Bất động sản, sân chơi hàng đầu của giao dịch mã hoá bảo mật

Cuộc sống số - Ngày đăng : 11:04, 16/03/2022

Một nghiên cứu mới nhất cho thấy, 89% các mã thông báo bảo mật (token) được giao dịch nằm trong lĩnh vực bất động sản.

Các mã hoá không thể thay thế (NFT) đang trở nên ngày càng phổ biến những năm gần đây và đạt những tầm cao mới trong năm 2021. Một số người cho rằng mọi thứ liên quan đến NFT chỉ xoay quanh những bức ảnh kỹ thuật số và không có ứng dụng “trong thế giới thực”. Nhưng với những người đã quen thuộc với blockchain và tiền mã hoá, các token này còn vượt xa hơn thế.

Bất động sản, sân chơi hàng đầu của giao dịch mã hoá bảo mật

Các mã thông báo bảo mật được ứng dụng trong nhiều danh mục, nhưng dẫn đầu lĩnh vực bất động sản. Theo nghiên cứu của Security Token Market (STM), công ty truyền thông và dữ liệu, cho thấy lĩnh vực bất động sản đang dẫn đầu trong sử dụng các token bảo mật và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai.

Dữ liệu báo cáo của STM cho biết, việc sử dụng mã hoá bảo mật xuất hiện ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau từ thủ công mỹ nghệ, rượu vang cho tới bảo hiểm, nhưng không ngành nào có được sự phát triển nhanh chóng như bất động sản, khi chiếm tới 89% tổng số mã bảo mật giao dịch. Trong 89% số giao dịch này, có 87% là nhà ở, bất động sản thương mại chỉ chiếm 2%.

Quyền sở hữu giấy chứng nhận và tài sản rất phù hợp cho các ứng dụng blockchain, khi sổ cái kế toán 3 bên (người mua, người bán và chữ ký) được tích hợp trực tiếp vào hệ thống thực hiện quá trình mua bán. Khả năng xác minh và độ tin cậy của công nghệ khiến nó trở nên lý tưởng để giải quyết các vấn đề khác nhau thường gây ảnh hưởng tới giao dịch bất động sản truyền thống.

Ví dụ rõ ràng nhất là việc bên mua hay người nhận cầm cố tài sản cho vay, thường sẽ mất nhiều thời gian và chi phí để xác minh năng lực pháp lý của bên bán khi thực hiện giao dịch. Khi tài sản được mã hoá, điều này trở thành 1 tác vụ đơn giản trên blockchain.

Tới tận năm 2019, bất động sản đầu tiên mới được “đúc số” dưới dạng mã thông báo ERC-20 trên chuỗi khối Ethereum. Đây có vẻ là một khởi đầu chậm chạp nhưng hoàn toàn phù hợp, khi bất động sản là lĩnh vực được quản lý chặt chẽ và công nghệ blockchain vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Trong năm 2021, khối lượng mã thông báo bất động sản đã tăng 107% so với năm trước đó, bao phủ nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khách sạn thương mại, bất động sản tư nhân hay nhà ở thu nhập thấp.

Theo Yahoo Finance, thị trường bất động sản toàn cầu năm 2021 đạt khoảng 3,38 nghìn tỷ USD. Trong năm 2022, con số này ước tính sẽ tăng lên 3,74 ngàn tỷ USD với mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 10,5%. Tới năm 2026, thị trường này dự báo đạt 5,38 nghìn tỷ USD với CAGR 9,6%. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là thị trường lớn nhất, xếp trên Bắc Mỹ ở ngôi vị thứ hai.

Quá trình token hoá đã thúc đẩy thêm thanh khoản cho thị trường nhà đất, vốn từng là một vấn đề đối với lĩnh vực này. Những nhà đầu tư cũng được hưởng lợi khi không cần bỏ ra số vốn lớn để sở hữu toàn bộ tài sản mà vẫn có thể có cơ hội đầu tư sinh lời, do giờ đây bất động sản được “chia nhỏ” thành các mã thông báo bảo mật trên chuỗi khối, từ đó xoá bỏ được các rào cản và thu hút thêm nhiều người tham gia.

Vinh Ngô(theo CoinTelegraph)