Bát nháo 'cò' tìm việc

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 12:37, 23/02/2022

Tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu việc làm sau Tết luôn sôi động, hoạt động rộng khắp dưới nhiều hình thức đa dạng.

Lợi dụng vào vấn đề này, xuất hiện lực lượng đông đảo “cò” xin việc với 1001 chiêu trò nhằm hưởng lợi và “móc túi” người lao động.

“Cò” F0

Loại “cò” này mới xuất hiện từ khoảng tháng 9 năm 2021 đến nay. Nắm bắt được đòi hỏi cấp thiết của những gia đình có người bị nhiễm COVID-19 cần được chăm sóc cũng như nhu cầu kiếm tiền để trang trải cuộc sống của một bộ phận F0 đã khỏi bệnh, “cò” môi giới việc làm tận dụng triệt để vào nhóm đối tượng này.

Bát nháo “cò” tìm việc -0
Lao động cần việc sau Tết tăng cao, nhiều người muốn có việc làm phải qua tay "cò”

Theo đó,  “cò” lập ra một số nhóm F0 khỏi bệnh ảo rồi kết nạp hội viên là F0 thật, một số khác thì trà trộn vào hội F0 có số lượng thành viên tham gia đông, lấy danh nghĩa giúp đỡ F0 tìm việc để cắt xén thù lao và hưởng phần trăm hoa hồng.

Chị Lê Thị Thanh T., ngụ Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh là một người từng là F0 cần tìm việc làm ngay sau Tết. Chị T. lên mạng đăng thông tin tìm việc và ngay sau đó đã nhận được vài lời mời gọi hấp dẫn. Lợi thế của chị T. là F0 đã khỏi bệnh nên sẽ được ưu tiên việc làm chăm sóc F0 ở bệnh viện hoặc tại nhà. Người đàn ông tiếp nhận chị T. giới thiệu là Quân, người nhà của một nữ F0 50 tuổi, ngụ Q.12. Gia chủ bị nhiễm COVID -19 được 2 ngày, sức khỏe bình thường nhưng cần người ở bên cạnh theo dõi, chăm sóc.

Bát nháo “cò” tìm việc -0
Các nhóm F0 hoạt động trên tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau nhưng bị một số đối tượng xấu trà trộn lợi dụng kiếm chác (trong ảnh, tình nguyện viên chăm sóc F0 tại bệnh viện dã chiến)

Thù lao trả cho chị T. là 500 ngàn/ngày bao ăn ở; trường hợp bệnh nhân phải chuyển viện thì tăng lên 700 ngàn/ngày. Trước khi bắt tay vào việc, chị T. phải xuất trình giấy chứng nhận F0 khỏi bệnh và một số giấy tờ tùy thân khác. Chị T. làm thất lạc giấy chứng nhận hoàn thành cách ly nhưng vẫn được ông Quân đồng ý với lời dặn, khi tới làm việc nếu chủ nhà hỏi thì cứ bảo đã giao giấy tờ cho anh Quân hết rồi.

Chị T. được hướng dẫn tự tìm tới địa chỉ của bệnh nhân F0 để nhận việc. Gia chủ cách ly một mình trong nhà. Mỗi ngày, con dâu thuê người mang thực phẩm tới đặt ở cửa, chị T. nhận và nấu ăn phục vụ bà chủ. Công việc tương đối nhàn hạ, tình trạng của người bệnh khá tốt, các triệu chứng không mấy nghiêm trọng. Ông Quân hẹn cứ 3 ngày sẽ chuyển lương cho chị T. một lần, đến ngày thứ 4 chị T. không thấy tiền đâu; gọi điện hỏi thì ông ấy mới chịu chuyển. Theo giao ước, chị T. sẽ chăm bà chủ đến khi nào khỏi bệnh thì thôi.

Chị T. làm việc được một tuần thì bà chủ có xét nghiệm âm tính nhưng con của bà vẫn muốn chị ở thêm một tuần nữa và nói sẽ chuyển tiền trực tiếp cho chị chứ không qua môi giới. Lúc này, chị T. mới giật mình, hóa ra ông Quân là “cò” chứ không phải người nhà của bệnh nhân như giới thiệu ban đầu. Chị T. gọi điện cho ông Quân đòi số tiền còn lại trong 4 ngày làm việc và thông báo từ nay sẽ làm trực tiếp với chủ nhà. “Cò” Quân nổi máu điên, cảm giác bị cướp cơm nên đã “dạy đời” cho chị T. một trận rồi cúp máy, xù tiền, chặn số của chị T. luôn. Vậy là trong một tuần làm việc “nguy hiểm”, chị T. được nhận vỏn vẹn 1,5 triệu đồng cho 3 ngày công.

Bát nháo “cò” tìm việc -0
Sau cú lừa ngày đầu năm, chị T. vẫn đang loay hoay tìm việc làm phù hợp

Chị buồn bã kể lại việc mình bị “cò” lừa cho bà chủ nghe thì lại biết thêm một sự thật chát đắng nữa. Tiền thù lao của chị đã bị “cò” ăn chặn mất 200 ngàn/ngày. Theo thỏa thuận, chủ nhà sẽ trả công 700 ngàn/ngày, nhưng sau khi qua tay “cò” chỉ còn 500 ngàn, đã thế còn bị quỵt nợ thê thảm.

Chị T. chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân bị các nhóm “cò” lừa đảo không thương tiếc trong quá trình tìm kiếm việc làm. Thực tế F0 khỏi bệnh không có nghĩa là vô nhiễm, họ vẫn bị tái nhiễm bình thường nếu không giữ gìn cẩn thận và thực hiện nghiêm túc quy định phòng bệnh. Nhưng vì cần tiền, vì miếng cơm manh áo nên họ chấp nhận đương đầu với rủi ro, chấp  nhận hiểm nguy.

Muôn kiểu ăn chặn

Trong vai F0 khỏi bệnh tìm việc làm, chúng tôi dễ dàng tiếp cận được “nhà tuyển dụng”. Tôi không biết người nhắn tin cho mình bao nhiêu tuổi, mặt mũi ra sao ngoài cái tên Hiền. Kiểm tra thông tin trên trang cá nhân cũng chẳng có gì, điều đó thể hiện đây là nick ảo. Bên kia xưng chị và tôi xưng em cho phải phép người lao động thấp cổ bé họng. Trước khi vào chuyện, Hiền đánh võng một lượt hù dọa: “Giờ người cần việc làm nhiều lắm, bên chị đang quá tải. Nếu là F0 thật sự thì sẽ được ưu tiên”. Chúng tôi đưa ra bằng chứng mình thật sự là F0 và đang rất cần việc làm. Hiền ra vẻ thương xót, bảo sẽ bố trí sớm. Một lúc sau, Hiền gửi cho chúng tôi một ca bệnh 61 tuổi ở Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng Tân Bình. Bệnh nhân này mắc nhiều bệnh lý nền nên được đưa vào đây điều trị. Nay người nhà muốn tìm một cựu F0 tới chăm sóc, có thể lâu dài nên sẽ trả lương theo tháng với mức 15 triệu đồng. Nếu đồng ý thì chiều nay xách ba lô lên đường luôn, mọi thủ tục bên gia đình sẽ lo. Lương sẽ trả theo 2 đợt/tháng từ phía chủ nhà.

Bát nháo “cò” tìm việc -0
“Cò” Hiền trao đổi nội dung công việc qua điện thoại

Trao đổi xong, Hiền thúc giục chúng tôi chuẩn bị hành lý để nhận việc. Hiền cho số điện thoại của người nhà bệnh nhân, dặn chúng tôi khi nào gặp được người nhà thì gọi điện cho chị ta ngay. Chúng tôi gọi vào số máy Hiền cho, đầu giây bên kia xác nhận là con gái của bệnh nhân. Chị này cho biết, gia đình cần người chăm sóc mẹ đã lên mạng đăng thông tin thì được Hiền nhảy vào hỏi thăm, tự giới thiệu là trưởng nhóm giúp đỡ F0. Hiền sẽ cung cấp cho gia đình một cựu F0 để chăm sóc người bệnh. Hiền làm vậy trên tinh thần giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau chứ không có công cán, thù lao gì cả. Gia đình sẽ trả lương trực tiếp cho người giúp việc; nhưng để đảm bảo sự tin cậy, yên tâm, tháng đầu tiên gia đình phải trả thêm cho lao động 5 triệu để họ chi phí, trang trải và mua sắm vài thứ cần thiết cho những ngày rộng tháng dài ở bệnh viện. Số tiền này chủ nhà sẽ phải chuyển cho Hiền ngay khi gặp người làm, vì cô ấy đã ứng cho người lao động trước đó rồi.

Quay lại với chúng tôi, Hiền hoàn toàn không đề cập gì đến 5 triệu này. Chúng tôi chỉ được nhận lương đúng 15 triệu đồng mỗi tháng. Nếu là những người lao động yếu đuối, hạn chế về nhận thức và cả sự tinh ranh, sẽ không bao giờ nhận ra chiêu bòn rút này của Hiền. 5 triệu một người, thử hỏi mỗi ngày Hiền “giúp đỡ” được bao nhiêu người, bỏ túi bao nhiêu tiền mồ hôi nước mắt của chủ nhà lẫn người cần tìm việc làm?

Anh Nguyễn Thanh Tú, trưởng nhóm F0 có trên một ngàn thành viên đăng ký cũng vô cùng bức xúc trước vấn nạn “cò” trà trộn vào nhóm để trục lợi. Anh Tú cho biết, nhóm hoạt động kín, mục đích của nhóm là tương trợ, chia sẻ lẫn nhau trong cuộc sống và bất cứ ai cũng có quyền tham gia và được kết nạp. Anh Tú không ngờ rằng, có những người lại mạo danh F0 để trà trộn vào tiếp cận các F0 khó khăn, cần việc làm nhằm trục lợi. “Ban quản trị chúng tôi đã tiếp nhận nhiều phản ánh của thành viên về việc bị F0 trong nhóm lừa gạt vay mượn tiền hoặc lừa xin việc để cắt xén tiền thù lao và lấy hoa hồng cao. Chúng tôi kiểm tra phát hiện vài trường hợp đã loại ngay ra khỏi group. Tuy nhiên, những đối tượng khi đã thực hiện thành công hành vi đã nhanh chân tẩu thoát trước khi người lao động tố giác”, anh Tú chia sẻ.

Anh Tú cho biết thêm, có những nhóm “cò” trực tiếp quản lý nhóm F0 khỏi bệnh, điều phối F0 đi làm việc, thu tiền từ người thuê, sau đó chi trả cho nhân sự mà họ quản lý. Và dù ở hình thức nào, tất cả đều hoạt động gián tiếp qua mạng xã hội, không ký kết hợp đồng, tiền bạc cũng được chi trả bằng hình thức chuyển khoản.

Dật dờ kiếm con mồi

Ngoài phạm vi hoạt động trên mạng xã hội, lực lượng hùng hậu “cò” còn dập dìu tại các bến xe, nhà ga, các khu công nghiệp, khu chế xuất, tự nhận là người của công ty cần tuyển lao động. Khu vực gần cổng khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương, Biên Hòa, Đồng Nai, các Khu chế xuất tại TP Hồ Chí Minh từ sau Tết đến nay luôn có một đội “cò” túc trực chèo kéo người lao động đi xin việc. Ngoài ăn phần trăm trên mỗi đầu việc từ công ty, “cò” còn xén của người đi xin việc từ 100 -200 ngàn, gọi là tiền hoàn thiện hồ sơ. Chị Lê Thị Vân, 30 tuổi, ngụ Bình Phước ngày đầu tiên xuống Bình Dương xin việc chưa biết đường đi lối lại, đang ngơ ngác thì gặp ngay một đôi “cò” kéo giật lại, hỏi thăm tới tấp. Sau khi nghe chị trình bày, “cò” liền đưa cho chị bộ hồ sơ, hướng dẫn chị điền thông tin rồi bảo chị ngồi ở quán nước đợi, ngày mai có việc đi làm ngay. Khoảng nửa tiếng sau, “cò” chạy tới đưa cho chị Vân tờ giấy hẹn ngày mai thử việc. Mừng vui quá đỗi, chị Vân rối rít cảm ơn. “Cò” bảo chị đưa 200 ngàn tiền phí hồ sơ. Chị Vân vui vẻ đưa tiền vì thấy họ quá nhiệt tình giúp đỡ.

Bát nháo “cò” tìm việc -0
Nhu cầu tìm việc sau đại dịch là có thật, tạo cơ hội cho “cò” giăng bẫy

Ngày đầu đi làm, chị Vân quen được mấy người bạn chuyện trò hỏi thăm về quá trình xin việc. Họ bảo, công ty mang tận bàn ra ngoài đường tuyển người, chỉ cần có CMND là được vào làm không mất đồng phí nào. Chị Vân tưng hửng, hóa ra mình bị lừa. Ngoài chị Vân, còn rất nhiều người ở quê đi tìm việc, dáo dác, ngơ ngác giữa chốn thị thành náo nhiệt đã lọt vào mắt xanh của “cò”. Số tiền bị chiếm đoạt không nhiều, nhưng đó là tiền mồ hôi nước mắt, là sự chắt chiu, dành dụm cho những ngày rộng dài chờ đợi đồng lương.

Nhằm hạn chế tối đa việc người lao động bị cò "làm luật” xin việc, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh đã cử người ra tận cổng công ty đón tiếp, nhận hồ sơ và hướng dẫn làm thủ tục. Bà Phan Thị Thủy, Trưởng chi nhánh Công ty may xuất khẩu Vũng Tàu tại TP Hồ Chí Minh cho biết: “Từ ngày Mồng 6 Tết, công ty đã cử tổ nhân sự mang bàn ghế ra tận ngoài đường tuyển dụng. Khu vực xung quanh công ty, chúng tôi bố trí nhân viên phát tờ rơi, tư vấn, hỗ trợ và tiếp cận sớm nhất người tìm việc trước khi bị các đối tượng bên ngoài lôi kéo, mồi chài lấy tiền phí”.

(Theo An Ninh Thế Giới)