Vội vàng vào viện thăm vợ đẻ nhưng vừa tới nơi nghe cô nói chuyện với y tá mà chồng tái mặt

Gia đình - Ngày đăng : 07:55, 29/12/2021

Em sinh lúc 11h mà tới 6h tối chồng mới gọi lại. Thật sự khi nhìn thấy cuộc gọi của chồng, em chán không muốn nghe...", người vợ kể.

Phụ nữ kết hôn luôn mong chồng sẽ là điểm tựa vững chắc để cô ấy có thể dựa lưng, nắm tay sánh bước 1 đời. Nhất là khi sinh nở, sự hiện diện của chồng chính là động lực để họ vượt qua "cửa tử".

Vậy nhưng lấy phải người đàn ông vô tâm, cô vợ trẻ có tên facebook N.T đã vào mạng xã hội chia sẻ câu chuyện của mình với nội dung như sau:

"Chồng em ham việc, lúc nào anh ấy cũng chỉ cắm cúi vào máy tính với sổ sách. Sau cưới tuy 2 đứa kế hoạch bảo để dành thời gian son dỗi đi du lịch đây đó nhưng cuối cùng anh ấy cứ mải công việc, sáng nào cũng đi sớm, tối thì có khi 7, 8 giờ mới về. Hôm nào mà có thời gian thì lại hẹn bạn bè bia bọt hoặc đá bóng, cầu lông. Nói chung thời gian biểu của anh ấy không có quỹ thời gian nào dành cho gia đình. Không những thế, việc nhà cửa anh ấy cũng phó thác hết cho vợ. Em nói thì anh bảo: 'Cái quan trọng nhất là tiền thì anh đã kiếm đủ cho em chi tiêu. Em còn muốn thế nào nữa'…".

Vội vàng vào viện thăm vợ đẻ nhưng vừa tới nơi nghe cô nói chuyện với y tá mà chồng tái mặt-1
Bài chia sẻ của người vợ

T. tâm sự rằng, ban đầu cô tính sẽ kế hoạch 2 năm nhưng thấy chồng cứ vô tâm, thờ ơ với gia đình nên cô quyết định đẻ sau cưới 1 năm. T. kể, cô hi vọng khi làm bố rồi chồng cô sẽ sống có trách nhiệm với gia đình hơn. Tuy nhiên, thực tế lại khiến cô càng thêm thất vọng.

T. kể: "Khi em báo có bầu, chồng cũng mừng lắm. Vậy nhưng anh mừng thì mừng chứ cũng chẳng để ý, chăm sóc vợ. 4 tháng đầu em ốm nghén khổ sở, chồng cũng mặc kệ chẳng nấu đỡ dù chỉ 1 bữa cơm.

Sáng hôm ấy em thấy hơi đau tức bụng dưới nên giục chồng đưa vào viện vì cũng cận sát ngày dự kiến sinh rồi. Sợ con ra sớm nên em cũng cuống. Thế mà chồng em mặt tỉnh bơ bảo: 'Nay anh hẹn đối tác đi câu, bàn hợp đồng mới. Em đau bụng thì tự bắt xe vào viện khám, có phải trẻ con nữa đâu mà lúc nào cũng phải có người áp sát'.

Em đành gọi taxi vào viện, cuối cùng tới nơi tử cung đã mở 5 phân, bác sỹ chỉ định nhập viện cho sinh luôn mà gọi cỡ nào chồng em cũng không nghe máy. May sao có mẹ đẻ em chạy vào kịp để đón đầu cháu.

Em sinh lúc 11h mà tới 6h tối chồng mới gọi lại. Thật sự khi nhìn thấy cuộc gọi của chồng, em chán không muốn nghe. Sau mẹ đẻ em bắt máy báo thì anh mới vội vàng chạy vào viện. Đúng lúc y tá tới phòng em hỏi thêm thông tin của sản phụ để làm giấy chứng sinh thì chồng em tới cửa. Em nhìn vậy cố tình nói thật to: 'Em là mẹ đơn thân…".

Chồng em nghe thấy mặt sững sờ. Đợi cô y tá đi ra anh ấy chạy vào trợn mắt hỏi vợ: 'Em ăn nói, đùa cợt kiểu gì thế? Tại sao lại nói em là mẹ đơn thân. Thế hóa ra em bảo con anh không có bố à?'.

Khi ấy em mới nói lại: 'Em không hề đùa cợt. Bản thân em thấy mình tuy có chồng nhưng lại sống như mẹ đơn thân nên mới nói với y tá như thế. Anh tính xem, từ lúc em bầu bí tới khi lên bàn sinh, anh có ở cạnh chăm sóc vợ được ngày nào. Đi khám thai em cũng đi 1 mình, lúc đẻ cũng chỉ 1 mình trong khi những người khác đều có chồng ở bên, họ dìu vợ đi đẻ, đón tay khi con chào đời. Thử hỏi ở những thời khắc quan trọng mà mẹ con em cần anh nhất thì anh ở đâu.

Em có chồng như không thì khác gì làm mẹ đơn thân. Con em cần 1 người bố thực sự chứ không cần cái họ trên giấy tờ, em cũng như vậy. Em cần 1 người chồng theo đúng nghĩa, còn không thì khỏi…'.

Nghe vợ nói tới mức ấy rồi chồng em mới nghệt mặt ra. Cũng biết mình đã sai nên sau đó anh xuống giọng nhận sai, xin lỗi vợ".

Tâm sự của người vợ trẻ nhận được sự đồng cảm của rất nhiều chị em phụ nữ. Bởi khi kết hôn, chị em luôn mong được bạn đời ở bên trong những phút giây quan trọng, để họ cảm nhận được mình có điểm tựa, không cô độc trong tổ ấm của mình. Với phụ nữ, sự quan tâm động viên của chồng có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều so với tiền bạc, mong rằng các anh chồng đều hiểu để sát cánh, kề bên vợ những khi họ cần.

Theo Pháp luật và bạn đọc