Bỗng dưng thành… con nợ!

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 12:29, 16/12/2021

Không hề vay mượn tiền qua app nhưng anh V.T.T bỗng dưng trở thành con nợ của một app vay tiền và thường xuyên bị khủng bố đòi nợ cả gia đình, người thân.

Vợ con anh sau nhiều lần bị đe dọa, khủng bố đã không chịu đựng được phải ôm con về quê trốn tránh.

Cuộc truy tìm chủ nhân tài khoản vay nợ

Gửi đơn cầu cứu đến Chuyên đề ANTG của Báo CAND, anh V.T.T, trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai bức xúc cho biết, hơn tháng nay vợ chồng anh liên tục phải chặn tin nhắn, điện thoại, facebook của người lạ vì liên tục bị khủng bố đòi tiền trong khi anh T. chưa bao giờ vay tiền qua bất cứ một app cho vay nào. Cuộc sống của gia đình anh bị đảo lộn khi anh chị liên tục bị gửi thông tin bôi nhọ là lừa đảo, vay nợ không chịu trả.

Bỗng dưng thành… con nợ! -0
Anh V.T.T. từ năm 2018 bị đánh cắp tài khoản và bôi nhọ trên mạng xã hội.

Các đối tượng đòi nợ còn thường xuyên gọi điện đến công ty của vợ chồng anh để dọa dẫm khiến vợ anh liên tục phải xin nghỉ việc và có nguy cơ bị đuổi việc vì các đối tượng dọa cả giám đốc của chị. Đỉnh điểm, các đối tượng nhắn tin đe dọa anh chị giữ cô con gái cẩn thận. Lo sợ cho sự an toàn của con gái, vợ anh xin tạm nghỉ việc để đưa cả hai con về quê lánh nạn.

Theo đơn tố cáo của anh T., chiều 7-10-2021 vợ anh là chị N.T.D nhận được một “hợp đồng dịch vụ cầm đồ” với định dạng là PDF của một người xưng là Công ty TNHH Dịch vụ P.L.T (bên cho vay nợ) gửi qua ứng dụng Zalo và thông báo cho anh T.

Sau đó người này spam tin với nội dung anh T. đang vay nợ và truy tìm anh T. qua rất nhiều người thân và bạn bè cũng như đồng nghiệp của anh trên Zalo. Sau đó thì mọi chuyện lắng xuống.

Sáng 8-11-2021, anh T. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ hỏi có phải anh là V.T.T hay không. Sau khi anh T. xác nhận là đúng thì người gọi xưng là bên đòi nợ thuê và yêu cầu anh trả nợ. Anh T. nói là không hề vay thì họ bảo anh ra ngân hàng MB bank sao kê xem có nhận được tiền từ công ty hay không. Khoảng 13 giờ 35 phút cùng ngày, anh đã ra ngân hàng yêu cầu sao kê nhưng anh không có số tài khoản như trong hợp đồng. Tuy nhiên khi anh nhờ ngân hàng kiểm tra kỹ thì nhập số tài khoản trong hợp đồng vẫn thấy hiện ra tên chủ tài khoản là tên của anh.

Bỗng dưng thành… con nợ! -0
Ảnh vợ chồng anh T. bị bôi nhọ trên mạng xã hội.

Sau một thời gian trao đổi với bộ phận kỹ thuật của ngân hàng thì anh được trả lời là số tài khoản thuộc ngân hàng MB, Viettel Pay liên kết với ngân hàng đã cung cấp dịch vụ sử dụng tài khoản qua app cho khách hàng và yêu cầu anh T. ra Viettel Pay để hỏi. Khi anh T. đến Viettel Pay yêu cầu tra soát thì số điện thoại trong hợp đồng dịch vụ cầm đồ (không phải số điện thoại của anh T.) đúng là số được dùng để đăng ký tài khoản Viettel Pay tên tài khoản có tên là V.T.T nhưng chưa được định danh.

Anh T. có hỏi lý do “Tại sao chưa được định danh mà vẫn nhận tiền và rút tiền được” thì được trả lời rằng có thể chuyển đi nếu Viettel Pay đã liên kết với ngân hàng bất kỳ. “Tôi yêu cầu cung cấp sao kê thì họ nói do chưa định danh nên không xem được lịch sử giao dịch và hướng dẫn tôi gọi lên tổng đài để khiếu nại. Nhưng khi tôi gọi lên tổng đài thì được trả lời là phải chính chủ số điện thoại đăng ký số tài khoản đó gọi thì mới cung cấp. Tôi mang toàn bộ thông tin nói với bên đòi nợ nhưng họ không tin và nói là hồ sơ có thông tin trùng với tên tôi thì tôi phải trả, dù tôi có bị oan hay xui thì tôi cũng phải trả, cùng lắm họ thương lượng với công ty cho giảm lãi. Nhưng tôi không thể trả vì thực sự tôi không phải người vay”, anh T. cho biết.

Những ngày sau đó, anh T. và người đòi nợ thuê đã trao đổi với nhau trên Zalo chat cũng như gọi điện trao đổi trực tiếp. Cuối cùng bên đòi nợ thuê đã dùng mọi thủ đoạn để tấn công nơi làm việc của vợ anh, tạo banner bôi nhọ rằng anh đang nợ họ 100 triệu gửi cho nhiều người, rồi tấn công fanpage nơi vợ anh làm việc và cũng là admin của fanpage đó, hiện đang tạm thời bị cấm quản lý và có khả năng bị đuổi việc.

Ngày 9-11-2021, bên đòi nợ đã dùng rất nhiều số điện thoại lạ gọi điện tấn công vợ anh cũng như nhắn tin đe dọa đến sự an toàn của cả gia đình anh. “Xâu chuỗi thông tin, tôi cho rằng khả năng có đối tượng giả mạo tôi vay tiền thành công. Vì bên đòi nợ thuê nói tôi đã vay nhiều lần thì mới được vay lên đến 9 triệu đồng một lần như vậy. Tổng số tiền những lần vay đã lên tới 100 triệu đồng, vậy nên bên cho vay dùng mọi cách để thu hồi nợ. Và tôi nhận thấy họ đã sử dụng hình ảnh trái phép tôi cầm CMND từ năm 2018 (khi ấy tôi có tham gia một chương trình nhận thưởng coin trên mạng) để bôi nhọ tôi. Ngày 20-1-2020, tôi đã đổi từ CMND sang CCCD mới và được Công an quận cắt góc CMND cũ ngay ngày hôm ấy. Trong khi hồ sơ vay lại từ 2-12-2020 và sử dụng CMND cũ đã cắt góc của tôi”, anh T. bức xúc cho biết.

Phóng viên đã liên hệ trao đổi với Ngân hàng MB và Viettel Pay về vụ việc trên và được biết, anh V.T.T có tài khoản tại ngân hàng MB. Tài khoản Viettel Pay cũng đăng kí bằng số CMT của anh V.T.T. Còn tài khoản bị gán nợ cũng tên V.T.T. nhưng lại là số CMT của người khác. Bởi vậy, MB Bank không liên quan đến sự việc trên. Tuy nhiên, MB Bank cũng đã gửi công văn cho anh V.T.T và hướng dẫn anh T. làm đơn khởi kiện bên đòi nợ.

Bỗng dưng thành… con nợ! -0
Tin nhắn đối tượng đòi nợ đe dọa gia đình anh T.

Đại diện Viettel Pay cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh của khách hàng V.T.T, Viettel Pay cũng đã phối hợp rà soát và nhận thấy thông tin trong hợp đồng dịch vụ cầm đồ do khách hàng cung cấp (Số CMND, Ngày/tháng/năm sinh...) không trùng khớp với thông tin của khách hàng đang sử dụng tài khoản Viettel Pay. Nên Viettel Pay cũng nghi ngờ có đối tượng nào đó giả hồ sơ giấy tờ khách hàng V.T.T. để thực hiện hợp đồng vay với Công ty TNHH Dịch Vụ Phúc Lộc Thọ (Viettel Pay không có bất kỳ hợp tác nào với công ty này).

Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Viettel Pay cũng đã hướng dẫn khách hàng làm đơn trình báo Công an quận Hoàng Mai và các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự để kịp thời ngăn chặn, xử lý, làm sáng tỏ vụ việc.

Vậy không hiểu lý do gì mà thông tin số điện thoại, số CMT của anh V.T.T bị lộ lọt, tài khoản đòi nợ đúng tên của anh nhưng số CMT chỉ khác 1-2 số, rồi cả số điện thoại của vợ anh, giám đốc công ty vợ anh bị lộ ra ngoài mà cuối cùng gia đình anh lại bị đòi nợ, đe dọa nhiều ngày nay. Và những người có liên quan đến gia đình cũng không ngừng bị quấy nhiễu.

Kẽ hở pháp luật?

Anh V.T.T. là một trong những nạn nhân của tình trạng bỗng dưng nhận được thông báo phải thanh toán các khoản nợ từ các công ty, tổ chức tài chính diễn ra rất nhiều trong thời gian qua. Qua các vụ việc, có thể thấy tình trạng lấy cắp thông tin cá nhân của người khác để làm giả hồ sơ vay tiền từ các ứng dụng, tổ chức tài chính nhằm chiếm đoạt tài sản diễn ra ngày càng nhiều, với những thủ đoạn rất tinh vi. Không ít đối tượng đã xâm nhập vào hệ thống của các công ty dịch vụ nhằm đánh cắp thông tin khách hàng, hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, công ty viễn thông... gọi điện cho khách hàng nhằm có được thông tin, bản chụp giấy tờ cá nhân.

Bỗng dưng thành… con nợ! -0
Các đối tượng bôi nhọ cả vợ anh T.

Khi có được các thông tin này, chỉ với những thao tác đơn giản qua những ứng dụng vay tiền, các đối tượng sẽ đăng ký các khoản vay với các công ty tài chính. Thậm chí, không ít đối tượng còn dùng thông tin cá nhân của người khác để đăng ký giả mạo tài khoản ngân hàng nhằm giải ngân các khoản vay rồi chiếm đoạt.

Khi trở thành nạn nhân của các đối tượng này, người bị lấy cắp thông tin sẽ liên tục bị yêu cầu thanh toán các khoản nợ. Không ít người suy sụp tinh thần sau khi liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn từ các công ty tài chính. Việc chứng minh mình bị ăn cắp thông tin cá nhân cũng sẽ tốn rất nhiều công sức, tiền bạc và kéo theo nhiều hệ lụy. Thậm chí cả những người thân, bạn bè của nạn nhân sẽ bị đe doạ, bôi nhọ, gây sức ép để trả nợ thay cho nạn nhân.

Mới đây, bà Phạm Thị Mỹ Lệ - Giám đốc Công ty Cổ phần L&A (TP. Dĩ An, Bình Dương) cũng liên tục bị đối tượng gọi điện uy hiếp để trả nợ thay cho... nhân viên. Ngoài việc gọi điện thoại liên tục để khủng bố, gây sức ép, đối tượng đòi nợ còn lấy hình ảnh gia đình bà Lệ để cắt ghép đăng lên các trang mạng xã hội, nhằm hạ uy tín của bà Lệ đối với đối tác của công ty chỉ vì công ty của bà Lệ có nhân viên tên V.T.M.T (hiện đã nghỉ việc) có vay tiền qua app DoctorĐồng của Công ty TNHH MTV Tư vấn Tài Chính LGC, trụ sở tại Phường Đa Kao (Q.1). Tuy nhiên, do các đối tượng không liên lạc được với chị T, nên quay sang đòi nợ bà Lệ, vì cho rằng bà làm giám đốc nên có tiền để trả thay.

Cũng tương tự như bà Lệ, chị Đặng Thị Gấm (Nghĩa Tân, Hà Nội) cũng từng khốn khổ bị các đối tượng đòi nợ thuê nã điện thoại, facebook vì một người anh họ của chị vay tiền qua app, các đối tượng không tìm được địa chỉ và nơi làm việc của anh này nên ra sức khủng bố chị qua điện thoại để ép trả nợ hộ.

Việc các app cho vay tiền hoạt động công khai, dễ dàng cho vay mượn tiền nhưng không có sự xác minh chính xác, đồng thời sự dễ dàng tạo tài khoản liên kết của một số nhà mạng cũng như một số ngân hàng để các đối tượng có thể vay, rút tiền một cách dễ dàng khiến nhiều nạn nhân rơi vào tình cảnh trớ trêu. Điều đáng lo ngại là có nhiều app vận hành nhưng không đăng ký kinh doanh, không đóng thuế và hoạt động tự phát dưới dạng tín dụng đen mà cơ quan chức năng không quản lý được. Thêm vào việc các đối tượng đòi nợ thuê hoạt động công khai, nhũng nhiễu, dùng mọi thủ đoạn để bôi nhọ, ép nạn nhân trả nợ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có sự vào cuộc đồng bộ, triệt để, dẹp vấn nạn cho vay nặng lãi qua các app vay tiền.

Để không trở thành nạn nhân của các vụ chiếm đoạt tài sản qua hình thức đánh cắp thông tin cá nhân để vay tiền, người dân cần hết sức cảnh giác, không để lộ thông tin cá nhân; tuyệt đối không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân gì của mình cho những đối tượng lạ mặt. Khi bị mất giấy tờ tùy thân, cần nhanh chóng thông báo với các cơ quan có thẩm quyền. Khi bị các đối tượng đe dọa, yêu cầu thanh toán các khoản nợ mình không hề vay, cần sớm trình báo sự việc đến cơ quan công an để tiến hành điều tra, xác minh sự việc cũng như có phương án xử lý với người lấy cắp thông tin.

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề ANTG, một cán bộ Công an quận Hoàng Mai cho biết, Công an quận đã nhận được đơn tố cáo của anh V.T.T, đã xác minh và triển khai phòng ngừa để đảm bảo an ninh trật tự cho địa phương và an toàn cho nguyên đơn. Đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng chủ yếu gây sức ép qua điện thoại và tin nhắn. Đặc thù của việc vay qua app là người cho vay không biết mặt người vay nên ít có chuyện đến tận nhà khủng bố.

Đồng thời vị cán bộ này cũng khuyến cáo người dân là khi nhận được điện thoại hay tin nhắn khủng bố như vậy thì không nên nghe hay trả lời. Tuyệt đối tránh để lộ thêm thông tin cá nhân. Nếu người dân trả lời tin nhắn hoặc nghe mọi cuộc gọi của chúng, chúng sẽ coi đó là con mồi tiềm năng để chúng khai thác. Người dân cũng đừng vì lo sợ mà chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng.

Trong trường hợp người dân bị chúng ghép ảnh bôi nhọ lên mạng xã hội thì nên bình tĩnh thông báo cho bạn bè, người thân biết để nắm tình hình để cùng chung tay ngăn chặn việc làm khủng bố của các đối tượng xấu.

(Theo An Ninh Thế Giới)