Tin thế giới 8/12: Tổng thống Putin có dự tính khôi phục Liên Xô? Nga-Belarus 'hợp sức' trả đũa phương Tây; Thế giới hoan nghênh tân Thủ tướng Đức

Đối ngoại - Ngày đăng : 20:48, 08/12/2021

Cuộc thượng đỉnh trực tuyến Nga-Mỹ; vấn đề Ukraine, căng thẳng giữa Belarus và phương Tây... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.
Tin thế giới 8/12: Tổng thống Putin có dự tính khôi phục Liên Xô? Nga-Belarus 'hợp sức' trả đũa phương Tây; Thế giới hoan nghênh chào mừng tân Thủ tướng Đức
Ngày 7/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã tổ chức một cuộc hội đàm trực tuyến kéo dài hơn 2 giờ.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Mỹ nghi ngờ Tổng thống Putin muốn khôi phục Liên Xô

Ngày 7/12, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, Mỹ lo ngại, Tổng thống Nga Vladimir Putin có ý định đi vào lịch sử bằng cách khôi phục Liên bang Xô Viết.

Phát biểu trong buổi điều trần tại Thượng viện Mỹ, bà Nuland nhấn mạnh: "Có những lo ngại rằng, trong dự án di sản để lại của mình, (Tổng thống) Putin đang hướng đến việc khôi phục Liên bang Xô Viết, còn sau đó ai mà biết được liệu ông ấy có thấy những món ăn đã hợp khẩu vị mình không, hay còn quyết định đi xa hơn"?

Bà Nuland cảnh tỉnh Nga chớ nên thực hiện các kế hoạch xâm lược Ukraine mà họ đang đề ra, sau khi báo trước rằng, cuộc đối đầu với quân đội Ukraine được hiện đại hóa so với năm 2014 sẽ tốn rất nhiều xương máu.

Thứ trưởng Ngoại giao Nuland nhấn mạnh: "Có nhiều lý do vì sao không một ai trong chúng ta lại mong muốn chiến tranh. Nó sẽ vô cùng đẫm máu và khó khăn đối với Ukraine, nhưng cũng hết sức đẫm máu và khó khăn cả với Nga".

Bà nhận xét: "Nước Nga lớn hơn nhiều, quân của họ cũng đông hơn nhiều, nhưng Ukraine hiện đã được chuẩn bị tốt hơn (so với năm 2014). Ngoài ra ở Ukraine có nhiều người đã trải qua quân ngũ và trở về cuộc sống dân sự”.

Bà Nuland cũng cho rằng, nhận thức của người Ukraine về Nga đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Bà Nuland nói một cách mỉa mai: "Tôi nghĩ rằng, giờ đây mức độ ủng hộ, tình cảm thân thiện của người dân Ukraine đối với nước Nga đã ở mức 'kỷ lục' trong lịch sử là 12% hoặc xấp xỉ con số đó". (Sputnik)

Nga-Mỹ tổ chức thượng đỉnh trực tuyến

Ngày 7/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã tổ chức một cuộc hội đàm trực tuyến kéo dài hơn 2 giờ.

Nga và Mỹ ra thông cáo báo chí cho biết, hai tổng thống Putin và Biden đã thảo luận hàng loạt vấn đề như việc hạn chế công tác của các nhà ngoại giao, cũng như các vấn đề nóng cùng quan tâm, trong đó chủ đề nổi bật là tình hình Ukraine.

Liên quan vấn đề Ukraine, Điện Kremlin cho biết, việc thực hiện các thỏa thuận Minsk năm 2015 là nội dung chủ yếu trong cuộc hội đàm.

Điện Kremlin đánh giá, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đã diễn ra “thẳng thắn và chuyên nghiệp”, trong đó, Tổng thống Putin đề xuất với Tổng thống Biden về việc cả Nga và Mỹ cùng dỡ bỏ “tất cả” hạn chế đối với các cơ quan đại diện ngoại giao của nhau ở mỗi nước.

Trong khi đó, thông cáo báo chí của Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden bày tỏ quan ngại sâu sắc của Mỹ và các đồng minh châu Âu về vấn đề Ukraine, thể hiện rõ quan điểm rằng, Washington và các đồng minh sẽ có các biện pháp kinh tế mạnh mẽ khác trong trường hợp leo thang quân sự.

Ông Biden tái khẳng định sự ủng hộ đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời kêu gọi giảm leo thang và nhấn mạnh tới các biện pháp ngoại giao. (Kremlin, White House)

Ukraine đánh giá ý nghĩa cuộc gặp trực tuyến Biden-Putin

Ngày 8/12, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã tạo điều kiện cho “sự răn đe và giảm căng thẳng”.

Trong phản ứng đầu tiên của một quan chức cấp cao Ukraine về cuộc hội đàm thượng đỉnh Nga-Mỹ hôm 7/12, Ngoại trưởng Kuleba hoan nghênh các nỗ lực của Washington đưa Moscow tới bàn đàm phán.

Tuy nhiên, ông cho rằng, ưu tiên hiện nay là tạo ra một sự răn đe nhằm ngăn Nga có thêm bất kỳ động thái leo thang quân sự nào.

Ngoại trưởng Kuleba nêu rõ: “Bản thân cuộc gọi (giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin) đã là một sự răn đe và giảm căng thẳng. Chúng tôi đánh giá cao hoạt động ngoại giao quan trọng của Mỹ với nỗ lực đưa Nga trở lại bàn đàm phán”. (Reuters)

Nga-Belarus sẽ hợp sức phản đòn phương Tây

Ngày 8/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Pankin cho biết, Moscow và Minsk đang phối hợp các nỗ lực nhằm tiến hành các biện pháp đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trả lời phỏng vấn giới truyền thông, ông Pankin nêu rõ: "Nga ủng hộ Belarus trong việc kiềm chế sức ép của phương Tây. Chúng tôi đang theo đuổi một chính sách phối hợp nhằm tiến hành các biện pháp đáp trả, giúp giảm thiểu hậu quả tiêu cực về mặt xã hội và kinh tế mà các lệnh hạn chế gây ra đối với công dân Belarus".

Cho rằng, "mục đích của sức ép trừng phạt từ phương Tây là nhằm kích động làn sóng biểu tình phản đối chính phủ trên khắp Belarus", quan chức ngoại giao Nga khẳng định, Moscow "sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Minsk". (TASS)

Trung Quốc trao công hàm phản đối về việc Mỹ ‘tẩy chay” Thế vận hội mùa Đông 2022

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 7/12 cho biết nước này đã trao công hàm phản đối chính thức về việc Mỹ "tẩy chay ngoại giao" đối với Thế vận hội (Olympic) mùa Đông Bắc Kinh và sẽ có các biện pháp đáp trả cứng rắn.

Ngày 8/12, tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài cho rằng, Mỹ đang tự biến mình "thành một gã hề" không chỉ với việc tuyên bố tẩy chay Thế vận hội – theo đó không mời các chính trị gia Mỹ - mà còn bằng cách viện dẫn những dối trá nhằm vào Trung Quốc, như một cái cớ để chính trị hóa Thế vận hội trong một mưu đồ hòng tạo động lực cho hội nghị thượng đỉnh dân chủ sắp tới mà Tổng thống Joe Biden chủ trì. (THX)

Thế giới hoan nghênh tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Ngày 8/12, Quốc hội liên bang Đức đã bỏ phiếu bầu ông Olaf Scholz làm Thủ tướng Đức với tỷ lệ 395 phiếu ủng hộ, 303 phiếu chống, 6 phiếu trắng và 3 phiếu không hợp lệ trong tổng số 707/736 nghị sỹ có mặt.

Sau đó, ông Olaf Scholz đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức, chính thức trở thành vị thủ tướng thứ 9 của nước này, kế nhiệm bà Angela Merkel, người đã cầm quyền suốt 16 năm qua.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã gửi lời chúc mừng tới ông Scholz, cùng với cam kết thúc đẩy hợp tác.

Ngày 8/12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã chúc mừng ông Olaf Scholz được bầu làm tân thủ tướng Đức, đồng thời nhấn mạnh, bà mong muốn được hợp tác với ông vì một EU vững mạnh hơn.

Trong bài đăng bằng tiếng Đức trên Twitter, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nêu rõ: “Chúc mừng ông Olaf Scholz đã được bầu làm thủ tướng. Tôi hy vọng ông sẽ có một khởi đầu tốt và tôi mong muốn tăng cường hợp tác vì một châu Âu vững mạnh”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 8/12 gửi thông điệp chúc mừng ông Scholz được bầu làm Thủ tướng Đức, bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Đức lên một tầm cao mới.

Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Đức trong năm tới, Bắc Kinh sẵn sàng củng cố và làm sâu sắc hơn sự tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị, mở rộng trao đổi và hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Berlin.

Trong khi đó, quyền Vụ trưởng Vụ châu Âu thứ ba thuộc Bộ Ngoại giao Nga Oleg Krasnitsky cho biết, Moscow hy vọng mối quan hệ giữa Nga và Đức sẽ phát triển với sự tin cậy và cùng có lợi dưới sự lãnh đạo của chính phủ mới ở Đức. (Reuters/THX/TASS)

Pháp nỗ lực hàn gắn quan hệ ngoại giao với Algeria

Ngày 8/12, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã tới thủ đô Algiers của Algeria và sẽ có các cuộc hội đàm hiếm hoi với giới chức nước này nhằm hàn gắn mối quan hệ song phương vốn bị phương hại bởi một loạt bất đồng.

Một nguồn tin giấu tên trong Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, Ngoại trưởng Le Drian đang có “chuyến thăm làm việc nhằm đánh giá và khôi phục mối quan hệ” với Algeria. (AFP)

Anh kêu gọi chấm dứt phụ thuộc vào khí đốt của Nga

Ngoại trưởng Anh Liz Truss ngày 8/12 cho rằng, châu Âu sẽ ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga nếu Moscow làm theo ý mình và đã đến lúc các nước châu Âu phải chấm dứt sự phụ thuộc đó.

Phát biểu trước Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh Chatham House, Ngoại trưởng Truss nhấn mạnh: “40% khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào Nga và đối với một số nước, Nga là nhà cung cấp hoàn toàn độc quyền. Nếu Nga làm theo ý của họ, châu Âu sẽ ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Chúng ta phải chấm dứt sự phụ thuộc chiến lược này”. (Reuters)

Một số tin quốc tế nổi bật khác:

Lãnh đạo Mỹ, Ukraine sẽ tổ chức điện đàm: Dự kiến, ngày 9/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky.

Mỹ coi Dòng chảy phương Bắc 2 là 'con tin': Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 là đòn bẩy của phương Tây để gây sức ép lên Nga nhằm chặn "nguy cơ Moscow tấn công Ukraine".

Duy Quang