Làm việc ở nhà khiến tình cảm vợ chồng lạnh nhạt

Gia đình - Ngày đăng : 07:49, 10/12/2021

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 đã khiến mức độ căng thẳng của Thục tăng đột biến. Một số căng thẳng là do sức khỏe và các mối quan tâm hiện hữu, nhưng phần lớn đều liên quan đến công việc.
Làm việc ở nhà khiến tình cảm vợ chồng lạnh nhạt

Có những đêm đang ngủ, cô vùng dậy, lưng đầm đìa mồ hôi vì tưởng mình vừa tuột mất một hợp đồng quan trọng. Ban ngày, các cuộc họp online kéo dài bất tận cũng khiến Thục ngán ngẩm. Trong khi đó, việc nuôi dạy con cái và trách nhiệm gia đình là điều cô không thể đẩy cho người khác.

Công ty khởi nghiệp, nơi cô là một kỹ sư cấp cao đang gặp khó khăn trong việc giữ chân khách hàng. Cô phải nỗ lực hết sức để điều chỉnh sản phẩm phù hợp với tình hình mới và xoa dịu tinh thần của nhóm các nhà phát triển đang hợp tác với công ty.

Thục làm việc quên ăn quên ngủ. Nhưng bất chấp mọi nỗ lực, cô biết rằng mình vẫn có thể đánh mất mọi thứ bất cứ lúc nào. Chồng Thục cũng đang làm việc tại nhà. Anh không than phiền gì, nhưng cô biết anh cũng có những nỗi niềm giống mình.

Việc phải đụng mặt nhau hàng ngày trong tâm trạng không mấy dễ chịu khiến tình cảm giữa họ nhạt dần. Nhưng Thục vẫn muốn vực dậy mọi thứ, thay vì buông xuôi. Một hôm, Thục buột miệng nói với chồng: “Nếu em có thể giúp gì được anh thì hãy cứ nói với em nhé”. Cô thực tâm muốn chia sẻ và giúp đỡ chồng, mong anh có thể giảm bớt áp lực trong thời gian làm việc tại nhà.

Sau bữa ăn tối hôm đó, Thục bắt đầu đề xuất một số công việc để anh lựa chọn, đề phòng trường hợp anh có thể mất việc. Thậm chí, Thục còn chủ động tìm kiếm các bài đăng tuyển dụng để tìm cơ hội cho anh. Tuy nhiên, thành ý của Thục đã phản tác dụng. Anh nói với cô: “Việc em đang làm chỉ khiến anh áp lực thêm mà thôi”.

Sau cuộc nói chuyện đó, anh cảm thấy sợ các bữa tối và tìm cách tránh nói chuyện với Thục. Nhưng trong căn nhà chật chội, anh không thể tìm cho mình một không gian riêng.

Thục biết, làm việc tại nhà giữa cuộc khủng hoảng toàn cầu không chỉ ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng, con cái, mà còn tác động đến chính công việc cô đang làm. Đúng thời điểm tuyệt vọng nhất, cô nhớ đến Hải, một người bạn thân, cũng là một tiến sĩ ngành Tâm lý. Thục đã gọi Hải, xin được tư vấn.

“Tớ nghĩ cậu không thể làm cho anh ấy hết căng thẳng được đâu. Cậu biết không, một trong những sai lầm lớn nhất mà các bà vợ mắc phải là cố gắng giải quyết vấn đề của chồng. Cậu phải chấp nhận được thực tế, rằng đây là một nhiệm vụ bất khả thi. Hơn nữa, việc cậu can thiệp sẽ gây thêm áp lực đối với anh ấy. Ngay cả khi ý định của cậu hoàn toàn xuất phát từ trái tim, kết quả cũng sẽ không thay đổi”.

Thục khóc nấc khi nghe Hải nói: “Tớ thấy mình quá tệ vì không thể giúp được anh ấy. Thật buồn khi chứng kiến người mình thương đang đau khổ, bất an và tuyệt vọng. Có lẽ mọi chuyện đều xuất phát từ sự vô tâm của tớ. Lâu nay tớ tận hiến cho công việc mà quên mất rằng mình là một phụ nữ, việc quan trọng nhất đối với mình là dành thời gian cho chồng và con...”.

Hải tìm cách xoa dịu Thục: “Không sao, trên thế giới này có rất nhiều phụ nữ đồng cảm với cậu. Tớ từng làm nghiên cứu về các cặp vợ chồng đang đi làm, và nhận thấy rằng hầu hết mọi người, giống như cậu, thực sự muốn giúp đỡ đối tác của mình vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Họ quan tâm và tìm mọi cách để cải thiện tình hình, nhưng cuối cùng, họ vẫn phải chung sống với nỗi phiền muộn của người bạn đời. Cảm giác này không hề dễ chịu, nó có thể phá hủy tình cảm gắn bó của mối quan hệ, cũng như sự nghiệp của cả hai”.

Nghe Hải phân tích, Thục càng sốt ruột: “Vậy tớ phải làm gì?”. Hải cố gắng nói thật chậm để Thục bình tĩnh trở lại: “Hãy tìm thời gian xa nhau. Tạo ra một khoảng cách với chồng có thể khiến cậu cảm thấy kỳ lạ và vô lý trong thời điểm giãn cách xã hội, nhưng điều quan trọng là cậu phải quan tâm đến bản thân và mối quan hệ của cậu.

Khoảng cách ở đây có thể là một chuyến đi bộ một mình quanh khu nhà mỗi ngày, thỏa thuận làm việc trong các phòng riêng biệt, hoặc các buổi tối dành cho các hoạt động khác nhau. Dù là gì đi nữa, thời gian này sẽ giúp cậu nạp năng lượng và giảm bớt căng thẳng trong công việc. Và, khi sự vắng mặt làm cho trái tim lớn lên, nó cũng sẽ làm nên điều kỳ diệu cho mối quan hệ giữa hai người”.

Thủy Kiều