Kỷ niệm với NGND Lê Hải Châu - người thầy của nhiều tài năng Toán học

Xã hội - Ngày đăng : 07:37, 05/02/2022

Trong ký ức của nhà Toán học Ngô Việt Trung, NGND Lê Hải Châu là một trong những người đã gợi mở cho ông tình yêu với Toán học.

Nhà giáo Nhân dân (NGND) Lê Hải Châu, nguyên chuyên viên cấp cao Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) vừa qua đời ở tuổi 97. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách giáo khoa môn Toán, từng phụ trách công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi Toán của Bộ GD-ĐT và là người gắn bó với các đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế (IMO) từ những ngày đầu.

Kỷ niệm với NGND Lê Hải Châu - người thầy của nhiều tài năng Toán học - 1

Thầy Lê Hải Châu và thầy Phan Đức Chính với đội tuyển Việt Nam tham dự IMO 1974.

GS Ngô Việt Trung cho biết ông gặp nhà giáo Lê Hải Châu lần đầu khi Viện Toán được phân công chấm bài các cuộc thi quốc gia những năm 1979-1982 để chọn đội tuyển thi Toán quốc tế.

Tuy nhiên, GS Ngô Việt Trung đã biết đến nhà giáo Lê Hải Châu từ khi ông mới là cậu học trò lớp 2, lớp 3 qua cuốn sách “Toán học vui”.

“Khi nhỏ tôi ở với ông bác ở thị xã Phủ Lý, Hà Nam. Thời đó sách rất hiếm. Bác tôi vốn là giáo viên tiểu học nên quan tâm tìm sách về cho con cháu đọc.

Khi tôi học lớp 2 hay lớp 3 gì đó, tôi được đọc cuốn "Toán học vui" của Lê Hải Châu. Tôi rất thích cuốn này vì có thể đem các bài toán trong đó đi loè các bạn cùng lớp kiểu mày tự nghĩ ra một con số, làm vài con tính rồi cho biết kết quả là đoán được con số. Cuốn sách giải thích cặn kẽ nên tôi hiểu được, có thể theo đó nghĩ ra các bài toán tương tự. Sau đó tôi có thói quen đọc tất cả sách giáo khoa khi mới khai giảng cho đến khi nào hiểu thì thôi. Vì thế tôi học toán rất dễ dàng. Tôi giữ được cách học này khi lên học đại học, tự đọc là chính, đến lớp chỉ để biết mình phải học gì”.

Theo GS Ngô Việt Trung, cùng với việc là tác giả nhiều cuốn sách toán dành cho học sinh và với vai trò là người điều phối việc ra đề, chấm thi và huấn luyện đội tuyển thi Olympic Toán quốc tế một thời gian dài, nhà giáo Lê Hải Châu có vai trò lịch sử nhất định trong phát triển Toán học ở Việt Nam.

GS Trung cho biết khi ông còn nhỏ, sách tham khảo rất hiếm. Và nếu có, đó là những cuốn sách viết công phu, gợi mở lòng yêu Toán.

“Sách tham khảo bây giờ thường chủ yếu là luyện thi, luyện giải Toán chứ không gợi mở được lòng yêu Toán. Viết sách tham khảo mà truyền được cảm hứng rất khó, nhưng những cuốn sách của nhà giáo Lê Hải Châu cũng như một số cuốn khác như "Giải Toán như thế nào" và "Toán học và những suy luận có lý" của nhà toán học Hungary Polya do Hoàng Chúng, Lê Đình Phi và Nguyễn Hữu Chương dịch… đã làm được điều đó. Đọc các cuốn sách này tôi mới ngộ ra là Toán học rất đẹp và kỳ lạ, có thể nhìn một bài toán bằng nhiều cách hoàn toàn khác nhau. Từ đó trở đi, mỗi khi giải các bài toán tôi luôn cố gắng tìm cách giải đẹp nhất. Cái đó rất hữu ích khi làm nghiên cứu vì chỉ khi mình phát hiện ra bản chất vấn đề thì mới có lời giải đẹp. Trong Toán học thì nêu ra được bản chất vấn đề quan trọng hơn là giải được bài toán”.

Còn TS Lê Bá Khánh Trình - người từng được NGND Lê Hải Châu dẫn đi thi Olympic Toán Quốc tế IMO 1979 ở Anh, đoạt giải Nhất với số điểm tuyệt đối 40/40, đồng thời đoạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo, nhớ lại NGND Lê Hải Châu là người thầy mẫu mực.

Trong ký ức của TS Lê Bá Khánh Trình, NGND Lê Hải Châu có rất nhiều điều đáng để mọi người học hỏi. Đầu tiên ông là người nghiêm chỉnh trong công việc, tất cả mọi chuyện liên quan đến công việc đều được ông sắp xếp chu đáo, tỉ mỉ, chỉn chu.

Thứ hai, NGND Lê Hải Châu cũng có khả năng ngoại giao rất tốt. “Năm đó mẹ tôi từ Huế ra Hà Nội để gặp thầy Châu. Sau cuộc gặp mẹ tôi khen thầy Châu là người lịch thiệp, giao tiếp vui vẻ. Thầy Châu luôn động viên học trò. Khi chúng tôi làm bài xong ông luôn động viên, hỏi han. Những lời nói của ông đi vào lòng người. Sau này khi dẫn học sinh đi thi tôi cũng học hỏi điều này từ thầy, luôn động viên học sinh của mình"- TS Khánh Trình kể.

TS Lê Bá Khánh Trình nhớ ông gặp NGND Lê Hải Châu ở vòng 2 thi chọn đội tuyển IMO năm 1979. Lúc này NGND Lê Hải Châu đạp xe đến đưa đề cho ông và các học sinh. Những đề thi của NGND Lê Hải Châu luôn được khai thác từ những đề thi trên thế giới và được bảo mật kỹ. Sau khi chọn được đội tuyển, TS Khánh Trình ra Hà Nội ôn thi và NGND Lê Hải Châu là người phụ trách. Không chỉ lo việc ôn luyện bồi đắp kiến thức cho học sinh, NGND Lê Hải Châu còn quan tâm đến chuyện ăn, ở của các thành viên trong đoàn.

Một kỷ niệm sâu sắc mà TS Khánh Trình ghi nhớ, đó là năm 1979 khi đó đoàn IMO của Việt Nam đi thi ở Anh. Các thành viên dự thi hơi xuề xoà, trên mặc áo vét nhưng dưới lại đi dép xăng - đan. NGND Lê Hải Châu đã phê bình. “Theo ông chúng tôi cần phải ăn mặc lịch sự, đây cũng là một trong những kỹ năng ngoại giao chứ không phải dễ dãi, xuề xoà”- TS Khánh Trình kể.

TS Lê Bá Khánh Trình nhìn nhận, NGND Lê Hải Châu có sức hút rất lớn với học trò. Đó là lúc cần nghiêm khắc thì nghiêm khắc, khi nhẹ nhàng thì nhẹ nhàng, gần gũi. Sau này khi TS Lê Bá Khánh Trình công tác ở miền Nam, hai thầy trò ít có cơ hội gặp nhau, nhưng mỗi khi có cơ hội gặp lại cả hai thầy trò đều ôm nhau, trò chuyện rất vui vẻ, nhắc lại những kỷ niệm ngày trước.

(Nguồn: Vietnamnet)

(Nguồn: Vietnamnet)