EU có rơi vào khủng hoảng lương thực?

Đối ngoại - Ngày đăng : 07:11, 18/03/2022

Các cư dân của châu Âu đã cảm thấy thiếu lương thực chưa và các báo cáo về các vấn đề lương thực đã phản ánh như thế nào?

Khả năng xảy ra khủng hoảng lương thực và giá cả tăng cao đã được đại diện chính thức của Ủy ban châu Âu về Thương mại và Nông nghiệp, bà Miriam Garcia Ferrer công bố mới đây.

Bà Miriam cho rằng điều này là do Ukraine và Nga là những nhà cung cấp chính các sản phẩm xuất khẩu với số lượng lớn.

Một số phương tiện truyền thông Ukraine ngay lập tức đưa tin rằng mì ống đã biến mất ở Italy, trong khi dầu hướng dương đang được thu mua ở Đức và Tây Ban Nha cùng với đó là tình trạng khan hiếm bột mì.

EU có rơi vào khủng hoảng lương thực?
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine có thể khiến thế giới rơi vào "cơn bão đói và sự suy thoái hệ thống lương thực thực toàn cầu". (Ảnh: Picture Alliance)

Mới đây, Business FM (BFM) đã có cuộc phỏng vấn với người mua châu Âu xem liệu có một cuộc khủng hoảng lương thực đáng chú ý nào không?

Bà Maxim, cư dân ở Barcelona (Tây Ban Nha) cho biết: “Giá cả không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, tôi nhận thấy sự gia tăng nhỏ về giá cả trước những sự kiện thế giới gần đây. Hàng tuần chúng tôi cùng cả gia đình đi siêu thị và tôi không thấy giá cả thay đổi nhiều.

Tôi thấy trong một cửa hàng, nơi bán dầu hướng dương thường trống rỗng. Nhưng đó là một siêu thị nhỏ, có lẽ nó vừa hết hàng. Tôi đọc rằng nhập khẩu chính chỉ là từ Ukraine. Nhưng nếu không có dầu hướng dương, thì mọi người sẽ sử dụng dầu ô liu. Chúng được sử dụng để nấu ăn, cho món salad, bất cứ điều gì”.

“Như thường lệ tôi đi siêu thị lớn một tuần một lần. Mọi thứ hoàn toàn bình thường. Sau đó, tôi bắt đầu nhận được tin nhắn từ bạn bè và người thân từ Nga rằng họ nghe nói khủng hoảng lương thực đang diễn ra ở Liên minh châu Âu (EU).

Tôi dạo qua các cửa hàng địa phương: thịt, gà, cá, các siêu thị nhỏ. Mọi thứ không có gì thay đổi, chúng hoàn toàn bình thường. Vấn đề duy nhất mà chúng tôi gặp phải là xăng đã tăng giá. Nhưng vì giá xăng đã tăng, tôi nghĩ những lần mua hàng tiếp theo sẽ đắt hơn”, bà Svetlana, cư dân ở Genoa (Italy) chia sẻ.

Ông Vadim, cư dân ở Riga, Latvia cho biết: “Trước đó, có thông tin cho rằng ở Latvia đang thiếu muối. Điều này là do thực tế là cho đến thời điểm đó muối được mua từ Belarus và Ukraine. Nhưng do các lệnh trừng phạt và hành động quân sự, hoạt động nhập khẩu đã bị dừng lại. Bây giờ các nhà chức trách đang tìm kiếm nguồn cung muối ở các thị trường khác. Điều này sẽ sớm được thực hiện và do đó vấn đề sẽ được giải quyết.

Cũng có thông tin cho rằng tại một số cửa hàng thuộc mạng lưới phân phối Lidl, bắt đầu hạn chế việc cung cấp hàng cho người dân. Tuy nhiên, đó là các hạn chế đối với những người mua giấy vệ sinh, do nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu ngày càng tăng. Nhìn chung, tình hình ổn định.

Vì các dịch vụ có trách nhiệm đảm bảo, sẽ có đủ thức ăn cho mọi người. Đối với giá cả, ngay cả trước khi xảy ra xung đột, giá năng lượng đã tăng. Nói chung, việc thanh toán các hóa đơn điện nước khá tốn kém đối với người dân. Nhưng điều này đơn giản là do giá năng lượng tăng”.

Trong khi đó, bà Love, một cư dân của Berlin (Đức) cho hay: “Giá cả đã thay đổi trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Bây giờ không có gì khác tăng ngoài xăng. Tôi không nói dối, giá xăng tăng rất mạnh. Nếu trước đây là 1,60 euro/lít thì bây giờ là 2,2. Giá thực phẩm đã tăng trong thời kỳ dịch bệnh, nhưng không phải bây giờ.

Tuy nhiên, dầu Rapsol và dầu hướng dương đã ‘biến mất’, có lẽ là do vấn đến nguồn cung. Ngoài ra, có thông tin cho rằng, bánh mì sẽ tăng giá, nhưng cho đến nay nó vẫn chưa tăng giá. Các nhà chức trách Đức báo cáo, có thể có vấn đề, bởi vì các nhà cung cấp ngũ cốc chính là Ukraine và Nga.

Đồng thời, họ nói rằng điện sẽ tăng giá. Bởi chúng liên quan đến các lệnh trừng phạt với Nga. Nhưng tiền lương và phúc lợi xã hội cũng đang tăng lên. Nói chung, mọi thứ đối với chúng tôi không tệ như truyền thông đồn thổi”.

Hôm 14/3, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu rằng, chiến dịch đặc biệt của Nga liên quan tới Ukraine có thể khiến thế giới rơi vào “cơn bão đói và sự suy thoái hệ thống lương thực toàn cầu”.

Ông Guterres cho hay, ngay cả trước khi Nga tiến hành chiến dịch nói trên, các nước đang phát triển vẫn đang phải “vật lộn” để phục hồi sau đại dịch Covid-19, với mức lạm phát kỷ lục, lãi suất tăng và gánh nặng nợ chồng chất. Trong khi đó, một trong những thị trường cung cấp lương thực chính của thế giới lại đang gặp khó khăn nghiêm trọng.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, cuộc xung đột này đã vượt ra ngoài Ukraine, bởi nó còn “tấn công” vào những công dân và quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Thanh Bình (lược dịch)