Đại học Harvard chỉ ra: Có 4 thói quen của cha mẹ khiến con kém thông minh, điều thứ 3 xảy ra phổ biến ở nhiều gia đình

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 10:59, 06/12/2021

Có những điều tưởng chừng không liên quan nhưng lại ảnh hưởng đến sự phát triển của con.

Có hai yếu tố chính quyết định một đứa trẻ thông minh hay không: Một là di truyền, hai là do quá trình giáo dục. Kết quả nghiên cứu của Đại học Harvard về vấn đề này cho thấy, những hành vi hàng ngày của cha mẹ có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trí tuệ của con trẻ. Trong đó, một số hành động khiến con trở nên "kém thông minh" hơn:

1. Bắt con học khuya để làm cho xong bài vở

Không ít cha mẹ thường bắt con thức muộn để cố làm cho xong bài tập. Hay khi thấy con làm bài muộn, họ cảm thấy tự hào, đi khoe với mọi người về sự chăm chỉ của con. Thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra: Việc thức khuya có thể làm suy giảm các tế bào não, gây cản trở quá trình lưu trữ trí nhớ.

Thức khuya không thể giải quyết hết các vấn đề của trẻ. Trẻ vẫn đang tuổi lớn và giấc ngủ là giai đoạn tiết hormone tăng trưởng quan trọng. Vậy nên cha mẹ cần cho trẻ đi ngủ trước 10h.

Đại học Harvard chỉ ra: Có 4 thói quen của cha mẹ khiến con KÉM THÔNG MINH, điều thứ 3 xảy ra phổ biến ở nhiều gia đình-1
Ảnh minh họa.

2. Thường xuyên quát mắng con

Trẻ em thường nghịch ngợm, và nhiều cha mẹ có thói quen quát mắng lớn tiếng để con ngồi ngoan ngoãn. Điều này vô tình khiến đứa trẻ bị truyền những năng lượng tiêu cực. Các chuyên gia của Đại học Harvard đã thực hiện một cuộc khảo sát dựa trên những bậc cha mẹ kiểu này và phát hiện: Con cái của họ có khả năng hiểu, phán đoán ngôn ngữ thấp hơn so với những đứa trẻ bình thường. Chỉ số IQ ngôn ngữ của trẻ cũng thấp hơn. Từ đó, Đại học Harvard đưa ra kết luận, trẻ càng bị la mắng nhiều thì chỉ số thông minh càng bị ảnh hưởng.

3. Không chú ý đến bữa sáng của con

Buổi sáng là khoảng thời gian mọi người bận rộn nhất. Bố mẹ tất bật đi làm, con cái vội vàng đi học. Nhiều khi, các thành viên trong gia đình không có thời gian ăn sáng đầy đủ, chỉ vội vàng cắn một miếng bánh mỳ rồi hối hả ra đường.

Theo các chuyên gia, dù bận rộn, cha mẹ cũng nên cố gắng sắp xếp cho con cái và chính bản thân mình ăn uống đầy đủ. Nếu không ăn sáng, lượng đường trong máu sẽ ở trạng thái rất thấp. Trẻ nhỏ sẽ không có đủ trí lực khi đến lớp. Trong giai đoạn phát triển, việc thiếu dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng của trẻ.

Để bụng đói vào buổi trưa là việc không nên, nhưng ăn no quá mức cũng nguy hại chẳng kém. Một số phụ huynh sợ gần trưa con sẽ đói vào nên đã "nhồi nhét" cho con rất nhiều vào buổi sáng. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc ăn quá no có nhiều ảnh hưởng không tốt đến não bộ, gây ảnh hưởng đến trí nhớ. Nếu trẻ có trí nhớ kém, tất nhiên việc học cũng gặp khó khăn.

4. Không trở thành hình mẫu cho con

Nhiều bậc cha mẹ chỉ thích xem TV, điện thoại di động mỗi khi tan làm. Họ không thích đọc sách, không chăm chỉ học tập nhưng lại muốn con phải học hành cẩn thận. Khi con lười biếng, muốn ra ngoài chơi, cha mẹ lập tức mắng mỏ, bắt con ngồi vào bàn học và áp dụng cả loạt nguyên tắc.

Những thói quen của gia đình ảnh hưởng lớn nhất đến trẻ và cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của con. Con thường có thói quen bắt chước ít nhiều hành vi của cha mẹ và dần dần những điều này sẽ trở thành thói quen của con. Thay vì nói lý thuyết suông, nếu muốn con trở nên thông minh, chăm chỉ thì cha mẹ cần là tấm gương tốt cho con về phương diện học tập.

Theo Pháp luật và bạn đọc