‘Đừng để Táo quân mang rác lên chầu’

Xã hội - Ngày đăng : 17:53, 25/01/2022

Ghi nhận của PV trong dịp lễ ông Công, ông Táo năm nay, sáng nay (23 tháng Chạp), người dân Thủ đô háo hức đi phóng sinh cá. Với sự hướng dẫn của nhóm tình nguyện viên, rất nhiều túi nilon đã được giữ lại nhằm bảo vệ môi trường.

Theo truyền thông dân gian, cứ ngày 23 tháng Chạp, người dân Việt Nam sẽ thực hiện lễ thả cá chép để tiễn ông Công, ông Táo về trời, báo cáo về điều tốt xấu của gia chủ trong một năm vừa qua.

Lễ cúng ông Công ông Táo thường được thực hiện từ khoảng ngày 20 đến ngày 23 tháng Chạp, nhiều người đã tranh thủ cúng vào ngày cuối tuần được nghỉ, thứ 7 hoặc Chủ nhật. Tuy nhiên, đến sáng nay (25/1, tức ngày 23 tháng Chạp), vẫn còn rất đông người dân đi thả cá và tro vàng mã ở các sông, hồ lớn sau khi làm lễ cúng.

‘Đừng để Táo quân mang rác lên chầu’
Ghi nhận của nhóm phóng viên tại chân cầu Chương Dương ngày 25/1, người dân xếp hàng dài để tự tay xuống tiễn ông Công ông Táo về trời.
‘Đừng để Táo quân mang rác lên chầu’
Trẻ em háo hức cùng bố mẹ thả cá tiễn ông Táo về trời.

Năm nay, tổ chức Keep Hanoi Clean tiếp tục kết hợp với một số tổ chức khác cùng UBND các phường trên địa bàn Hà Nội tổ chức hoạt động “Kitchen God Day 2022” - “Hành động vì ngày lễ ông Công ông Táo”. Hoạt động này nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc giảm thiểu rác thải nhựa sử dụng trong ngày lễ ông Công ông Táo nói riêng, giảm thiểu rác thải ra sông và ao hồ ở Hà Nội nói chung.

Chứng kiến hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn và trực tiếp thu gom nilon, rác thải của các bạn tình nguyện viên, ông Hòa (quận Long Biên, Hà Nội) đánh giá: “Đây là một hoạt động vô cùng văn minh và đáng được ghi nhận. Năm nào người dân cũng ra đây thả cá cùng vàng mã rất đông nên nếu không có những chương trình như này thì cả khu vực này sẽ “ngập” trong rác thải từ vàng mã và túi nilon”.

‘Đừng để Táo quân mang rác lên chầu’
"Kitchen God Day 2022" được thực hiện tại các địa điểm: hồ Tây, Bến Bạc, cầu Đông Trù, hồ Trúc Bạch, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, bến Chương Dương Độ.
‘Đừng để Táo quân mang rác lên chầu’
Các tình nguyện viên của Keep Hanoi Clean hướng dẫn người dân vứt rác sau khi thả cá.

Minh Ánh, một tình nguyện viên của tổ chức Keep Hanoi Clean tại điểm cầu Chương Dương chia sẻ: “Do đây là hoạt động tín ngưỡng lâu đời của người dân nên không thể ngăn cấm việc mọi người vứt tro cùng đồ thờ cúng xuống sông. Tuy nhiên, các thành viên trong nhóm luôn cố gắng thu dọn, vớt rác ngay sau đó để giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường”.

Bên cạnh việc nhắc nhở và hỗ trợ người dân thả cá, đội tình nguyện viên của Keep Hanoi Clean cũng sẽ phải thay phiên đi thu nhặt rác thải nhựa, bát hương hoặc thậm chí là bàn thờ người dân vứt ven bờ sông Hồng.

Rác thải sau khi thu gom được phân thành 2 loại (gồm rác thải nhựa và rác thải khác như là bát hương, bình hoa, ban thờ…) trước khi được đem đi xử lý.

‘Đừng để Táo quân mang rác lên chầu’
Chương trình không cố định số lượng tình nguyện viên ở các địa điểm mà tùy vào lượng người đến thả cá để sắp xếp nhân lực phù hợp.
‘Đừng để Táo quân mang rác lên chầu’
Việc thu gom diễn ra liên tục do lượng người đến thả cá đông đúc.
‘Đừng để Táo quân mang rác lên chầu’
Chương trình cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ của người dân khu vực ven sông trong việc thu gom và xử lý rác thải.

Bạn Long, tình nguyện viên của UBND phường Yên Phụ cùng nhóm thu gom rác tại hồ Tây trao đổi với phóng viên: "Năm nay, ý thức của người dân nhìn chung khá tốt nhưng vẫn có nhiều người phớt lờ sự nhắc nhở của các tình nguyện viên. Họ vẫn thả hết tro cùng đồ thờ cúng xuống hồ. Tôi nghĩ việc thay đổi nhận thức và hành động của người dân Thủ đô về việc xả rác thải ra sông hồ trong những ngày lễ thế này vẫn còn là một hành trình dài".

‘Đừng để Táo quân mang rác lên chầu’
Mặc dù đã được hướng dẫn và nhắc nhở nhưng một số người dân vẫn cố tình đổ tro hóa vàng cùng nhiều đồ thờ cúng như bát hương, bàn thờ,...xuống sông.

Triệu Trang - Phương Huyền