NATO và quá trình mở rộng thành viên

Đối ngoại - Ngày đăng : 09:38, 19/02/2022

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã liên tục “mở rộng vòng tay” với nhiều thành viên mới. Và giờ đây, tổ chức này đang vướng phải vào căng thẳng với Nga khi có ý định tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng về phía Đông.
Dù đã chính thức bày tỏ nguyện vọng từ lâu, nhưng hiện Ukraine vẫn chưa là thành viên của NATO.  (Nguồn: Ukrinform)
Dù đã chính thức bày tỏ nguyện vọng từ lâu, nhưng hiện Ukraine vẫn chưa là thành viên của NATO. (Nguồn: Ukrinform)

Căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine thời gian qua dường như vẫn chưa có hướng giải quyết. Thời gian qua, Nga đã huy động lực lượng quân sự lên đến 130.000 binh sĩ xung quanh khu vực biên giới với Ukraine. Động thái này khiến Kiev và các nước phương Tây không khỏi quan ngại.

Trong số đó, Mỹ là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất. Washington liên tục cáo buộc Moscow đang chuẩn bị thực hiện một cuộc “xâm lược” vào Ukraine. Phản ứng lại, Điện Kremlin khẳng định Nga không hề có ý định gây một cuộc xung đột quân sự.

Một trong những nguyên nhân chính khiến căng thẳng leo thang là việc Điện Kremlin đang nỗ lực tìm cách đảm bảo rằng Ukraine, quốc gia thuộc Liên Xô cũ, sẽ không bao giờ gia nhập liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn dắt.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO đã liên tục kết nạp thêm thành viên mới ở châu Âu, trong đó có cả những nước Liên Xô cũ. Không những vậy, 5/14 quốc gia châu Âu sát sườn với biên giới Nga là thành viên của NATO. Bản thân Ukraine cũng nung nấu hy vọng gia nhập tổ chức này. Nhưng quá trình để trở thành một quốc gia thành viên NATO không dễ dàng.

Lịch sử thành lập

Ngày 4/4/1949, tại Washington, 10 nước châu Âu (Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Anh, Italy, Iceland, Luxembourg, Na Uy, Hà Lan và Bồ Đào Nha) cùng Canada và Mỹ cùng nhau ký Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Đây được xem như là ngày thành lập NATO, liên minh quân sự trải dài từ châu Âu đến châu Mỹ, do Mỹ dẫn đầu.

NATO được thành lập để ngăn chặn ảnh hưởng của phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu lúc đó đang trên đà phát triển rất mạnh ở châu Âu. Việc thành lập NATO dẫn đến việc các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu thành lập khối Warsaw để làm đối trọng. Sự kình địch và chạy đua vũ trang giữa hai khối quân sự đối địch này là tâm điểm của Chiến tranh Lạnh trong nửa sau thế kỷ XX.

Các thành viên tham gia Hiệp ước cam kết rằng, bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào chống lại một trong số họ ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả thành viên còn lại trong khối.

Do đó, các quốc gia này thỏa thuận với nhau rằng, nếu một cuộc tấn công xảy ra, tất cả thành viên còn lại sẽ có trách nhiệm giúp đỡ thành viên bị tấn công, bao gồm cả việc sử dụng vũ trang, để khôi phục và duy trì an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương. Nguyên tắc này được quy định trong Điều khoản số 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 1949.

Trong quá khứ, Điều khoản này mới chỉ được áp dụng một lần bởi Mỹ, sau khi nước này bị khủng bố vào ngày 11/9/2001.

Có ý kiến cho rằng, nguồn gốc thực sự của NATO là vào năm 1947, khi Vương quốc Anh và Pháp ký kết Hiệp ước Dunkirk để thành lập một liên minh, nhằm bảo vệ lẫn nhau trước khả năng quân Đức có động thái gây hấn thời hậu Thế chiến II.

Chính sách “mở cửa”

Ngoài Điều khoản số 5, NATO cũng có một chính sách quan trọng không kém và đang là trung tâm của cuộc khủng hoảng tại Ukraine thời gian qua. Đó chính là chính sách “mở cửa”, được dựa trên Điều khoản Số 10. Theo đó, Hiệp ước quy định rằng, bất kỳ “quốc gia châu Âu nào có vị thế nhằm tiếp tục áp dụng các nguyên tắc của Hiệp ước này và đóng góp vào an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương” đều có thể trở thành thành viên của NATO.

Trong suốt bốn thập kỷ của Chiến tranh Lạnh, NATO đã kết nạp thêm một loạt thành viên mới tại châu Âu. Sau đó, khi đối trọng Liên Xô sụp đổ, NATO tiếp tục chính sách “mở cửa” và liên tục Đông tiến, kết nạp các thành viên cũ trong khối xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu và các nước thuộc không gian hậu Xô Viết.

Tổ chức này sau đó tăng lên 26 thành viên năm 2004, 28 vào năm 2009. Bắc Macedonia là thành viên mới nhất của NATO, được kết nạp vào năm 2020, nâng tổng số thành viên lên 30. Ngoài ra, ba quốc gia gồm Bosnia- Herzegovina, Gruzia và Ukraine nằm trong danh sách “thành viên tiềm năng” của liên minh.

Thời gian đầu, việc NATO mở rộng về phía Đông dường như không khiến Nga mấy lay động. Chỉ khi đến cuối những năm 2000, khi liên minh này ý định kết nạp Gruzia và Ukraine vào một thời điểm không xác định trong tương lai, Moscow mới có những phản ứng mạnh mẽ.

Đối với Điện Kremlin, việc Ukraine, một trong những trụ cột của Liên Xô cũ và là quốc gia láng giềng có quan hệ chặt chẽ với Nga, sẽ gia nhập NATO, là điều khó có thể chấp nhận. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008 ở Bucharest, Tổng thống Nga Putin từng nói với nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William J. Burns, nay là Giám đốc CIA rằng: “Không nhà lãnh đạo Nga nào có thể đứng yên khi đối mặt với việc Ukraine sẽ trở thành thành viên NATO. Đó sẽ là một hành động thù địch đối với Nga”.

Nga từ lâu phản đối bất kỳ sự mở rộng nào của NATO dù là ở khu vực Kavkaz với các quốc gia như Gruzia hay các quốc gia châu Âu có biên giới tiếp giáp với nước này. Thụy Điển và Phần Lan, hai nước châu Âu láng giềng của Nga, mặc dù rõ ràng là những nước ủng hộ phương Tây nhưng cũng không gia nhập NATO, một phần để tránh gia tăng căng thẳng với Nga.

Cộng hòa Macedonia (tên gọi trước đây của Cộng hòa Bắc Macedonia) xin gia nhập NATO từ những năm 1990, song vấp phải sự phản đối của Hy Lạp vì trùng với tên một tỉnh của nước này. Cuối năm 2018, Skopje và Athens đạt một thỏa thuận, theo đó quốc gia Tây Balkan này chính thức đổi tên thành Bắc Macedonia và Hy Lạp không còn phủ quyết việc quốc gia láng giềng gia nhập NATO.

Thế khó của Ukraine

Tại Hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008, NATO không công bố kế hoạch kết nạp chính thức cho Ukraine và Gruzia, nhưng liên minh đã khẳng định “rằng các nước này sẽ trở thành thành viên của NATO” .

Cho đến nay, dù đã nhiều lần thể hiện quan điểm mạnh mẽ, nhưng Ukraine vẫn chưa thể gia nhập NATO. Có rất nhiều nguyên nhân đằng sau đó, xuất phát cả từ NATO, các nước thành viên và chính Ukraine. Trong đó, Hiệp ước của NATO nêu rõ, toàn bộ các nước thành viên đều phải đạt được đồng thuận thì quyết định kết nạp thành viên mới được thông qua.

Trong một thời gian dài, Macedonia không thể gia nhập NATO do sự phản đối từ Hy Lạp. Trong khi đó, ngoài Nga, Ukraine cũng có những vấn đề chính trị với một thành viên khác của NATO là Hungary. Mỹ, thành viên quan trọng nhất của liên minh, cũng chưa sẵn sàng ủng hộ Ukraine gia nhập NATO.

Dù việc chấp thuận tư cách thành viên là một quyết định mang nặng tính chính trị, nhưng NATO cũng đưa ra một loạt tiêu chí khắt khe cho các thành viên tiềm năng. Những tiêu chí đó gồm: một nền dân chủ hoạt động dựa trên nền kinh tế thị trường, đối xử công bằng với nhóm người thiểu số và cam kết giải quyết các xung đột một cách hòa bình...

NATO cũng nêu rõ rằng, một quốc gia vẫn tồn tại “các tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết” sẽ khó có thể được chấp thuận làm thành viên. Nội bộ Ukraine hiện đang gặp nhiều thách thức ở khu vực Donbass thuộc miền Đông, cũng như vấn đề liên quan đến bán đảo Crimea.

Trong khi đó, tình hình hiện nay cho thấy, Nga sẽ không ngần ngại có những động thái mạnh mẽ, nhằm phản đối lại việc NATO kết nạp Ukraine. Theo giới chuyên gia, đây có thể coi là điều kiện tiên quyết khiến NATO ngại ngần trong việc đưa ra quyết định.

Dù nhiều lần lên tiếng rằng Nga “không có quyền phủ quyết” về việc liệu Ukraine có thể gia nhập hay không, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vẫn mong muốn có các cuộc đàm phàn với Moscow để “lắng nghe những quan ngại của Nga”.

Quang Đào