Hà Nội dừng bán ăn uống tại chỗ ở nhiều quận, phường: Cần cân bằng giữa chống dịch và cuộc sống người dân

Tin Y tế - Ngày đăng : 10:09, 22/12/2021

Trước tình trạng số ca mắc COVID-19 tại TP.Hà Nội gia tăng, nhiều quận, phường trung tâm đã dừng bán hàng tại chỗ. Các chuyên gia y tế cho rằng, việc thay đổi biện pháp chống dịch cần bám sát Nghị quyết 128, tránh gây xáo trộn hoặc ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Hà Nội chưa có phương án phong toả diện rộng

Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 (F0) trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục tăng cao, trong đó có hàng trăm ca mắc trong cộng đồng. Riêng ngày 20.12, toàn thành phố ghi nhận tổng số 1.641 ca. Các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp ứng phó, nhằm giảm số ca tăng nặng và số người tử vong.

Về công tác điều trị, Sở Y tế Hà Nội cho biết, kể từ năm 2020 đến nay, đã có 26.951 lượt bệnh nhân được điều trị, trong đó 16.127 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Hiện tại có 14.596 ca bệnh dương tính đang được điều trị, trong đó 9.895 ca được điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung; 5061 người đang cách ly điều trị tại nhà. Trong đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị 82 ca, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị 178 ca; 29 bệnh viện của Hà Nội điều trị cho 2.076 ca; các cơ sở thu dung điều trị là 2.760 ca; trạm y tế lưu động có 4.436 ca. Số bệnh nhân chuyển tầng điều trị là 165, tổng số bệnh nhân chuyển viện là 1.467 người.

Hiện tại, các hoạt động phòng chống dịch như giám sát người về từ các tỉnh, thành phố trong cả nước; điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc gần; xét nghiệm; tiếp nhận và điều trị cách ly tại bệnh viện các trường hợp F0, cách ly điều trị tại nhà và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vẫn đang được ngành y tế tích cực triển khai.

Là địa bàn có cấp độ dịch ở mức 3 (vùng cam), quận Ðống Ða đã kích hoạt các trạm y tế lưu động để chăm sóc, điều trị kịp thời cho F0. Phó Chủ tịch UBND quận Trịnh Hữu Tuấn cho biết, quận đã đưa vào vận hành cơ sở thu dung, điều trị F0 thể nhẹ với quy mô 600 giường tại khu ký túc xá Trường Đại học Thủy Lợi, thu dung hơn 150 người bệnh thể nhẹ hoặc không triệu chứng.

Tại quận Hai Bà Trưng, địa bàn vừa được đánh giá cấp độ dịch cũng ở mức 3, từ ngày 14.12, quận đã đưa vào hoạt động cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ hoặc không triệu chứng với quy mô 250 giường tại khu ký túc xá Trường Đại học Xây dựng. Ðến ngày 20.12, cơ sở đã thu dung điều trị 110 bệnh nhân, trong đó có ba người nước ngoài.

Nói về việc số ca COVID-19 vẫn tiếp tục gia tăng, lãnh đạo CDC Hà Nội nhận định, một trong những nguyên nhân khiến F0 gia tăng “kỷ lục” là do bộ phận người dân chưa thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Nhiều người dân chưa thực sự tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, vẫn thường xuyên tụ tập đông người. Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng nhấn mạnh, trong tình hình mới, Hà Nội luôn bám sát theo chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19. Theo đó, thành phố sẽ có các biện pháp chống dịch COVID-19 phù hợp với từng cấp độ dịch cụ thể. Mặc dù số F0 tăng nhưng Thủ đô sẽ không giãn cách diện rộng như trước đây.

Điều này trước đó cũng được Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ tại hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội diễn ra ngày 15.12. Ông cho biết hiện tại, thành phố chưa có phương án phong tỏa diện rộng vì tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát, đặc biệt là khi mức độ tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 đủ 2 mũi đã khá cao. Các quận, huyện, thị xã sẽ thực hiện các biện pháp theo Nghị quyết số 128-NQ/CP của Chính phủ bảo đảm linh hoạt theo diễn biến của dịch và từng địa bàn cụ thể.

Bám sát nghị quyết 128, không để ảnh hưởng tới cuộc sống người dân

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong 2 tuần qua, quận Đống Đa, Hai Bà Trưng và 5 phường quận Hoàn Kiếm đã dừng các hoạt động không thiết yếu, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang về.

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, thành phố cần tập trung vào công tác điều trị, sẵn sàng cho kịch bản dịch còn gia tăng hơn nữa. Ông cho rằng, người dân không nên quá lo lắng về số ca mắc. Quan tâm chính lúc này là tập trung vào việc làm sao phát hiện người chuyển nặng và điều trị để giảm tỉ lệ tử vong. Trong đó, dù số ca mắc có tăng nhưng Hà Nội cần chống dịch theo cách mới, bám sát Nghị quyết 128 của Chính phủ. Việc phong toả, dừng tất cả các hoạt động đã là cách làm cũ, không thực sự hiệu quả nên đến thời điểm này sẽ không hiệu quả.

Chuyên gia y tế cho rằng, Hà Nội cần thực hiện các quy định phòng chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, các hoạt động đảm bảo phòng dịch cần để tiếp tục hoạt động, tránh ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Bởi theo Nghị quyết 128, ở những địa phương cấp độ 3 - nguy cơ cao thì các hoạt động hoạt động kinh doanh ăn, uống vấn được hoạt động.

Bởi trong 2 năm qua, hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bệnh. Cả năm nay gần như không thể hoạt động, việc thực hiện thích ứng an toàn sẽ giúp người dân “gỡ gạc” dịp cuối năm.

Trước việc Hà Nội quy định đóng cửa nhà hàng, quán ăn trước 21h, ông Nguyễn Việt Hùng nêu rõ việc dịch lây nhiễm rộng hay không là phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân người dân chứ không phụ thuộc vào thời gian ban ngày hay ban đêm.

“Chúng ta hạn chế thời gian, khống chế hàng quán chỉ được hoạt động trước 21h hằng ngày thì người dân sẽ tập trung ăn uống, mua sắm... đông hơn vào trước khung giờ cấm, từ đó vô hình chung làm tăng khả năng tiếp xúc và tăng nguy cơ lây nhiễm. Mức độ tập trung sẽ giảm nếu ta bỏ quy định cấm sau 21h”, ông Hùng phân tích.

Là địa phương có 5 phường “nguy cơ cao”, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, việc đánh giá cấp độ dịch theo từng tuần và quận sẽ có những điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp để thích ứng an toàn. Nếu ngay trong tuần tiếp theo khi đánh giá lại cấp độ dịch, những phường này về cấp độ 2 thì hàng quán sẽ tiếp tục được phục vụ tại chỗ. Việc điều chỉnh sẽ giúp không để ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Hà Nội đã huy động sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến Trung ương và y tế tư nhân

Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế cho biết, Hà Nội hiện vẫn đang chủ động trong công tác phòng chống dịch, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, thách thức như lực lượng y tế còn mỏng, yếu tại tuyến y tế cơ sở. Để gỡ khó, thành phố đã huy động sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến Trung ương và y tế tư nhân. Bên cạnh đó, ý thức phòng chống dịch COVID-19 của một số cơ quan, đơn vị, người dân còn chưa cao. Các phường xa, quận huyện đã thành lập gần 600 trạm y tế lưu động để quản lý, chăm sóc F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà và các tuyến cơ sở.

Trong thời gian cuối năm, người dân đi lại và giao dịch nhiều hơn, việc kiểm soát dịch bệnh cũng sẽ phức tạp hơn, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP đã có khuyến cáo và tính đến những giải pháp nghiêm ngặt hơn để phòng chống dịch.


Phạm Đông