Trẻ mầm non đi học lại: Trường tứ tán hết, tuyển 1 tuần không được giáo viên nào!

Xã hội - Ngày đăng : 11:49, 24/02/2022

Hà Nội hiện đang xây dựng lộ trình cho trẻ mầm non đi học trở lại trường có thể là vào tháng 3 trên tinh thần tự nguyện, thống nhất với phụ huynh.

Như vậy, cho đến thời điểm hiện tai, học sinh mầm non tại Hà Nội đã nghỉ học ở nhà 10 tháng. Nhận được tin Hà Nội hiện đang xây dựng lộ trình cho trẻ mầm non đi học trở lại trường có thể là vào tháng 3 trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, nhiều chủ trường mầm non bắt đầu lên kế hoạch tuyển giáo viên chuẩn bị đón học sinh quay lại trường.

Theo cô Nguyễn Thị Mến - chủ nhóm mầm non Sao Sáng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì thời gian qua hệ thống các trường mầm non trên địa bàn thành phố nói chung gặp rất nhiều khó khăn khi phải tạm thời “đóng băng” do dịch, nhiều trường đứng trước nguy cơ giải thể, nhân viên nghỉ việc nhiều nên nếu trường mầm non được hoạt động thì nhiều trường phải tuyển giáo viên.

Trẻ mầm non đi học lại: Trường tứ tán hết, tuyển 1 tuần không được giáo viên nào!
Nhiều nhóm lớp đăng tuyển giáo viên

“Ở nhóm lớp của tôi có 7 giáo viên nhưng thời gian qua học sinh tạm dừng đến trường, mỗi tháng tôi phải “cõng” 50 triệu tiền mặt bằng nên cũng không đủ lực để hỗ trợ các giáo viên vì thế cho đến thời điểm hiện tại đã có 5/7 giáo viên xin nghỉ.

Thành phố xây dựng lộ trình đón trẻ mầm non quay lại trường vào thời gian tới nên ngay từ giờ tôi đã phải đăng tin tuyển giáo viên nhưng tuyển được giáo viên trong thời điểm này không hề dễ dàng vì đa số giáo viên đã chuyển nghề hoặc tự nhận trẻ để trông ở nhà thu nhập cũng khá.

Cả tuần nay đăng tin tuyển giáo viên nhưng vẫn chưa có một hồ sơ nào ứng tuyển, cứ đà này tôi sợ khi nhóm lớp được hoạt động thì cũng không có giáo viên”, cô Mến nói.

Cùng nỗi trăn trở đi tìm giáo viên cho trường mầm non của mình, cô giáo Trần Hoài Thương - chủ một nhóm mầm non trên địa bàn quận Hà Đông cho biết thời gian qua nhiều chủ cơ sở là bạn của cô Thương cũng “cực chẳng đã” phải giải thể nhóm lớp mầm non do không thể duy trì được chi phí thuê mặt bằng.

“Mình có 2 cơ sở cũng phải giải thể và trả mặt bằng một cơ sở, giáo viên thì xin nghỉ đến 80%. Đợt dịch các cô đi làm công việc khác hết. Có người thì nhận trông dạy 2,3 trẻ. Có người đi buôn bán, đủ nghề.

Bên cạnh đó tôi vẫn cố gắng liên kết với các cô, giới thiệu việc làm, nếu hết dịch mong sao các cô quay trở lại trường. Tôi cũng thường xuyên động viên giáo viên của mình để giữ chân họ nhưng nhiều giáo viên cũng không mặn mà.

Nên nếu thành phố có cho hoạt động trở lại thì giờ đi tìm giáo viên cũng không dễ dàng gì”, cô Thương nói.

Trẻ mầm non đi học lại: Trường tứ tán hết, tuyển 1 tuần không được giáo viên nào!
Hơn 10 tháng trường mầm non trong tình trạng cửa đóng then cài

Theo bà Đường Thị Lệ - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông thì trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, quận có 27 trường mầm non ngoài công lập với hơn 280 nhóm lớp. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian qua, 2 trường mầm non ngoài công lập đã giải thể; ở các phường cũng giải thể khoảng 20 nhóm lớp tư thục.

Chính quyền các phường đã vận động chủ đầu tư/chủ nhà giảm tiền thuê mặt bằng từ 30 – 70% cho chủ trường mở nhóm lớp để giảm khó khăn. Tuy nhiên, số lượng cơ sở được giảm tiền thuê nhà không nhiều và thời gian giảm cũng không được lâu do dịch bệnh kéo dài. Do đó, số trường mầm non tư thục đứng trước nguy cơ giải thể có thể còn nhiều.

Hà Đông hiện có hơn 40 nghìn trẻ mầm non. Trong đó số trẻ học tại các trường công lập chiếm trên 50%, còn lại ở các trường ngoài công lập.

Về vấn đề giải bài toán chỗ học cho trẻ tại các cơ sở mầm non bị giải thể, theo bà Lệ, Phòng GD&ĐT quận yêu cầu các nhóm lớp, trường thông báo tới 100% phụ huynh để có thời gian tìm hiểu và lựa chọn chỗ học mới phù hợp với điều kiện mỗi gia đình. Quận cũng yêu cầu các trường công lập sẵn sàng đón các cháu ở trường ngoài công lập bị giải thể vào học.

“Bên cạnh đó, thực trạng thiếu giáo viên cũng là “cái khó” của các trường mầm non ngoài công lập trong thời gian tới nếu được mở cửa trở lại.

Song song với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, chủ cơ sở mầm non ngoài công lập phải lấy lại toàn bộ thông tin của giáo viên xem ai có thể trở lại làm việc tiếp để sắp xếp đội ngũ nhân sự.

Đồng thời, khảo sát phụ huynh xem những trẻ nào tiếp tục có nhu cầu học tại cơ sở mình để lập danh sách. Nếu thiếu có thể hợp đồng với những giáo viên mới ra trường vào làm việc. Điều này đòi hỏi mỗi chủ cơ sở phải thực sự chủ động, nhanh nhạy và tích cực để có thể tự tìm cho mình những hướng đi phù hợp”, bà Đường Thị Lệ nhấn mạnh.

Hoàng Thanh