"Sóng gió" chờ đợi Tổng thống Biden trên mặt trận đối ngoại

Đối ngoại - Ngày đăng : 06:42, 05/01/2022

Sau kỳ nghỉ đông, Tổng thống Joe Biden sẽ trở lại Nhà Trắng và đối mặt với hàng loạt thách thức như một phép thử về năng lực chính trị, ngoại giao và quản trị vào thời điểm quan trọng trong nhiệm kỳ.

"SÓNG GIÓ" CHỜ ĐỢI TỔNG THỐNG BIDEN TRÊN MẶT TRẬN ĐỐI NGOẠI

Sau kỳ nghỉ đông, Tổng thống Joe Biden sẽ trở lại Nhà Trắng và đối mặt với hàng loạt thách thức như một phép thử về năng lực chính trị, ngoại giao và quản trị vào thời điểm quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Sóng gió chờ đợi Tổng thống Biden trên mặt trận đối ngoại - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại nhà riêng ở Wilmington, bang Delaware, Mỹ hôm 30/12/2021 (Ảnh: Reuters).

Đại dịch Covid-19 hoành hành, cuộc khủng hoảng với Nga, Trung Quốc và sự bất trắc xung quanh những vấn đề ưu tiên trong nước, tất cả đều đang chờ đợi Tổng thống Joe Biden trong năm mới 2022.

Với quyết tâm "tái thiết lập" nước Mỹ sau một loạt cuộc cạnh tranh và nhằm điều chỉnh lại kỳ vọng mà một số đồng minh của ông tin là phi thực tế, Tổng thống Biden hy vọng thời gian tới có thể tạo ra động lực cần thiết cho nước Mỹ khi một chu kỳ bầu cử khác bắt đầu vào guồng quay.

Năm 2021 được Tổng thống Biden và đội ngũ của ông xác định là năm tái thiết lại nước Mỹ sau những xáo trộn dưới thời Tổng thống Donald Trump. Năm 2021 cũng được đánh dấu bằng một loạt thách thức làm xói mòn đáng kể vị thế chính trị của Tổng thống Biden. Tỷ lệ ủng hộ dành cho nhà lãnh đạo Mỹ giảm mạnh trong mùa hè vừa qua và từ đó đến nay vẫn chưa tăng trở lại.

Năm 2022, Tổng thống Biden vẫn sẽ đối mặt với hàng loạt thách thức về đối ngoại, trong đó nổi bật các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Iran.

Trung Quốc

Sóng gió chờ đợi Tổng thống Biden trên mặt trận đối ngoại - 2

Tổng thống Joe Biden họp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng ngày 15/11/2021 (Ảnh: Reuters).

Căng thẳng Mỹ - Trung liên tục leo thang vào năm 2021 khi hai nước chỉ trích nhau cả về thương mại, quốc phòng và ngoại giao. Các chuyên gia nhận định xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài tới năm 2022.

Tại Mỹ, đảng Dân chủ và Cộng hòa đang chia rẽ sâu sắc trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, tuy nhiên cả 2 đảng đều nhất trí rằng không có chỗ cho sự mềm mỏng với Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là sẽ tiếp tục củng cố quyền lực tại Trung Quốc sau đại hội đảng vào tháng 10/2022.

"Tôi tin rằng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục trong năm 2022, bao gồm lĩnh vực nhân quyền, địa chính trị và an ninh", Wu Qiang, nhà bình luận chính trị độc lập có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định.

"Đây là một tình huống mà giới lãnh đạo của cả Trung Quốc và Mỹ đều sẵn sàng đón nhận và đã đoán trước tình hình. Tôi không nghĩ họ sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp hữu hiệu nào để giảm thiểu căng thẳng trong tình huống này, nhưng họ sẽ kiểm soát căng thẳng", ông Wu nói.

Trong năm 2022, chính quyền Tổng thống Biden được cho là sẽ tiếp tục kêu gọi các đồng minh tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh để hướng sự chú ý tới cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Sức ép từ cuộc bầu cử giữa kỳ trong nước và tỷ lệ ủng hộ có xu hướng giảm khiến chính quyền Tổng thống Biden khó hạ nhiệt cạnh tranh với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực.

Nikkei dẫn lời Đô đốc James Stavridis, tư lệnh đồng minh tối cao thứ 16 của NATO, đồng thời là hiệu trưởng thứ 12 của Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ), nhận định mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ tương đối "yên bình" vào đầu năm 2022 khi Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh bắt đầu diễn ra, vì Bắc Kinh lúc này tránh gây tranh cãi ít nhất có thể và muốn thể hiện khả năng tổ chức một sự kiện tầm cỡ quốc tế một cách suôn sẻ. Mặc dù không hài lòng với Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương, nhưng Mỹ sẽ lựa chọn hướng giải quyết mang tính "ngoại giao" nhiều hơn - nghĩa là không cử phái đoàn chính thức và chắc chắn không có Tổng thống Joe Biden tới tham dự Olympic Bắc Kinh vào tháng 2.

Tuy nhiên sau tháng 2, ngay sau khi những chiếc huy chương cuối cùng được trao, mọi thứ sẽ bắt đầu nóng lên. Cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ chiếm vị trí trung tâm trên hai khía cạnh chính, bao gồm một cuộc chạy đua vũ trang công nghệ dẫn đến hậu quả nặng nề, cùng với các động thái ngoại giao mới của cả Washington và Bắc Kinh.

Về phía Mỹ, trong năm 2022, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ có những nỗ lực đáng kể trong việc phát triển các công nghệ và hệ thống quân sự mới để ngăn chặn Trung Quốc, đồng thời chống lại các mối đe dọa từ quân đội Trung Quốc.

Đứng đầu danh sách ưu tiên trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc của Mỹ là phát triển vũ khí siêu thanh chất lượng cao và các hệ thống phòng thủ. Mỹ cũng sẽ nỗ lực tăng cường khả năng tấn công mạng vốn đã đáng gờm của mình. Nếu được triển khai sớm trong một cuộc xung đột, vũ khí này có thể rất hiệu quả.

Về không gian vũ trụ, lĩnh vực Mỹ có lợi thế trước Trung Quốc, Washington sẽ đảm bảo Lực lượng Không gian Vũ trụ Mỹ có đủ nguồn lực mạnh mẽ để duy trì vị trí dẫn đầu. Lầu Năm Góc đã phát tín hiệu cho thấy sự gia tăng đáng kể về ngân sách trong lĩnh vực này trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Chính quyền Tổng thống Biden sẽ tiếp tục xây dựng hợp tác an ninh Bộ Tứ, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Mỹ cũng sẽ tăng cường chú trọng vào các lực lượng quân sự trên khắp châu Á, đặc biệt là lực lượng không quân, lực lượng đặc nhiệm thủy quân lục chiến có khả năng triển khai nhanh và các trung tâm hậu cần.

Mỹ cũng sẽ cố gắng khuyến khích các quốc gia khác trong khu vực tham gia cùng Bộ Tứ, đặc biệt là Singapore và Hàn Quốc. Mỹ cũng sẽ tận dụng các mối quan hệ bền chặt của mình ở châu Âu, đặc biệt là trong liên minh NATO, để khuyến khích của Anh, Pháp, Đức và các đồng minh ngoài khu vực triển khai hoạt động ở Biển Đông.

Theo DW, trong vấn đề Biển Đông, chính quyền Tổng thống Biden và các đồng minh sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trong năm 2022, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Bắc Kinh chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển hải quân để bảo vệ các lợi ích của mình, nhưng một cuộc xung đột hải quân là điều mà cả Mỹ và Trung Quốc đều tránh.

Năm 2021, Mỹ khiến Trung Quốc nhiều lần "nóng mặt" khi đưa các nhóm nghị sĩ và quan chức tới Đài Loan, đồng thời bày tỏ ủng hộ chính quyền của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn. Khi căng thẳng leo thang ở eo biển Đài Loan, một số chuyên gia lo ngại khả năng xảy ra xung đột vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị cho đại hội đảng quan trọng, Bắc Kinh muốn duy trì sự ổn định nhiều hơn và khả năng xảy ra xung đột rất thấp.

Chính quyền Tổng thống Biden được dự đoán sẽ duy trì nỗ lực nhằm cô lập công nghệ Trung Quốc với phần còn lại của thế giới trong năm 2022. Theo đó, Washington không ngừng gây khó khăn cho các công ty Trung Quốc trong việc mua lại phần cứng quan trọng do Mỹ sản xuất.

"Mỹ mới bắt đầu thực hiện các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn đối với việc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc và sẽ có nhiều động thái nữa được thực hiện vào năm 2022", Bonnie Glaser, giám đốc chương trình châu Á tại Quỹ Marshall Đức của Mỹ, nhận định.

Trên cả khía cạnh công nghệ quân sự và ngoại giao, hai siêu cường sẽ cạnh tranh gay gắt. Nhà Trắng dự định đưa ra Chiến lược Trung Quốc, một văn bản được chờ đợi từ lâu, vào đầu năm mới. Cả hai bên đều muốn tránh một cuộc chiến tranh nóng trong khi vẫn tìm cách đảm bảo lợi thế của mình. Tuy nhiên, với sự ràng buộc về cạnh tranh, khả năng xảy ra tính toán sai lầm sẽ tăng lên. Năm 2022 thực sự có thể là một năm đầy thách thức ở Đông Á.

Vào tháng 11/2021, ông Biden và ông Tập Cận Bình đã hội đàm qua điện thoại, trong đó hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ kiểm soát cạnh tranh trong tương lai. Tuy nhiên, các nhà quan sát vẫn hoài nghi về triển vọng Mỹ - Trung hợp tác với nhau để giải quyết những bất đồng một cách thân thiện.

"Tôi nghĩ sự hạ nhiệt căng thẳng về kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể chỉ là tạm thời và đối đầu vẫn là chủ đạo", Shen Ling, nhà kinh tế học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Đông, cho biết.

Triều Tiên

Sóng gió chờ đợi Tổng thống Biden trên mặt trận đối ngoại - 3

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại hội nghị toàn thể lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên hôm 28/12/2021 (Ảnh: Yonhap).

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho đến nay vẫn tương đối "im hơi lặng tiếng" trong mối quan hệ đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden. Những lời đe dọa và các vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Biden vẫn nhẹ nhàng hơn so với thời điểm Tổng thống Donald Trump mới lên nắm quyền. Tuy nhiên, một Triều Tiên "kín tiếng" hơn không có nghĩa là trở nên ít "nguy hiểm" hơn. Thậm chí theo nhà phân tích Dave Lawler của Axios, ông Biden có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng Triều Tiên "trong vài tháng tới".

Theo Bruce Klingner, cựu quan chức Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và là chuyên gia cấp cao tại Quỹ Di sản, ông Kim Jong-un có thể in đậm dấu ấn trong chương trình nghị sự của Tổng thống Biden vào năm 2022 với động thái khiêu khích, hoặc một cuộc "tấn công quyến rũ", hoặc kết hợp cả hai. Điều này có khả năng xảy ra trước cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào tháng 3.

Các quan chức chính quyền Tổng thống Biden cho biết họ đã đề xuất các cuộc đối thoại, nhưng Triều Tiên tỏ ra không mặn mà. Triều Tiên đã tiến hành các vụ thử tên lửa vào năm 2021, nhưng không đến mức dấy lên cảnh báo toàn cầu. Chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn chưa thử vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa kể từ năm 2017, nhưng Bình Nhưỡng đã phô diễn các tên lửa tiên tiến mới tại một cuộc duyệt binh vào tháng 1 năm ngoái.

Trong bối cảnh Triều Tiên từ chối các động thái ngoại giao nhưng vẫn hạn chế các hành động khiêu khích, chính quyền Tổng thống Biden về cơ bản vẫn đang ở trạng thái "án binh bất động", nghe ngóng chờ phản ứng từ Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Tổng thống sắp mãn nhiệm của Hàn Quốc Moon Jae-in chủ yếu "đặt cược" nhiệm kỳ tổng thống của mình vào việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên và mong muốn để lại di sản to lớn trước khi rời nhiệm sở. Ông Moon Jae-in đang thúc đẩy một tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng chưa đồng ý, trong khi chính quyền Tổng thống Biden tỏ ra thờ ơ với đề xuất này.

"Chúng ta có thể chứng kiến động thái bất ngờ (của Triều Tiên) vào tháng 2 hoặc tháng 3, ngay trước cuộc bầu cử ở Hàn Quốc, nếu ông Kim Jong-un muốn tăng khả năng một lãnh đạo cấp tiến của Hàn Quốc kế nhiệm ông Moon Jae-in", chuyên gia Klingner dự đoán.

Theo ông Klingner, động thái bất ngờ của Triều Tiên có thể là một hội nghị thượng đỉnh bên lề Thế vận hội Bắc Kinh vào tháng 2 giữa ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in, hoặc một cuộc gặp 3 bên giữa các nhà lãnh đạo Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc, nhưng không có Mỹ.

Tổng thống Biden không có kế hoạch gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un như cách cựu Tổng thống Trump từng làm. Trước những thách thức trong việc đối phó với Trung Quốc, Nga và Iran, ông Biden có lẽ không muốn đối mặt thêm bất kỳ thách thức nào từ Triều Tiên. Tuy nhiên, cách tiếp cận lâu nay của Triều Tiên cho thấy sự im lặng của nước này với Mỹ sẽ không kéo dài mãi mãi.

Nga

Sóng gió chờ đợi Tổng thống Biden trên mặt trận đối ngoại - 4

Tổng thống Joe Biden và các quan chức Mỹ trong cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Putin ở Nhà Trắng vào ngày 7/12/2021 (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Biden đã có chiến lược ngoại giao được đánh giá là khôn khéo trong năm đầu nắm quyền tại Nhà Trắng. Tuyên bố "Nước Mỹ đã trở lại", ông Biden đã xoa dịu các đồng minh sau những lời hăm dọa và động thái cứng rắn của người tiền nhiệm Donald Trump. Một mặt, ông Biden thuyết phục các chính phủ phương Tây đưa ra gói trừng phạt mạnh tay với Nga để "nắn gân" Moscow trong vấn đề Ukraine, mặt khác, ông đề xuất các cuộc đàm phán an ninh với Nga nhằm hướng tới giải pháp giảm bớt căng thẳng về lâu dài.

Cho đến nay, "chiến công" ngoại giao mạnh mẽ nhất của chính quyền Tổng thống Biden là tìm cách thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin rút hàng chục nghìn quân ở khu vực "sát sườn" Ukraine. Nhà Trắng cho biết các quan chức Mỹ và Nga sẽ gặp nhau vào ngày 10/1, trong khi các quan chức Mỹ, Nga và NATO cũng sẽ liên lạc với nhau trong những ngày tới. Nga đang đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp tiếp theo giữa hai Tổng thống Biden - Putin, một "vũ điệu ngoại giao" gợi nhắc lại những tình huống "xuống thang" căng thẳng giữa Nga và Mỹ thời Chiến tranh Lạnh. Chỉ riêng trong năm 2021, 2 nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã tổ chức 2 hội nghị thượng đỉnh để tháo gỡ căng thẳng trong bối cảnh quan hệ song phương được cho là đang xuống mức thấp nhất từ sau Chiến tranh Lạnh.

Cùng với đại dịch Covid-19 và những bất ổn xung quanh các vấn đề ưu tiên trong nước, cuộc khủng hoảng liên quan đến Nga sẽ chờ đón Tổng thống Biden trong năm 2022.

Tổng thống Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Putin hôm 30/12, với hy vọng xoa dịu cuộc khủng hoảng ở biên giới Ukraine. Cuộc trao đổi không làm rõ việc liệu Nga có kế hoạch hành động quân sự với Ukraine như phương Tây lo ngại hay không. Tổng thống Biden, người đã dành những ngày trước đó để trao đổi với ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia qua điện thoại, hy vọng các cuộc đàm phán ngoại giao vào đầu tháng 1 ở châu Âu có thể giúp xoa dịu tình hình.

Theo CNN, sự bế tắc ở Ukraine là cơ hội để Tổng thống Biden khôi phục uy tín chính sách đối ngoại, vốn bị tổn hại bởi cuộc rút quân hỗn loạn và chết chóc khỏi Afghanistan vào mùa hè năm ngoái, đồng thời khiến các đồng minh của Mỹ tức giận và hoài nghi về sự nhạy bén ngoại giao của ông chủ Nhà Trắng.

Cũng trong cuộc điện đàm mới nhất, Tổng thống Putin đã cảnh báo người đồng cấp Mỹ rằng các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây nhằm vào Moscow có thể phá vỡ quan hệ Nga - Mỹ và đây là một sai lầm lớn. Cố vấn Điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết, Tổng thống Biden dường như đồng ý rằng Nga cần có sự bảo đảm an ninh từ phương Tây và ông Biden cũng nghiêm túc về các cuộc đàm phán với Moscow, ngay cả khi hai nước còn tồn tại mâu thuẫn và vẫn chưa đạt được sự thỏa hiệp như mong muốn. Nga cho đến nay vẫn mong muốn nhận được sự bảo đảm về an ninh và ràng buộc về pháp lý từ liên minh quân sự NATO đối với các hoạt động mở rộng quân sự và triển khai vũ khí của khối này ở gần Nga.

Tổng thống Biden ngày 2/1 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Biden đã tuyên bố Mỹ và đồng minh sẽ phản ứng "quyết liệt" nếu Nga có hành động quân sự với Ukraine. Ngoài ra, ông Biden cũng cam kết ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Giới chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden đã nhấn mạnh hai khía cạnh trong chiến lược đối với Nga, bao gồm ngoại giao và răn đe. Một mặt, ông Biden vẫn sẽ duy trì đối thoại với Nga và kết nối với Tổng thống Putin, mặt khác Mỹ cũng ủng hộ đồng minh NATO và tăng cường năng lực phòng vệ cho Ukraine. Đây được cho là cách tiếp cận của Mỹ với Nga trong năm 2022.

Iran

Sóng gió chờ đợi Tổng thống Biden trên mặt trận đối ngoại - 5

Nhiều người tập trung tại thủ đô Tehran, Iran hôm 3/1 để dự lễ kỷ niệm 2 năm ngày tướng Qassem Soleimani, chỉ huy quân sự cấp cao của Iran bị sát hại (Ảnh: Reuters).

Ngày 3/1 vừa qua, 2 năm sau khi Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và là nhân vật quyền lực thứ 2 tại Iran, bị sát hại trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ, Tổng thống Iran tuyên bố sẽ trả thù cựu Tổng thống Donald Trump nếu ông Trump không bị xét xử vì đã ra lệnh hạ sát tướng Soleimani. Điều này cho thấy căng thẳng giữa Iran và Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Sau một năm Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, Iran vẫn được xem là một trong những vấn đề "nóng" trong chương trình nghị sự của ông vào năm mới.

Để đáp trả việc Tướng Soleimani bị sát hại, Iran đã phóng một loạt tên lửa đạn đạo vào căn cứ không quân Al Asad ở Iraq, khiến hơn 100 lính Mỹ bị tổn thương não. Sau vụ tấn công nhằm vào Tướng Soleimani, dân quân Iran tiếp tục tấn công các căn cứ của Mỹ tại Iraq, trong khi các nhà khoa học Iran tiếp tục lắp đặt các máy ly tâm tiên tiến hơn trong các cơ sở hạt nhân của nước này.

Khi Tổng thống Biden nhậm chức, sự leo thang của Iran càng trở nên rõ rệt hơn. Mặc dù ông Biden đã đề xuất dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế do người tiền nhiệm áp đặt nếu Iran quay trở lại mức giới hạn làm giàu uranium theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran vẫn đang đẩy mạnh làm giàu uranium.

Theo Bloomberg, đối mặt với sự leo thang này, chính quyền Tổng thống Biden đã cố gắng duy trì sự cân bằng cẩn trọng với Iran. Một mặt, ông Biden tiếp tục đánh tiếng hợp tác ngoại giao mặc dù các nhà ngoại giao của Iran không mặn mà gặp gỡ phía Mỹ. Washington cũng đã nới lỏng một số lệnh trừng phạt, dẫn đến việc gia tăng xuất khẩu dầu của Iran. Mặt khác, ông Biden đã ra lệnh tấn công tên lửa nhằm vào các căn cứ dân quân do Iran hậu thuẫn để đáp trả các cuộc tấn công. Các nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Biden có thể sẽ thể hiện rõ với Iran quyết tâm của Mỹ trong việc sử dụng biện pháp cứng rắn nếu các lệnh trừng phạt về kinh tế không đủ hiệu quả.

Thành Đạt

Tổng hợp