Đại học lý giải nguyên nhân 'đổ xô’ xét tuyển dựa trên chứng chỉ tiếng Anh
Xã hội - Ngày đăng : 11:08, 16/01/2022
Theo dự kiến phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 của Đại học Kinh tế Quốc dân, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có thể đăng ký xét tuyển kết hợp theo đề án riêng của trường.
Cụ thể, trường dành 10-15% trong số 6.100 chỉ tiêu để xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc Đại học Quốc gia TP.HCM và 15-20% để xét tuyển kết hợp chứng chỉ này với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh cần có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6, đạt IELTS 5.5, TOEFL ITP 500, TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng L&R 785, S 160 & W 150) trở lên.
Đại học Ngoại thương cũng đưa ra phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và học bạ dành cho thí sinh hệ chuyên và không chuyên hoặc kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với SAT, ACT, A-Level. Trường cũng xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Hai phương thức này chỉ áp dụng cho các chương trình dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM ưu tiên xét tuyển thẳng đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS quốc tế 6.0 trở lên vào ngành Sư phạm Tiếng Anh và Ngôn ngữ Anh tới 30% chỉ tiêu của ngành.
Năm nay, Đại học Thủy lợi dự kiến xét tuyển thẳng thí sinh có học lực năm lớp 12 đạt loại khá và có chứng chỉ tiếng Anh từ 5.0 trở lên.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, những em có chứng chỉ IELTS (academic) quốc tế 6.0 trở lên (hoặc tương đương) được đăng ký xét tuyển tài năng vào các ngành Ngôn ngữ Anh, Kinh tế - Quản lý theo hình thức xét tuyển kết quả, thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn.
Ngoài ra, thí sinh có chứng chỉ IELTS (academic) 5.0 trở lên có thể sử dụng để quy đổi điểm tiếng Anh để xét tuyển các tổ hợp A01, D01, D07 và các tổ hợp xét tuyển theo kỳ thi Đánh giá tư duy (thông qua hệ thống quy đổi của trường).
Ảnh minh họa |
Sau khi biết phương án tuyển sinh của các trường trên, nhiều người lo ngại sự thiếu công bằng với học sinh nông thôn và miền núi khi các trường tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ.
Nói về vấn đề này, TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương nhận định, chứng chỉ IELTS là một cách thức để đánh giá năng lực tiếng Anh của sinh viên và lựa chọn IELTS thì sinh viên có thêm cơ hội thể hiện năng lực tiếng Anh của mình.
“Từ phía nhà trường có nhiều phương thức lựa chọn sinh viên, tuy nhiên nhà trường vẫn phải xét IELTS với các tiêu chí năng lực khác chứ không phải đây là tiêu chí duy nhất đủ. Ví dụ ở trường Đại học Ngoại thương, xét vào chương trình tiên tiến và chất lượng cao thì tiêu chuẩn tiếng Anh đầu vào là điều bắt buộc. Thí sinh sẽ dùng tiếng Anh bằng IELTS hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển", TS Vũ Thị Hiền nói.
Về vấn đề tranh cãi xét tuyển bằng IELTS liệu có gây thiệt thòi cho thí sinh ở khu vực nông thôn và miền núi không thì TS Vũ Thị Hiền cho rằng: "Việc tích lũy chứng chỉ IELTS thì đúng là không phải ai cũng dễ dàng đạt được. Tuy nhiên mỗi phương thức có chỉ tiêu riêng chứ không phải tuyển sinh 100% chỉ tiêu bằng chứng chỉ ngoại ngữ. Không phải bạn nào có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng sẽ lấy đi hết cơ hội của các bạn khác. Mỗi phương thức có chỉ tiêu riêng và các bạn phải tự cạnh tranh công bằng với nhau. Và những thí sinh khác vẫn còn những cơ hội vào ngành học mình mong muốn với phương thức khác như xét điểm thi tốt nghiệp THPT hay xét điểm thi đánh giá năng lực...".
Còn theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM thì hiện nay các trường đại học có xu hướng ưu ái cho thí sinh theo học chương trình bổ sung tiếng Anh vì việc này có nhiều ưu điểm.
Đầu tiên, đây là những thí sinh thực sự có hiểu biết về ngành nghề, cơ hội việc làm và các chương trình trong trường đại học. Mặt khác, do được học tiếng Anh tốt nên khi vào đại học, các thí sinh có cơ hội tiếp cận tài liệu, giao tiếp và có cơ hội hội nhập cao hơn.
Về việc nhiều ý kiến cho rằng ưu ái thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ khiến thí sinh khác không có điều kiện tiếp xúc học tiếng Anh thiệt thòi, ông Sơn cho rằng điều này là có nhưng không nhiều. Bởi vì những học sinh vùng sâu, vùng xa cũng có những ưu tiên khác như được cộng điểm vùng miền.
Tuy nhiên theo ông Sơn, những thí sinh như vậy vẫn có nhiều cơ hội để xét tuyển bằng phương thức khác và các em vẫn phải học tập tốt tiếng Anh vì tiếng Anh với một số ngành nghề cũng có tiêu chuẩn nhất định cho đầu ra, nếu không đạt thì thí sinh không thể tốt nghiệp.
Hoàng Thanh