TP.HCM ứng phó biến đổi khí hậu: Lồng ghép các hành động ưu tiên

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 09:41, 16/12/2021

UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định phê duyệt “Báo cáo đánh giá khí hậu TP.HCM”. Đây là cơ sở khoa học để TP.HCM triển khai các bước ứng phó, thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Khí hậu ngày càng khắc nghiệt

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Nhiệm vụ đánh giá khí hậu TP.HCM được thực hiện với mục tiêu tổng quát nhằm làm rõ những đặc điểm khí hậu tại TP.HCM, bao gồm xu thế biến đổi, mức độ biến thiên và dao động của yếu tố biến đổi khí hậu cơ bản và các hiện tượng cực đoan khí hậu về phạm vi, cường độ, tần suất và tính bất thường. Việc đánh giá tác động của BĐKH là hết sức cần thiết và cấp bách, để từ đó có thể đưa ra được các giải pháp ứng phó cũng như thực hiện các giải pháp này một cách hợp lý và hiệu quả để hạn chế một cách thấp nhất những tổn thương gây ra bởi BĐKH.

Sau thời gian triển khai phối hợp với các cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng có liên quan, Sở TN&MT đã hoàn thiện và trình UBND TP.HCM phê duyệt “Báo cáo đánh giá khí hậu TP.HCM”. Theo Báo cáo, đặc điểm khí hậu TP.HCM có mức độ biến thiên lớn, xu thế thay đổi rõ nét trong các thập kỷ qua và được tiếp tục dự báo sẽ trở nên bất định và khắc nghiệt hơn trong các giai đoạn tương lai gần, trung và dài hạn đến cuối thế kỷ 21… Trong đó, đáng báo động là tình trạng nhiệt độ tăng, mưa cực đoan, ngập do triều cường, nước biển dâng...

TP.HCM thường xuyên có mưa cực đoan gây ngập nước

Đặc biệt, Báo cáo khẳng định, BĐKH tác động lên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của TP.HCM. Trong đó, tác động tiêu cực của BĐKH quyết định các vấn đề quy hoạch đô thị liên quan đến mảng xanh đô thị, diện tích mặt nước hay vấn đề năng lượng và sụt lún của thành phố. BĐKH cũng có nhiều ảnh hưởng tới chất thải rắn và chất lượng cuộc sống như gia tăng tốc độ phân hủy sinh học các chất hữu cơ trong chất thải rắn, nước thải, bùn thải trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý các loại chất thải; ngập úng đô thị do sự gia tăng tần suất và cường độ các trận mưa lớn trong thời đoạn ngắn làm tăng khả năng phát tán các chất ô nhiễm từ các khu vực lưu trữ chất thải vào các nguồn tiếp nhận. Do đó, để đảm bảo an toàn, công tác quản lý và các chi phí vận hành chắc chắn sẽ tăng lên, đặc biệt khi các biểu hiện của BĐKH ngày càng rõ nét.

Đối với hệ thống thoát nước của TP.HCM, hiện nay đa phần là hệ thống cống chung tiêu thoát nước thải sinh hoạt và nước mưa. Vì vậy, các trận mưa lớn trong thời đoạn ngắn sẽ gây quá tải công suất thoát nước của cống và gây ngập úng đô thị khiến nước thải sinh hoạt bị phát tán trên đường phố, đặc biệt khi xảy ra mưa lớn kết hợp triều cường. Bên cạnh đó, ngập úng đô thị có thể làm gián đoạn hoạt động của các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt...

Trong lĩnh vực công nghiệp, ngập lụt do BĐKH ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động ngành công nghiệp của thành phố. Đặc biệt, các khu công nghiệp nằm trong vùng có khả năng bị ngập sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề thiệt hại như làm gián đoạn hoạt động sản xuất, hư hại máy móc, gia tăng chi phí sản xuất…

Đối với lĩnh vực y tế, dưới tác động của BĐKH, cơ sở hạ tầng y tế sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn nếu TP.HCM không có sự chủ động chuẩn bị. Thời tiết cực đoan là nguy cơ gia tăng số lượng người mắc bệnh hệ tim mạnh, hệ hô hấp, hệ thần kinh… do chịu tác động trực tiếp của sóng nhiệt; giảm sức đề kháng cơ thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm…

Ứng phó BĐKH là nhiệm vụ sống còn

Trước đó, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn thành phố. Theo đó, TP.HCM xác định nhiệm vụ ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Thành phố hướng đến mục tiêu tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH đối với các rủi ro liên quan đến khí hậu (hạn hán, nắng nóng, mưa lớn, nước biển dâng), phòng chống rủi ro thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, an ninh lương thực, an sinh xã hội, cộng đồng lành mạnh và phát triển bền vững.

Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ TN&MT công bố năm 2016, đến năm 20210 nhiệt độ TP.HCM có thể tăng từ 1,9 - 3,5 độ C. Theo kịch bản ngập lụt TP.HCM, nếu nước biển dâng 100cm, 17% diện tích TP.HCM có nguy cơ bị ngập, trong đó, quận Bình Thạnh bị ngập khoảng 80,78%, huyện Bình Chánh ngập khoảng 35,43%...

Trong đó, TP.HCM đặt mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế. Lồng ghép các hành động ưu tiên thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH vào quy hoạch ngành và thành phố. Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ chủ động thúc đẩy các cơ chế hợp tác quốc tế để đẩy mạnh các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư và triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo khung pháp lý thuận lợi để tiếp nhận các nguồn lực cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi khí thải và các dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thích nghi với tác động của BĐKH cho các khu vực và cộng đồng dễ bị tổn thương.

Đối với kết quả “Báo cáo đánh giá khí hậu TP.HCM” vừa được phê duyệt, UBND TP.HCM giao Sở TN&MT chủ trì, là đơn vị đầu mối, nghiên cứu vận dụng báo cáo nhằm triển khai công tác quản lý Nhà nước về khí tượng thủy văn và BĐKH trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả. Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức có trách nhiệm nghiên cứu, vận dụng và sử dụng Báo cáo này để triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực và địa bàn phụ trách, quản lý.

Nguyễn Quỳnh