Các loại hạt ăn dặm nhiều dinh dưỡng cho trẻ và những lưu ý khi chế biến
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 11:37, 08/01/2022
So với các loại thực phẩm ăn dặm thông thường cho trẻ như thịt, cá, tôm, gạo trắng, rau củ … thì việc sử dụng các loại hạt ít phổ biến hơn hoặc bắt đầu muộn hơn. Tuy nhiên theo lời khuyên của Học viện Dị ứng, Hen suyễn, Miễn dịch học Hoa Kỳ thì việc đưa các loại hạt dinh dưỡng vào chế độ ăn dặm của trẻ là rất tốt và có thể áp dụng sau 6 tháng tuổi.
Thực tế cũng đã chứng minh trong các loại hạt có chứa nhiều chất xơ, giàu axit béo có lợi như vitamin E, protein... Vì vậy, đây cũng là một trong nhưng nguồn thực phẩm hoàn hảo cung cấp dưỡng chất cho trẻ nhỏ tăng trưởng và phát triển toàn diện. Chỉ cần một chút tỉ mỉ, mẹ đưa thêm vào thực đơn của bé những loại hạt mới, theo những cách thức mới sẽ giúp đa dạng hóa bữa ăn cũng như các chất dinh dưỡng giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, tăng cân tốt hơn và hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.
# Top 4 loại hạt ăn dặm cực tốt cho trẻ
Để nêu tên các loại hạt ăn dặm tốt cho trẻ thì có rất nhiều như: yến mạch, gạo lứt, hạt diêm mạch, hạt đậu gà, hạt đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu đen, hạt chia, hạt óc chó, hạt hạnh nhân…. Tuy nhiên đứng trên phương diện các loại hạt giàu dinh dưỡng, dễ chế biến, dễ ăn và gần gũi với người Việt thì chúng ta có thể kể đến 5 loại hạt dưới đây:
1. Yến mạch
Yến mạch không chỉ được mệnh danh là “nữ hoàng của các loại ngũ cốc” mà còn là loại hạt cho bé ăn dặm tốt nhất bởi những lợi ích tuyệt vời mà nó đem lại.
Cụ thể, đối với trẻ nhỏ trong giai đoạn ăn dặm, nó là thực phẩm hữu cơ giàu dinh dưỡng cho bé. Nói một cách chi tiết hơn thì:
- Yến mạch chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giúp trẻ phát triển toàn diện về chiều cao, cân nặng và trí não.
- Trong yến mạch có nhiều chất xơ giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa mà không lo táo bón,kích thích sự thèm ăn của trẻ.
- Yến mạch được biết đến nhờ các chất chống oxy hóa giúp trẻ nâng cao sức đề kháng và sản xuất ra các tế bào của hệ miễn dịch. Bảo vệ trẻ trước sự tấn công của các loại virus, vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh đó còn ngăn ngừa nguy cơ béo phì-một trong những căn bệnh thường thấy ở trẻ em hiện nay.
Ngoài ra, loại hạt này rất nhiều chất xơ, không béo, rất ít đường, dễ tiêu hóa. Mẹ nên mua yến mạch dạng bột hoặc đã cán mỏng hay ăn liền để chúng dễ chín và hòa nhuyễn với các thực phẩm khác.
2. Gạo lứt
Gạo lứt vốn rất quen thuộc trong chế độ ăn giảm cân giữ dáng của các chị em nhưng ít người biết rằng đây cũng là loại hạt ăn dặm rất tốt cho trẻ nhỏ. Nếu chế biến và cho trẻ ăn đúng cách, gạo lứt sẽ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của bé, tăng sức đề kháng và hỗ trợ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
Trong đó có thể kể đến một số công dụng nổi bật của gạo lứt với trẻ nhỏ như:
- Tốt cho hệ tiêu hóa: trong gạo lứt chứa nhiều chất xơ hỗ trợ cho hệ tiêu hóa của bé, tránh tình trạng táo bón và các bệnh về đường ruột.
- Tăng sức đề kháng: Hàm lượng vitamin và chất khoáng trong gạo lứt giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ. Đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của bé, phát triển thể chất và trí não.
- Cung cấp năng lượng dồi dào: gạo lứt cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé hoạt động cả ngày mà không mệt mỏi.
- Ngoài ra so với gạo trắng thì gạo lứt có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn. Đặc biệt là các nguyên tố vi lượng như vitamin nhóm B, omega 3, sắt, canxi..
Theo các chuyên gia, độ tuổi 6 tháng là khoảng thời gian thích hợp cho bé ăn gạo lứt. Nếu bé được tiếp xúc sớm với gạo lứt thì hệ tiêu hóa và miễn dịch của bé sẽ rất khỏe mạnh. Lớn lên, bé cũng sẽ dễ dàng ăn xen kẽ các bữa cơm gạo lứt với cơm trắng, hoặc ăn bánh mỳ nguyên cám, rất tốt cho sức khỏe.
3. Đậu đen
Đậu đen là loại hạt dân dã, rẻ tiền nhưng rất giàu dưỡng chất như nhiều canxi, kali, protein, chất xơ, chất chống oxy hóa, chất béo có lợi, vitamin…. Không chỉ được chế biến làm nước uống giải khát hay áp dụng để chị em làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, hạt đậu đen có nhiều khoáng chất đa dạng rất cần thiết cho sự phát triển về thể chất và trí não của trẻ.
Cụ thể, những lợi ích mà hạt đậu đen đem lại đối với sức khỏe bé là :
- Hỗ trợ hệ tiêu hóa của bé : hạt đậu đen chứa nhiều hàm lượng chất xơ tự nhiên ,hạn chế tình trạng táo bón. Cùng với một số hoạt chất vi lượng khác giúp tránh các bệnh liên quan đến đường ruột.
- Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ khỏi các vi khuẩn ,virus gây bệnh.
- Củng cố hệ xương và răng chắc khỏe, phát triển toàn diện về thể chất và trí não của trẻ: các khoáng chất sắt và kẽm trong đậu đen . Góp phần cải thiện độ bền dẻo và đàn hồi cho xương, khớp.
- Cải thiện quá trình trao đổi chất trong cơ thể bé: các thành phần dinh dưỡng trong đậu đen cung cấp đầy đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể mỗi ngày.
Khi chế biến đậu đen vào thực đơn ăn dặm cho con, mẹ có thể đem nghiền nát để quấy bốt hoặc hấp chín và nghiền nhuyễn với 1 chút sữa để bé dễ ăn hơn.
4. Hạt óc chó
Hạt óc chó khá đắt đỏ nhưng nổi tiếng là một thực phẩm giúp bé thông minh, phát triển toàn diện hơn.
Cụ thể, hạt óc chó chứa nhiều năng lượng có thể tồn tại trong thời gian dài và cực kỳ có lợi trong giai đoạn đầu đời khi trẻ cần nhiều năng lượng để phát triển nhanh chóng.
Nhiều khoáng chất được tìm thấy trong quả óc chó là cần thiết cho sự phát triển tối ưu của em bé như: Nhiều canxi và magiê để phát triển xương, dồi dào chất sắt để sản xuất hemoglobin, nhiều kali và natri giúp cân bằng điện giải, phốt pho giúp tăng cường tiêu hóa, sửa chữa tế bào và tạo protein …
Mặt khác, tất cả các vitamin trong quả óc chó bao gồm A, C, E, K, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của bé. Ngay từ việc xây dựng sức mạnh của hệ thống miễn dịch, để hỗ trợ chuyển đổi glucose thành glycogen, cũng như kích thích các hoạt động trao đổi chất, các vitamin này làm được tất cả... Tuy nhiên vì hạt óc chó khá cứng nên khi cho con ăn loại hạt này mẹ phải đảm bảo chúng được xay nghiền phù hợp với độ tuổi của con để tránh hóc nghẹn cũng như dễ tiêu hóa hơn.
# Cách sử dụng các loại hạt ăn dặm cho trẻ đúng cách
Các loại hạt ăn dặm rất tốt cho trẻ nhưng để đảm bảo an toàn cũng như hấp thụ được tối đa dưỡng chất, bố mẹ cần biết cách lựa chọn và chế biến chúng phù hợp với độ tuổi của con mình.
Cụ thể, trước 6 tháng tuổi, tốt nhất bố mẹ không nên cho con ăn các loại hạt. Còn từ 6 tháng tuổi trở lên, phụ huynh có thể chế biến những loại hạt cho bé ăn dặm theo gợi ý dưới đây:
Từ 6 đến 7 tháng tuổi
Các mẹ nên cho bé ăn dặm bằng các loại bột ngũ cốc hay cháo xay nhuyễn được chế biến từ ngũ cốc nguyên hạt, không có chất béo, ít đường.
Loại ngũ cốc trong giai đoạn này chủ yếu là gạo, xay thành bột ăn dặm hoặc nấu cháo. Một số cơ sở xay sẵn bột ăn dặm cho bé sẽ cho thêm hạt sen, đậu xanh hoặc đậu tương…
Từ 8 đến 12 tháng tuổi
Hệ tiêu hóa của trẻ lúc này đã có thể thu nạp chất béo từ ngũ cốc. Nếu bát cháo của bé có thêm hạt óc chó, hạnh nhân hay macca thì bé yêu của bạn sẽ có thể ăn được nhiều hơn. Bởi các loại hạt này có hương thơm rất đặc trưng mà lại là nguồn dinh dưỡng rất dồi dào. Khi chế biến các loại hạt này, mẹ cần nghiền nhỏ hạt ra và ninh cùng gạo hoặc yến mạch, độ mịn tùy thuộc vào tuổi và khả năng ăn thô của bé.
Trẻ trên 20 tháng tuổi
Khi này các mẹ hoàn toàn có thể cho con ăn cơm hạt diêm mạch. Đây là một dạng ngũ cốc cực kỳ đặc biệt, bên trong chứa lượng protein cao, giàu canxi, sắt, magiê và tất nhiên là chất xơ. Hạt diêm mạch giúp bé tăng cường sức đề kháng, đầy đủ chất dinh dưỡng và phát triển trí não... Tuy nhiên khi đã sử dụng hạt diêm mạch thì mẹ nên giảm lượng đạm từ thịt, cá xuống nhé vì bản thân nó đã rất giàu đạm rồi.
Trẻ trên 3 tuổi
Từ 3 tuổi trở đi, mẹ có thể cho bé ăn thêm các sản phẩm từ lúa mì, lúa mạch, ngô, kê… như bánh mỳ, bánh quy… vì lúa mì, lúa mạch là những loại hạt có hàm lượng đường lớn hơn mà chỉ ở tuổi này bé mới có thể tiêu hóa tốt được.
Theo V.K - Vietnamnet