Hack camera nhà riêng, rao bán clip riêng tư của người khác bị xử lý như thế nào?

Xã hội - Ngày đăng : 08:19, 11/03/2022

Có gia đình bị “hack” camera, những đoạn clip riêng tư bị phát tán, rao bán trên mạng, gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Những đối tượng rao bán clip riêng tư của người khác sẽ bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV Infonet về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VPLS Tinh Thông Luật cho rằng: “Bảo vệ quyền con người, cụ thể là quyền riêng tư, được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Quyền riêng tư bao gồm bí mật cá nhân, đời sống riêng tư… là một trong những quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo vệ.

Hack camera nhà riêng, rao bán clip riêng tư của người khác bị xử lý như thế nào?
Luật sư Diệp Năng Bình.

Theo đó, khi nghi ngờ hoặc phát hiện người khác có hành vi xâm phạm quyền cá nhân, riêng tư của mình, chúng ta cần tố cáo ngay với cơ quan Công an có thẩm quyền để kịp thời có biện pháp xử lý, đồng thời, thực hiện các công việc trong khả năng để ngăn chặn thông tin tiếp tục bị lộ như thông báo khóa tài khoản, đăng nhập tài khoản…

Khi đó, người xâm phạm quyền cá nhân, riêng tư của người khác tùy theo mức độ của hành vi vi phạm và hậu quả gây ra có thể bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Xuyên suốt qua Bộ luật dân sự 2005 và Bộ luật dân sự hiện hành (2015) đều có quy định bảo vệ, bí mật và bất khả xâm phạm đối với "đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình" và "thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân".

Hành vi thu thập, mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa kể cả sử dụng trái phép thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân, hình ảnh là hành vi vi phạm pháp luật".

Theo luật sư Bình, căn cứ Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 theo đó, người có hành vi tự ý chụp ảnh, quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người khác nếu xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người đó thì được coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ. Nếu cá nhân bị lộ hình ảnh, thông tin ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, hoặc thiệt hại khác thì có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên Tòa án theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường.

Theo đó, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 và một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Còn trường hợp sử dụng hình ảnh sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trên mạng xã hội sẽ vi phạm điểm e, khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, theo đó có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng về hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”.

Hack camera nhà riêng, rao bán clip riêng tư của người khác bị xử lý như thế nào?
Cần biết cách bảo mật camera giám sát nhà riêng để tránh hack tấn công “trộm” clip riêng tư

Luật pháp có quy định trên việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật cá nhân phải được sự đồng ý của người đó. Theo khoản 5 điều 7 Luật an toàn thông tin mạng 2015.Còn luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội) nhận định: “Pháp luật ghi nhận và bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của mỗi cá nhân.

Hành vi rao bán dữ liệu camera nêu trên được xác định là hành vi mua bán thông tin của người khác mà không được sự đồng ý của họ. Do đó, hành vi này là trái pháp luật và bị nghiêm cấm”.

Theo luật sư Hoàng Tùng, căn cứ khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/1/2022, đối với hành vi rao bán dữ liệu camera nêu trên có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng, buộc huỷ bỏ các thông tin trái phép.

Ngoài ra, người rao bán dữ liệu camera cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, theo Điều 289 Bộ luật Hình sự hiện hành, với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 12 năm.

“Trường hợp đăng tải thông tin, hình ảnh công khai về việc rao bán clip nhạy cảm trên mạng mà không được sự cho phép của chủ nhân là trái pháp luật, có dấu hiệu tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, quy định tại Điều 236 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm.

Đối với các cá nhân bị hành vi trên làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, nhân phẩm và uy tín, có quyền yêu cầu người rao bán dữ liệu camera huỷ bỏ dữ liệu, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”, luật sư Hoàng Tùng nêu quan điểm.

Hải Ngọc