Vì sao chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm mạnh?

Xã hội - Ngày đăng : 15:02, 10/01/2022

Nếu các năm trước đây số lượng chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT luôn chiếm lớn nhất trong các phương thức xét tuyển của nhiều trường đại học thì năm nay phương thức này giảm mạnh.

Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra 3 phương án tuyển sinh cho năm 2022 và thay đổi đáng kể về số chỉ tiêu. Theo đó, trường chỉ dành 10 - 20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, 60 - 70% tổng chỉ tiêu bằng hình thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và 20 - 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét tuyển tài năng.

Tại Đại học Giao thông Vận tải, năm 2020 trường dành 70 - 80% cho phương cho hình thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT thì năm 2022, theo công bố của trường, tỷ lệ này sẽ giảm chỉ còn khoảng 40 - 50%.

Mới đây Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho hay chỉ dành 10 - 15% cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp, giảm khá nhiều so với trên 50% năm 2020.

Cũng trong mùa tuyển sinh năm 2022, lần đầu tiên trường Đại học Kinh tế Quốc dân triển khai phương thức xét tuyển mới đó là dựa trên điểm kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tương tự, năm nay, các trường Đại học Xây dựng, Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Thủy lợi cũng dự kiến có thêm hình thức xét tuyển dựa trên điểm bài thi năng lực tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Mạnh tay cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển truyền thống, song các trường đã bổ sung và triển khai thêm nhiều phương án khác nhằm đa dạng hóa và thể hiện tính tự chủ trong đề án tuyển sinh.

Vì sao chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm mạnh?
Ảnh minh họa

Em Nguyễn Mỹ Linh (học sinh lớp 12, Thái Bình) chia sẻ rằng ước mơ của em là vào học ĐH Kinh tế Quốc dân. “Ngôi trường này với em là niềm khao khát và ước mơ mà em ấp ủ từ rất lâu. Nếu được học ở trường chắc sẽ là thành công lớn nhất trong cuộc đời em từ trước đến giờ. Em đã gieo hi vọng đó cho đến hôm nay khi đọc đề án tuyển sinh dự kiến của trường, em thật sự bất ngờ. Trường chỉ lấy 10-15% chỉ tiêu cho kết quả thi THPT quốc gia còn lại là dành cho chứng chỉ tiếng Anh và phương thức khác”, Linh tâm sự.

Với em Nguyễn Phi Hùng (học sinh lớp 12, Hải Dương) thì việc sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức vẫn là lựa chọn hàng đầu, cùng với đó là việc xét tuyển bằng học bạ, song phương án này cũng khá bấp bênh bởi điểm phải cao mới có cơ hội.

"Việc các trường giảm mạnh tỉ lệ xét tuyển theo điểm thi THPT khiến em khá hoang mang và lo lắng vì em không có điều kiện để thi chứng chỉ tiếng Anh như nhiều học sinh ở thành phố. Vậy nên em cũng chỉ biết cố gắng hết sức và tạo thêm cơ hội cho mình bằng cách đang ký tham gia thêm kỳ thi đánh giá năng lực và bài kiểm tra tư duy", Hùng nói.

Đề cập đến vấn đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2022, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục thực hiện quyền tự chủ. Bộ khuyến cáo các trường, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung. Các đại học quốc gia, đại học vùng và các trường, nhóm trường đại học có đủ điều kiện có thể tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển và chia sẻ, hỗ trợ trường khác có nhu cầu.

Theo các chuyên gia, điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được xem là thước đo chính và phương thức xét tuyển chính của các trường đại học. Tuy nhiên, xu hướng là có dấu hiệu giảm xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp khi các trường lựa chọn nhiều phương thức xét tuyển riêng, trong đó có điểm hai kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP. HCM và ĐHQG Hà Nội tổ chức. Bên cạnh đó là các phương thức xét tuyển ưu tiên thí sinh có thành tích nổi bật về văn thể mỹ, hoạt động cộng đồng, thí sinh tài năng….

Theo đánh giá của nhiều trường, thí sinh trúng tuyển từ phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực có chất lượng đầu vào nhỉnh hơn thí sinh xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Một nguyên nhân nữa khiến việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm được cho là do hồi tháng 10/2021, Bộ GD&ĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2022, trong đó khuyến cáo các trường/ ngành có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn. Từ đây, nhiều trường đại học mạnh dạn xây dựng nhiều phương án tuyển sinh riêng, cắt giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Hoàng Thanh