Về lại Yok Đôn, khu rừng khộp lớn nhất cả nước

Xã hội - Ngày đăng : 14:17, 03/02/2022

Càng đi sâu vào bên trong, Yok Đôn càng cho thấy sự kỳ vĩ và ma mị, bốn bề yên ắng, chỉ nghe thấy tiếng thở của người đi trước, thi thoảng vang vọng vài tiếng chim.

Dù đã có lời cảnh báo của cán bộ kiểm lâm về con đường khám phá Yok Đôn phải xuyên qua rừng hàng chục cây số, đất đá trơn trượt, có thể bị dầm đâm vào chân hay vô tình dẫm phải bẫy thú song khó mấy, tôi và các đồng nghiệp vẫn quyết tâm đi một chuyến cho thỏa nỗi tò mò.

Hành trình khổ ải

Một ngày giữa tháng 12, tôi may mắn được cùng đoàn cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn và các đồng nghiệp của mình có chuyến lội bộ xuyên qua khu rừng khộp rộng hàng trăm nghìn héc ta tại Yok Đôn. Đây cũng là nơi ẩn chứa nhiều điều bí mật về những loài động vật quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Về lại Yok Đôn, khu rừng khộp lớn nhất cả nước - 1

Lội bộ xuyên qua khu rừng khộp rộng hàng trăm nghìn héc ta tại Yok Đôn một ngày cuối năm.

7h sáng, những tia nắng mặt trời bắt đầu len lỏi xuyên qua rừng già chiếu thẳng xuống lớp thảm mục. Trước khi chuyến đi được bắt đầu, anh Trần Đức Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ (VQG Yok Đôn) - người phụ trách đoàn đưa ra lời cảnh báo: "Đường đi sẽ rất xa và nguy hiểm, ai không đi thì có thể quay lại". Song những tò mò về khu rừng kỳ vĩ đã thúc giục đôi chân của chúng tôi nên không một ai quyết định rời đi.

Bắt đầu cuộc hành trình, đoàn của tôi hơn 15 người nối đuôi nhau cắt rừng, bước đi với một tâm thế đầy háo hức. Suốt hành trình, chúng tôi không thể đếm hết được bao nhiêu khúc cua, bao nhiêu tán cây thấp trũng khổng lồ phải luồn qua.

Càng đi sâu vào bên trong, rừng Yok Đôn càng cho thấy sự kỳ vĩ và ma mị. Bốn bề yên ắng, chỉ nghe thấy tiếng thở phì phò của người đi trước và mặc may thi thoảng vang vọng vài tiếng chim kêu.

Trong suốt hành trình xuyên rừng, tôi may mắn được nghe rất nhiều thông tin bổ ích từ những “cuốn sách sống” về khu rừng có tới hơn 1.000 loài động thực vật sinh sống, nhiều loài quý hiếm cần bảo tồn nghiêm ngặt này.

Đi qua gốc cây vĩ đại hàng chục người ôm, những kỳ hoa dị thảo với công dụng chữa bệnh hoặc độc tính chết người, Tiến sĩ Ngô Tiến Dũng (nguyên Giám đốc VQG Yok Đôn) đều nhiệt tình giải thích cặn kẽ và cũng không quên kể chuyện về các loài động, thực vật trong rừng cho chúng tôi nghe với một tâm hồn say mê và đầy tự hào.

Về lại Yok Đôn, khu rừng khộp lớn nhất cả nước - 2

Tiến sĩ Ngô Tiến Dũng (thứ 4 từ trái qua) chia sẻ về những loài động thực vật trong rừng.

Trong suốt hành trình, chúng tôi còn hào hứng thi tìm dấu chân thú rừng. Từng bước chậm rãi, lần theo từng vết tích thú rừng để lại. “Mọi người ơi, ở đây có này!”, bất giác một thành viên trong đoàn reo lên khi phát hiện một dấu tích có vẻ như của thú rừng để lại. Ngay lập tức, sự tò mò không cản được việc chúng tôi phải nhanh chóng túm tụm lại để được tận mắt thấy dấu chân thú rừng là như thế nào.

Và quả đúng thật, chỉ có những người có kinh nghiệm nhiều năm ăn, ngủ ở rừng mới biết đó là dấu chân của loài nào.

“Dấu này là dấu chân con mang đó, rất khó mà tận mắt thấy được nó, hình như nó vừa chỉ mới đi qua đây thôi”, anh Phương đáp lại sự tò mò của chúng tôi.

Hành trình vẫn cứ thế tiếp tục. Và cảm giác muốn chinh phục cánh rừng này thổn thức trong tôi ngày một nhiều hơn.

Cuộc “săn” bẫy thú

12h trưa, sức nóng từ trên tán cây đổ ập xuống từng khuôn mặt phờ phạc cũng là lúc chúng tôi tiếp cận được Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 5 (VQG Yok Đôn). Nhiều thành viên phải nhanh chóng tìm chỗ dựa lưng để hồi lại sức. Sau bữa cơm trưa ăn vội, chúng tôi tiếp tục xách balo lên đường, tới với trải nghiệm đi “săn” bẫy thú rừng.

Về lại Yok Đôn, khu rừng khộp lớn nhất cả nước - 3

Cả đoàn phải luồn lách qua các kẽ hở xuyên rừng, dò từng bước chân để tránh dẫm phải bẫy.

Vào khu vực thường xuyên bị người dân đặt bẫy thú rừng, anh Phương luôn liên tục nhắc nhở các thành viên trong đoàn phải cẩn trọng, dò từng bước chân để tránh dẫm phải bẫy.

"Cẩn thận, có cái hố ở đây đấy. Từ đây đi lên còn mấy hố nữa", anh Phương cảnh báo. Thực ra đó không phải là bẫy thú rừng – thứ mà chúng tôi đang đi tìm kiếm song cũng không kém phần nguy hiểm, chí ít là cũng trầy xước nếu lỡ lọt thỏm xuống những cái hố mà người dân đào.

Chỉ cần động vật hoang dã tới ăn mồi đặt trên bẫy, chân bị sụp xuống hố, thòng lọng sẽ siết chặt và treo ngược con thú. Chúng càng giãy dụa, dây càng siết chặt, không thoát ra được.

Theo kinh nghiệm của anh Phương, mùa mưa là mùa bẫy thú nhiều, bởi đây là giai đoạn cỏ mọc xanh tốt nên loài thú đi kiếm ăn nhiều hơn. Có loại bẫy thú từ thô sơ đến hiện đại, từ bẫy bắt sống đến bẫy giết chết con vật như: bẫy hầm, bẫy kẹp, bẫy thòng lọng. Nhiều năm trước, cứ vào mùa bẫy thú, anh cùng với các nhân viên của ban quản lý rừng thu được hàng trăm chiếc bẫy.

Để phát hiện bẫy không phải dễ, một đợt đi gỡ bẫy thú thường kéo dài gần cả chục ngày. Khi đôi chân mỏi rã thì các cán bộ kiểm lâm mới quay về. “Đi lên rừng phải di chuyển trên các địa hình phức tạp như suối sâu, dốc đứng, bụi cây rậm rạp đầy nguy hiểm, có thể trượt chân té ngã bất cứ lúc nào. Nhiều người sau khi trở về còn bị nổi đầy mẩn ngứa vì côn trùng cắn. Chưa kể, bẫy thú còn được đặt rất tinh vi, ngụy trang, che phủ cành lá rất kín đáo, chỉ có những người trong nghề mới nhận diện được”, anh Phương bộc bạch.

Về lại Yok Đôn, khu rừng khộp lớn nhất cả nước - 4

Hàng trăm chiếc bẫy thú các cán bộ kiểm lâm thu giữ được.

Những buổi đi phá bẫy, hạnh phúc nhất đối với các cán bộ kiểm lâm là phát hiện kịp thời những cá thể bị mắc bẫy để sơ cứu vết thương và tái thả về rừng. Và đau xót nhất là khi thấy con vật bị mắc bẫy đã chết vì không được tháo bẫy sớm.

Tất thảy những cung bậc cảm xúc ấy, có lẽ hơn ai hết, anh Phương là người hiểu rõ, anh ngậm ngùi: "Chỉ cần động vật hoang dã tới ăn mồi đặt trên bẫy, chân bị sụp xuống hố, thòng lọng sẽ siết chặt và treo ngược con thú. Chúng càng giãy dụa, dây càng siết chặt, không thoát ra được. Có những loại bẫy cạp đến dùng sức người còn khó gỡ ra thì huống chi là sức của con vật".

Đêm ở rừng

17 giờ, mặt trời dần khuất núi, cây cỏ bắt đầu ẩn mình bí hiểm, cả đoàn cũng đã thấm mệt, mồ hôi nhễ nhại. Trên cao, từng đàn chim chích chòe, bìm bịp bay lượn ríu rít gọi nhau về tổ.

Chúng tôi tranh thủ lia máy chụp vài kiểu ảnh trước khi bóng đêm buông xuống, bỗng phía trước vang lên nhiều tiếng động lạ xoẹt qua. Chú Dũng trấn an “heo rừng đó, không sao đâu”.

Anh Phương ở cạnh nói thêm, thường khi đi tuần tra, giám sát đa dạng sinh học vẫn bắt gặp nhiều loại thú như nai, mang, gà lôi, công, sáo, phượng hoàng. Gần đây voi xuất hiện rất nhiều và tập trung thành từng đàn; trâu, bò rừng hơi hiếm nên rất khó gặp. Riêng các loài bò xám, hổ, tê giác thì chưa ai tận mắt thấy, dù chưa có nhà nghiên cứu nào dám khẳng định chúng đã vắng bóng trong khu rừng này.

“Loài thú rất tinh, đánh hơi người từ xa đã bỏ chạy, mình muốn ghi hình cũng khó. Khách vào đây ban ngày ngắm cây cỏ, lan rừng là chủ yếu. Còn muốn xem thú thì phải mắc võng ngủ trong rừng sâu, đợi đến đêm khuya soi đèn xuyên qua những tán cây mới có thể thấy được chúng”, chú Dũng tiếp lời.

Về lại Yok Đôn, khu rừng khộp lớn nhất cả nước - 5

Đêm trong rừng âm u tĩnh mịch, không sóng điện thoại, muỗi bay như “sáo thổi”.

Trời tối sầm lại cũng là lúc kết thúc hành trình khổ ải, đoàn chúng tôi dừng lại bên dòng suối Đắk Lau chuẩn bị bữa tối. Mỗi người một việc, người xuống suối câu cá, người tìm củi nhóm lửa nướng cơm lam. Một tiếng sau, bữa cơm tối giản dị đậm chất núi rừng hoàn tất. Cả đoàn người quây quần bên bếp lửa bập bùng, lấy lá rừng làm đĩa đựng thức ăn, cây le thay đũa thưởng thức hết các món ăn do chính tay mình làm ra.

Dưới những tán rừng xanh tươi và những vì sao đêm lấp lánh, chúng tôi đã trở thành bè bạn, kể cho nhau nghe những câu chuyện tác nghiệp và cả những hiểm nguy trong quá trình dấn thân với nghề.

Đêm trong rừng âm u tĩnh mịch, không sóng điện thoại, muỗi bay như “sáo thổi”, thứ ánh sáng duy nhất soi sáng khu rừng là ánh trăng lúc tỏ, lúc mờ. Chính nhờ không gian ấy, chúng tôi được cảm nhận mối giao hòa gần gũi giữa thiên nhiên và con người.

Vườn quốc gia Yok Đôn nằm trên địa phận 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, được thành lập năm 1992 với diện tích 115.545 hecta và cũng là nơi duy nhất bảo tồn rừng khộp (DDF) ở Việt Nam. DDF là một kiểu hệ sinh thái rừng độc đáo, có nhiều loài quan trọng và đặc hữu.

Vườn quốc gia Yok Don là nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật hoang dã. Theo số liệu thống kê tương đối, VQG Yok Đôn có 92 loài thú, 373 loài chim, 18 loài lưỡng cư, 55 loài bò sát và hơn 1.000 loài thực vật. Nhiều loài trong số này được liệt kê trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN).

HIỀN MAI

HIỀN MAI