Trẻ sinh ra từ mối quan hệ cận huyết dễ mắc các bệnh đáng sợ này

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 07:30, 08/01/2022

Theo các bác sĩ, ngoài bị dị tật bẩm sinh, những đứa trẻ sinh ra từ cuộc hôn nhân cận huyết sẽ dễ mắc các bệnh: dị tật tim, xơ gan, máu khó đông, ung thư…

Công an tỉnh Long An vừa công bố kết quả giám định ADN của ông Lê Tùng Vân và những người đang sinh sống tại Tịnh thất Bồng Lai. Theo đó, ông Vân có quan hệ cha con với 11 người, lớn nhất 22 tuổi, nhỏ nhất 4 tuổi.

Kết quả điều tra ban đầu cũng xác định, ông Lê Tùng Vân có 3 con với ít nhất hai người con gái ruột của ông. Chuyện loạn luân này làm dư luận vô cùng bức xúc và đặt nhiều câu hỏi.

tinh-that-bong-lai.jpeg
Ông Lê Tùng Văn có quan hệ cận huyết với ít nhất 11 người đang sống tại Tịnh thất Bồng Lai. Ảnh: Internet.

Theo Đại tá Hà Quốc Khanh, nguyên Giám đốc Trung tâm Giám định ADN - Viện Khoa học hình sự (Bộ Công An), đối với đời sống xã hội và pháp luật, quan hệ cận huyết (loạn luân) là vô cùng nhạy cảm, phức tạp. Còn theo cách nhìn của khoa học thì có tác động đến sự phát triển thể chất và trí tuệ con người. Bởi, những đứa trẻ sinh ra từ mối quan hệ này rất dễ mắc bệnh  tan máu bẩm sinh - Thalassemia.

Theo kết quả khảo sát về tình trạng mang gen bệnh Thalassemia năm 2017, nước ta có khoảng trên 12 triệu người mang gen bệnh Thalassemia. Hiện nay có trên 20.000 người bị bệnh này cần phải điều trị cả đời. Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai.

Nguyên nhân của bệnh Thalassemia là do đột biến gen Alpha – Thalassemia trên nhiễm sắc thể số 16 và Beta – Thalassemia trên nhiễm sắc thể số 11, làm giảm hoặc mất khả năng tổng hợp chuỗi globin và bệnh được di truyền theo kiểu gen lặn trên nhiễm sắc thể thường. Theo đó, nếu một trong hai bố mẹ mang gen bệnh (đột biến) thì khả năng 50% con sinh ra mang gen bệnh và 50% con sinh ra không mang gen bệnh; nếu cả 2 bố mẹ đều mang gen bệnh, khả năng 25% con sinh ra sẽ bị bệnh, 50% con sinh ra mang gen bệnh và 25% con không mang gen bệnh.

Nhiều động vật, thực vật đã tiến hóa để tránh giao phối cận huyết

Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, hầu hết các loại động vật và một số loài thực vật đã tiến hóa để tránh giao phối cận huyết dưới bất kỳ hình thức nào. Một số loài khác, chẳng hạn như anh đào đỏ đã tiến hóa sinh hóa phức tạp để đảm bảo rằng hoa của chúng không thể được thụ tinh bởi chính chúng hoặc bởi các cá thể tương tự về mặt di truyền khác.

Đối với các động vật sống theo bầy như: sư tử, linh trưởng, chó... loại bỏ con đực non khỏi đàn để tránh giao phối cận huyết với con cái. Loại ruồi giấm cũng có cơ chế cảm nhận để tránh khả năng giao phối cận huyết trong đàn của chúng. Vì vậy, ngay cả trong các quần thể khép kín, chúng vẫn giữ được sự đa dạng di truyền hơn so với giao phối ngẫu nhiên.

anh.jpg
Biểu đố về mối quan hệ cận huyết. ảnh minh họa.

Từ trước đến nay, hôn nhân giữa anh chị em và giữa cha mẹ và con cái bị cấm trong mọi nền văn hóa nhân loại. “Tại sao các sinh vật tránh giao phối cận huyết, hay còn gọi là loạn luân? Nhìn chung, quan hệ huyết thống có tác động rất xấu đến dân số hoặc con cháu trong hôn nhân”, bác sĩ Vũ chia sẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, nhiều trẻ sinh ra từ cuộc hôn nhân cận huyết vẫn sống bình thường, nhưng dễ mắc phải các bệnh sau:
Bị dị tật bẩm sinh

Theo bác sĩ Vũ, khi thiếu sự biến đổi trong DNA có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe của con người, bao gồm tăng cơ hội mắc các bệnh di truyền hiếm gặp: bệnh bạch tạng, xơ nang, bệnh máu khó đông...

Bác sĩ Vũ cho rằng, các tác động khác của hôn nhân cận huyết bao gồm gia tăng vô sinh (ở cha mẹ và con cái), dị tật bẩm sinh như bất đối xứng trên khuôn mặt, sứt môi hoặc thấp còi khi trưởng thành, các vấn đề về tim, một số loại ung thư, nhẹ cân, tốc độ tăng trưởng chậm và tử vong ở trẻ sơ sinh.

Bị bệnh di truyền giống nhau


Bác sĩ Vũ cho rằng, quan hệ cận huyết, nguy cơ cả hai người đều mang gen khiếm khuyế rất cao. “Mỗi gia đình có khả năng có gen bệnh riêng. Khi giao phối cận huyết là cơ hội để hai người mang gen khiếm khuyết truyền hai bản sao của gen khiếm khuyết cho con cái của họ. Cuối cùng, con cái của họ có thể phát triển bệnh.

Thiếu sự biến đổi ADN, hệ thống cơ thể suy yếu

Khi bạn tham gia vào quan hệ cận huyết và có con từ mối quan hệ đó, con cái của bạn sẽ có một chuỗi ADN bất biến. Điều này có nghĩa là trẻ em có quan hệ loạn luân có một số lượng nhỏ hoặc nhiều loại alen MHC (Phức hợp Tương thích Mô Chính). Việc có giới hạn các alen MHC sẽ khiến cơ thể khó phát hiện ra nhiều loại vật chất lạ khác nhau, do đó cá thể sẽ nhanh chóng ốm hơn vì hệ thống miễn dịch của cơ thể không thể hoạt động tối ưu để chống lại các loại bệnh tật. Trẻ sẽ dễ nhiễm bệnh và lâu hồi phục hơn trẻ khác.

Phương Linh (T/H)