Tự ý ngắt tiếng Quốc ca dù không bị "đánh" bản quyền bị xử lý như thế nào?

Xã hội - Ngày đăng : 14:56, 09/12/2021

Nếu trong trận bóng đá Việt Nam - Lào hôm 6/12, ban tổ chức sử dụng bản ghi âm Quốc ca Việt Nam không "đánh" bản quyền mà đơn vị tiếp sóng vẫn cố tình ngắt tiếng Quốc ca thì có vi phạm pháp luật?

Tối ngày 6/12, tại buổi tường thuật trực tiếp trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào được phát trên YouTube, phần hát Quốc ca của các cầu thủ Việt Nam đã bị ngắt tiếng kèm theo dòng chữ "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm". 

Việc không thể nghe được bài hát Quốc ca khiến các khán giả Việt Nam vô cùng bất bình và nổ ra nhiều tranh cãi trái chiều.

Như đã biết, ngày 15/7/2016, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng ca khúc "Tiến quân ca" cho Nhân dân và Tổ quốc Việt Nam. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết, bản Quốc ca chuẩn được đơn vị này xin phép lấy nguồn từ Cổng Thông tin Chính phủ để cung cấp cho Liên đoàn bóng đá châu Á. Thông thường ở các giải đấu, Ban tổ chức sẽ lấy bản Quốc ca chuẩn mà VFF đã cung cấp.

Một câu hỏi được đặt ra, trong trường hợp đây là bản Quốc ca chuẩn không bị "đánh bản quyền" nhưng đơn vị tiếp sóng trận bóng đá vẫn tự ý ngắt tiếng chỉ vì đề phòng bị mất doanh thu, thì có vi phạm pháp luật?

Tự ý ngắt tiếng Quốc ca dù không bị đánh bản quyền bị xử lý như thế nào? - 1

Phần hát quốc ca bị ngắt tiếng của đội tuyển Việt Nam (Ảnh chụp màn hình).

Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Câu chuyện Quốc ca của Việt Nam trong trận bóng đá Việt Nam - Lào bị ngắt tiếng trên nền tảng YouTube vì lý do lo ngại bị "đánh bản quyền"; theo ông câu chuyện bản quyền ở đây là gì, khi mà gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng tác phẩm này cho Nhân dân và Tổ quốc, cả phần nhạc và lời?

- Có thể hiểu vấn đề bản quyền ở đây là quyền liên quan mà đối tượng là bản ghi chứ không phải là quyền tác giả. Về quyền tác giả thì ca khúc này được cố nhạc sĩ Văn Cao sáng tác và đã hiến tặng cho Nhân dân và Tổ quốc. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là đơn vị được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ quản quản lý, có trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị ca khúc này. Những ai muốn làm các sản phẩm âm nhạc liên quan đến bài hát "Tiến quân ca" nhằm mục đích kinh doanh đều phải xin phép cơ quan giữ quyền tác giả tác phẩm.

Còn về quyền liên quan đến các bản ghi âm ca khúc này sẽ thuộc về các đơn vị sản xuất khác nhau (đơn vị bỏ tiền ra sản xuất và đăng ký bản quyền). Đơn vị sản xuất giữ bản quyền ghi âm ca khúc này có quyền sở hữu đối với bản ghi này, bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi này đều phải xin phép chủ sở hữu và đơn vị này có thể ủy quyền cho một đơn vị khác quản lý và khai thác bản ghi đó.

Nếu bản ghi "Tiến quân ca" phát tại lễ chào cờ của trận bóng Việt Nam - Lào nói trên là bản ghi của một đơn vị khác đang sở hữu bản quyền và đơn vị đó yêu cầu được bảo vệ bản quyền, thì YouTube sẽ tự động tiến hành gỡ video trực tiếp bởi lý do vi phạm bản quyền trên nền tảng này.

Với trận đấu bóng trên, việc lựa chọn sử dụng bản ghi âm ca khúc "Tiến quân ca" thuộc về ban tổ chức sân. Nếu như ban tổ chức lựa chọn bản ghi của một đơn vị có đăng ký bản quyền trên YouTube mà không xin phép, sau đó các đơn vị khác đăng phát sóng trận đấu bóng có phát ca khúc này thì sẽ có khả năng bị "đánh gậy bản quyền" trên nền tảng này. Do đó sẽ có đơn vị lựa chọn tắt tiếng để tránh bị vướng vào vấn đề bản quyền.

Tự ý ngắt tiếng Quốc ca dù không bị đánh bản quyền bị xử lý như thế nào? - 2

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường  - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Đại diện VFF cho biết, bản Quốc ca chuẩn được đơn vị này xin phép lấy nguồn từ Cổng Thông tin Chính phủ để cung cấp cho Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Nếu trong trận bóng đá nói trên, ban tổ chức sân sử dụng đúng bản ghi âm Quốc ca do VFF cung cấp nghĩa là không bị "đánh gậy bản quyền". Vậy đơn vị tự ngắt tiếng Quốc ca trên nền tảng YouTube có vi phạm pháp luật? 

- Trong trường hợp đơn vị tiếp sóng không biết ban tổ chức sân có sử dụng đúng bản ghi Quốc ca chuẩn do VFF cung cấp hay không, để bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ, họ chủ động ngắt phần tiếng để tránh vướng vào câu chuyện bản quyền là điều dễ hiểu. Lúc này đơn vị ngắt tiếng Quốc ca không vi phạm pháp luật và đương nhiên không bị cơ quan nào xử lý; có chăng chỉ ảnh hưởng đến uy tín kênh YouTube của họ.

Đối với nền tảng YouTube, đây là một mạng xã hội rất nổi tiếng hiện nay với lượng truy cập, sử dụng mỗi ngày vô cùng lớn và cũng là một kênh kiếm tiền hiệu quả thời đại công nghệ số. Trên nền tảng này, hành động vi phạm bản quyền sẽ bị xử phạt rất nặng.

Nếu vi phạm bản quyền, YouTube không chỉ đơn thuần là gỡ bỏ video, cảnh cáo, hay thiết lập giới hạn, mà người dùng cá nhân/tổ chức có thể bị gỡ bỏ cả kênh YouTube.

Còn trong trường hợp ban tổ chức có thông báo rõ bản ghi Quốc ca đó không vi phạm bản quyền nhưng đơn vị tiếp sóng vẫn cố tình ngắt tiếng, với hành vi này hiện nay vẫn chưa có chế tài xử lý cụ thể nào.

Nếu trong trường hợp cơ quan chức năng nghi ngờ, việc ngắt tiếng Quốc ca có dấu hiệu liên quan đến xúc phạm tới Quốc ca, với mục đích động cơ chính trị, thì có thể bị xử lý hình sự.

Vậy theo ông, giải pháp để tránh lặp lại các sự việc tương tự như trên là như thế nào?

- Với người Việt Nam thì ca khúc "Tiến quân ca" có ý nghĩa rất lớn và việc không được nghe ca khúc này tại lễ chào cờ một trận bóng đá là khó có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên thực tế bản ghi "Tiến quân ca" hiện nay có rất nhiều đơn vị sản xuất ở cả trong nước và ngoài nước, do đó vấn đề bản quyền cần phải được quan tâm. Bản quyền âm nhạc trên môi trường số ngày càng chặt chẽ, do đó tất cả các bên liên quan đều cần phải nâng cao ý thức bản quyền.

Nếu như các trận đấu thể thao thi đấu trong nước thì chúng ta có thể chủ động về vấn đề phát bản ghi ca khúc có bản quyền. Nhưng khi đoàn thể thao Việt Nam ra nước ngoài thi đấu thì phía Việt Nam cần phải chủ động chuẩn bị các bản ghi Quốc ca có bản quyền nộp cho ban tổ chức sân, như vậy mới có thể đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị tiếp sóng, tránh cho đơn vị tiếp sóng bị mất tiền oan do vướng bản quyền.

Bất kể người dân Việt Nam nào cũng muốn ca khúc Quốc ca quen thuộc, tôn nghiêm được vang lên trên tất cả các kênh sóng thể thao hợp pháp.

Xin cảm ơn ông!

Luật sư Nguyễn Thị Xuyến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung, quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả được định nghĩa như sau: Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Còn về các bản ghi, khoản 9 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 quy định:

1. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:

a) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình;

b) Nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.

2. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được hưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng.

Theo đó, nếu cá nhân, tổ chức sử dụng các bản ghi Quốc ca của các đơn vị sản xuất thì phải xin phép các đơn vị này bởi họ có quyền liên quan đến bản ghi bài hát này.

Khả Vân

Nguyễn Dương(thực hiện)