điều này nhằm đem đến sự an toàn nhất cho các em, chứ không hạn chế đến cơ sở giáo dục hay hạn chế học tập, sinh hoạt với bạn bè.

Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh (Ban chỉ đạo) diễn ra ngày 17/3, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Công tác Chính trị - Tư tưởng, Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, thông tin, ngành giáo dục đang chờ kế hoạch chính thức từ UBND thành phố về việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ và học sinh từ 5 tuổi đến 11 tuổi. Hiện tại, ngành giáo dục cùng ngành y tế đã cơ bản hoàn tất các phần việc chuẩn bị như lập danh sách, tập huấn, hướng dẫn tiêm chủng.

Đại diện Sở GD&ĐT cho biết, qua khảo sát phụ huynh trẻ em và học sinh từ 5-11 tuổi, đơn vị ghi nhận hơn 60% cha mẹ có con học mầm non đồng thuận cho trẻ tiêm vaccine Covid-19. Tỷ lệ này ở lứa tuổi tiểu học là trên 81% và THCS là hơn 87%.

Hiện nay, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo cơ sở giáo dục tuyên truyền về lợi ích của vaccine Covid-19 tới cha mẹ học sinh. Ông Trịnh Duy Trọng bày tỏ hy vọng, thời gian tới, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con em tiêm vaccine Covid-19 sẽ nâng cao.

Trước câu hỏi việc trẻ không tiêm vaccine Covid-19 có bị ảnh hưởng, hay hạn chế trong các hoạt động học tập trực tiếp không, ông Trịnh Duy Trọng khẳng định, với trẻ từ 12 tuổi trở lên (lứa tuổi đã được tiêm vaccine Covid-19), việc tiêm và tham gia học tập trực tiếp là 2 vấn đề "tương đối độc lập". Trẻ không tiêm vaccine không đồng nghĩa với việc không được đến trường.

Tuy nhiên, đại diện Sở GD&ĐT cho hay, trong công tác phòng, chống Covid-19, các trẻ chưa tiêm vaccine sẽ được quan tâm, chăm lo, bảo vệ kỹ lưỡng hơn. Điều này nhằm đem đến sự an toàn nhất cho các em, chứ không hạn chế đến cơ sở giáo dục hay hạn chế học tập, sinh hoạt với bạn bè.

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố, chia sẻ, việc tiêm chủng cho trẻ em sẽ khác rất nhiều so với tiêm cho người trưởng thành. Công tác chuẩn bị cần thực hiện cực kỳ kỹ lưỡng từ khâu khám sàng lọc, sơ cấp cứu, theo dõi sau tiêm và hướng dẫn cha, mẹ cách xử trí khi trẻ gặp tác dụng phụ.

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị các phần việc để đảm bảo việc tiêm chủng cho trẻ từ 5 -11 tuổi được thực hiện ngay khi vaccine được cấp. Cụ thể, thành phố đã hoàn tất việc lập danh sách, tập huấn tiêm, nhập liệu và nghiên cứu hướng dẫn sử dụng vaccine Pfizer dành cho trẻ em.

Q. Huy