Sai lầm đáng báo động khi tập cho trẻ ăn dặm, mẹ cần điều chỉnh ngay để con yêu phát triển khỏe mạnh

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 11:02, 16/12/2021

Ăn dặm là giai đoạn đặc biệt quan trọng, mẹ cần giúp bé làm quen và chuyển tiếp từ bú mẹ hoàn toàn đến việc bổ sung thực phẩm trực tiếp.

Thời điểm này hệ tiêu hóa của bé còn yếu nên rất nhạy cảm, nếu không cho bé ăn đúng cách thì không những thiếu hiệu quả mà còn phản tác dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng nhưu quá trình phát triển của bé.

Sai lầm đáng báo động khi tập cho trẻ ăn dặm, mẹ cần điều chỉnh ngay để con yêu phát triển khỏe mạnh-1

Dưới đây là một số sai lầm phổ biến và cũng khá nghiệm trọng mà nhiều người đang mắc phải, các mẹ nên tham khảo để đảm bảo cho con yêu của mình ăn dặm an toàn, khỏe mạnh và đầy đủ dưỡng chất.

1. Cho bé ăn dặm quá sớm

Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo rằng, các bà mẹ phải cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, từ 6 tháng trở đi mới cho bé tập ăn dặm. Tuy nhiên thực tế vì nhiều lý do, vẫn có gia đình cho trẻ ăn dặm sớm hơn từ khi trẻ được khoảng 4 tháng hoặc ít hơn và đó là điều không nên.

Theo các chuyên gia, nếu mẹ cho bé ăn dặm quá sớm sẽ gây nặng nề cho bộ máy tiêu hóa của bé. Bé ăn vào khó tiêu nên hay bị nôn trớ, rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, thay vì lên cân lớn nhanh như phụ huynh mong muốn, bé sẽ chậm tăng cân, dễ bị suy dinh dưỡng vàdễ mắc nhiều bệnh tật khác. 

2. Cho trẻ ăn dặm quá trễ

Vẫn biết rằng sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng khi trẻ trên 6 tháng tuổi mà chưa tập ăn thức ăn nào khác sữa thì trẻ cũng chậm tăng cân. Sữa không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng giúp trẻ tăng căn và phát triển toàn diện, vậy nên cần phải cho trẻ ăn thêm thức ăn từ bên ngoài.

Ngoài việc bú sữa mẹ, trẻ cần được ăn thêm từ 1-2 bữa bột trong ngày. Nhớ rằng, chỉ cho trẻ ăn hoa quả khi bắt đầu ăn dặm.

3. Nấu cháo/bột với nước xương hầm

Đây là sai lầm rất phổ biến vì theo quan niệm của nhiều người, nước hầm xương chứa nhiều canxi lại ngọt nước nên nấu với bột, cháo vừa ngon vừa giúp trẻ cứng cáp hơn. Thực tế, nước xương chỉ tạo cảm giác ngon miệng nhưng “nghèo” canxi hơn cả thịt. Chưa kể, trẻ muốn hấp thụ được canxi thì tỷ lệ canxi và phospho phải cân đối. Nhưng trong nước xương, lượng phospho rất thấp.

Hơn nữa, trong quá trình ninh nấu, chất béo động vật trong tủy xương thoát ra. Đây là những chất béo không tốt gây no, khó tiêu, ức chế hấp thu các chất dinh dưỡng khác.

Sai lầm đáng báo động khi tập cho trẻ ăn dặm, mẹ cần điều chỉnh ngay để con yêu phát triển khỏe mạnh-2


4. Thức ăn càng phong phú càng tốt

Trẻ nhỏ cần làm quen với nhiều loại thực phẩm khác nhau để đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ nhưng trong thời kỳ ăn dặm mới tập làm quen với thức ăn trực tiếp, mẹ chưa cần thiết phải vội vàng cho con ăn đa dạng thực phẩm cùng một lúc. Lý do là hệ tiêu hoá của trẻ chưa hoàn thiện, khả năng làm quen và tiêu hóa các món lạ chậm hơn, nhất là các loại thức ăn chứa nhiều protein, chất đạm, chất béo… 

Tốt nhất mẹ nên cho bé làm quen dần dần, một số nhóm thức ăn lành tính, ít thành phàn trước và dần dần thay đổi thực đơn sau. Nếu ép trẻ ăn nhiều loại thức ăn trong thời gian ngắn, trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa, loạn khuẩn đường ruột, thậm chí là dị ứng và ngộ độc… rất nguy hiểm.

5. Cho trẻ ăn quá nhiều chất bổ dưỡng

Lượng đạm bé cần mỗi ngày là 4-4,5g/kg thể trọng (với trẻ 1 tuổi, mỗi ngày dùng tối đa 1 lạng thịt), lượng dầu mỡ cũng tương tự như vậy, trong đó 50% là mỡ thực vật. Lượng bột phải cao gấp 4 lần.
Trong năm đầu, việc nuôi trẻ có một mâu thuẫn: trẻ cần rất nhiều dinh dưỡng để phát triển trong khi hệ tiêu hóa lại còn rất yếu, nếu nuôi không khéo sẽ gây tiêu chảy, kéo theo suy dinh dưỡng và còi xương.

Vì vậy, các bà mẹ phải hết sức chú ý vấn đề vệ sinh và đừng vì sốt ruột mà cho trẻ ăn quá bổ dưỡng, đặc biệt là khi mới ăn dặm. 

6. Ép bé ăn nhiều trong 1 bữa

Ở mỗi tháng tuổi, nhu cầu năng lượng của bé khác nhau và mẹ nên cung cấp một lượng vừa phải. Nếu bắt trẻ ăn nhiều quá, mà bữa nào cũng cố ép ăn hết bát, bé sẽ chán và sợ ăn. Thay vào đó, mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn, không để trẻ đói nhưng cũng đừng để trẻ quá no, để trẻ tò mò và có hứng thú mỗi khi đến bữa ăn.

7. Cho trẻ ăn mặn, nấu theo khẩu vị người lớn

Nhiều mẹ suy từ mình ra con, cho rằng đồ ăn nhạt nhẽo trẻ sẽ không ăn được nên nêm nếm đồ ăn dặm cho con theo khẩu vị của mình và đây là một sai lầm nghiêm trọng. Theo các chuyên gia, trẻ từ 1 tuổi trở lên mới nên ăn thức ăn có gia vị. Trước đó, trẻ nên ăn thực phẩm với vị nguyên bản. Bởi ăn gia vị sớm dễ gây rối loạn vị giác, nguyên nhân hàng đầu dẫn tới chứng chán ăn và biếng ăn ở trẻ.

Không những vậy, việc ăn quá nhiều muối có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh huyết áp cao, đau tim, đột quỵ và cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sức khỏe không tốt khi còn nhỏ.

Sai lầm đáng báo động khi tập cho trẻ ăn dặm, mẹ cần điều chỉnh ngay để con yêu phát triển khỏe mạnh-3

8. Kiêng không cho bé ăn trứng

Trứng là một thực phẩm có thể gây khó tiêu, đầy bụng nếu ăn nhiều nên không ít phụ huynh sợ và kiêng không dám cho bé ăn trứng. Tuy nhiên trứng cũng rất bổ dưỡng với thành phần acid amin cân đối, nhiều protein, canxi, vitamin… nên nếu bé không bị dị ứng với trứng thì các mẹ đừng nên bỏ qua nguồn thức ăn giày dinh dưỡng này. 

Tất nhiên, khi mới ăn dặm mẹ chỉ nên cho bé ăn lượng trứng vừa đủ, ăn nguyên lòng đỏ và không quá nhiều. Nên ăn làm quen lượng nhỏ trước, nếu bé không gặp vấn đề gì khi ăn trứng thì mới tiếp tục. 

9. Nấu cháo cho bé ăn cả ngày

Trẻ ăn lượng ít mà nấu cháo từng bữa khá mất thời gian nên nhiều mẹ thường nấu luôn một nồi cháo to để cho con ăn cả ngày, thậm chí để cả sang ngày hôm sau. Điều này thực tế chỉ tiện cho mẹ nhưng lại có hại cho sức khỏe của trẻ. Bởi ở điều kiện nhiệt độ bình thường, cháo chỉ có thể để trong vòng 2 giờ là đã bắt đầu có dấu hiệu ôi thiu. Nếu bảo quản trong tủ lạnh thì các dưỡng chất trong cháo cũng bị mất đi đáng kể. Khi cháo/bột được hâm lại, lượng dinh dưỡng trong thức ăn sẽ mất đi dần đến gần hết và làm cháo/bột có mùi vị khó ăn.

Do vậy tốt nhất mẹ hãy nấu bữa nào cho con ăn bữa đó, tránh việc để thừa đến bữa sau. Bận quá thì có thể để dành cháo trắng đến bữa sau thì nấu thức ăn mới cho trẻ vào cùng nhưng cũng chỉ nên để trong ngày.

10. Nghiền hoặc lọc đồ ăn quá kỹ

Trong quá trình cho trẻ ăn dặm nhiều bà mẹ thường sợ con mình sẽ bị khó nuốt hoặc bị mắc nghẹn thức ăn nên tìm cách nghiền thức ăn thật kỹ. Nhưng chính điều này lại khiến cho trẻ lười nhai khi trưởng thành. Việc bé không nhai làm cho dịch vị dạ dày tiết ra ít hơn bé không có cảm giác ngon miệng khi ăn, làm cho hương vị thức ăn kém hấp dẫn. Bé sẽ chán ăn và dễ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng nếu điều này kéo dài. Không những thế, lọc đồ ăn quá kỹ còn khiến cho mất đi một lượng lớn vi khoáng cần thiết cho cơ thể của trẻ.

11. Ngậm thìa của bé khi cho con ăn 

Nhiều phụ huynh, đặc biệt là các bà hay những người lớn tuổi thường có thói quen cho vào miệng mình trước để thử độ nóng hoặc vun đều, làm sạch thìa thức ăn trước khi đun cho bé. Thói quen này tưởng là bình thường nhưng vô tình lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho trẻ nếu chẳng may trong nước bọt của người lớn có tiềm ẩn vi khuẩn gây bệnh.

Vì thế, khi cho bé ăn, tốt nhất, bạn đừng cho thìa của bé vào miệng mình, trừ phi thức ăn ấy đòi hỏi phải được nếm trước và khi đó hãy thay thìa khác khi cho bé ăn nhé.

Sai lầm đáng báo động khi tập cho trẻ ăn dặm, mẹ cần điều chỉnh ngay để con yêu phát triển khỏe mạnh-4

12. Bữa ăn kéo dài

Trường hợp bố mẹ hay ông bà cố cho con ăn hết bát bột, vừa ăn vừa chơi có khi kéo dài cả tiếng đồng hồ không phải là ít. Điều này vừa làm bát bột vữa, khó ăn, vừa khiến bé thêm chán. Hơn nữa bữa ăn kéo dài khiến thời gian tới bữa sau quá ngắn, bé còn chưa kịp cảm thấy đói. Vòng luẩn quẩn này khiến bé ngày càng không muốn ăn. Tốt nhất, bữa ăn chỉ nên kéo dài nhiều nhất là 30 phút, dù bé mới ăn được ít cũng nên kết thúc.

Theo V.K - Vietnamnet