Làn gió mới trên chính trường Đức?

Đối ngoại - Ngày đăng : 16:11, 05/12/2021

Ứng viên đảng Dân chủ Xã hội (SDP), ông Olaf Scholz sẽ đảm nhiệm vị trí Thủ tướng tiếp theo của nước Đức, thay thế bà Angela Merkel sau 16 năm nắm quyền.
Thủ tướng kế nhiệm của Đức, ông Olaf Scholz. (Nguồn: AP)
Thủ tướng kế nhiệm của Đức, ông Olaf Scholz. (Nguồn: AP)

Thủ tướng kế nhiệm của Đức, ông Olaf Scholz được truyền thông phương Tây nhận định là một chính trị gia kỳ cựu có nhiều điểm tương đồng với bà Merkel. Tuy nhiên, trong bối cảnh nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung đang phải đối mặt với hàng loạt những thách thức khó nhằn, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc liệu ông có thể đem lại những dấu ấn riêng biệt, giống như người tiền nhiệm của mình từng làm hay không.

Chính phủ “đèn giao thông”

Sau 16 năm tại vị, Thủ tướng Đức Angela Merkel cuối cùng đã hạ màn sự nghiệp chính trị của mình. Việc bà Merkel rút lui khỏi chính trường đã đưa nước Đức vào một cuộc “chạy đua” tìm kiếm người kế vị chưa từng có trong nhiều năm qua.

Cuộc bầu cử diễn ra vào tháng Chín vừa qua với kết quả là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz đã giành chiến thắng với 25,7% số phiếu bầu, đánh bại đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Angela Merkel (24,1% số phiếu ủng hộ). Trong khi đó, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) lần lượt theo sau với số phiếu bầu là 14,8% và 11,5%.

Dù đạt được kết quả thuận lợi, ông Olaf Scholz, lãnh đạo đảng SPD, vẫn còn nhiều việc phải làm, đó là trải qua các cuộc đàm phán để thành lập một chính phủ liên minh mới. Rất nhiều kịch bản đã được giới truyền thông Đức vạch ra, với những cái tên khá “ngộ nghĩnh” như liên minh Jamaica, liên minh Kenya.

Nhưng cuối cùng, ngày 24/11, sau hai tháng đàm phán, ông Scholz đã lập nên liên minh “đèn giao thông” theo màu sắc truyền thống của các bên, gồm ba đảng SPD (màu đỏ), đảng Xanh (màu xanh lá) và đảng FDP (màu vàng).

Với việc giải quyết được một số bất đồng liên quan đến chính sách tài chính, khí hậu và các vị trí trong chính phủ, Đức sẽ có một chính phủ liên minh mới trước Giáng sinh và được dẫn dắt bởi Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz, 63 tuổi. Dự kiến, ông Scholz được phê chuẩn nhậm chức vào đầu tháng 12 năm nay.

Người kế nhiệm đáng tin cậy

Tờ New York Times nhận định, ông Olaf Scholz đã thành công trong chiến dịch tranh cử nhờ việc thuyết phục cử tri rằng ông sẽ trở thành một Thủ tướng giống như người tiền nhiệm lâu năm và uy tín của nước Đức: bà Angela Merkel.

Trong một cuộc phỏng vấn với Washington Post, Frank Stauss, một nhà truyền thông chính trị đã từng làm việc với đảng SPD, chia sẻ rằng ông Olaf Scholz mang trong mình những đặc tính tương đồng với bà Angela Merkel như kinh nghiệm chính trị dày dặn, sự đáng tin cậy cũng như khả năng có thể đảm đương những trọng trách lớn lao.

Rành mạch, súc tích và không thể hiện bất cứ cử chỉ đắc thắng nào, Scholz không chỉ có phong thái giống người tiền nhiệm, ông còn thấm nhuần khí chất thâm trầm và bình tĩnh của Merkel đến mức thường xuyên đặt hai bàn tay tạo hình viên kim cương, cử chỉ đặc trưng của bà.

Ông Olaf Scholz sinh ngày 14/6/1958 tại Osnabruck, miền Bắc Đức, nhưng ông lại lớn lên tại Hamburg. Ông nội ông làm trong ngành đường sắt, còn bố mẹ làm nghề dệt. Ông Scholz cùng các anh em trai là những người đầu tiên trong gia đình học đại học.

Ông gia nhập đảng SPD khi còn đang học trung học. Trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết, ông từng dành một thập kỷ để làm luật sư, bảo vệ lợi ích cho các công nhân bị mất việc do các nhà máy đóng cửa. Sau đó, với tư cách tổng thư ký SDP dưới thời chính quyền trung tả của Thủ tướng Gerhard Schroder, ông là người ra sức bảo vệ những cải cách thị trường lao động với phong cách quyết đoán giống như một cỗ máy, khiến ông có biệt danh “Scholzomat” (Người máy Scholz).

Làn gió mới trên chính trường Đức?
Một trong những thách thức trong nước rõ rệt nhất đối với chính phủ mới là việc đối phó với làn sóng Covid-19 thứ tư đang hoành hành. (Nguồn: DW)

Kể từ khi được bầu vào Quốc hội Đức năm 1998 khi mới 30 tuổi, ông Scholz đã có nhiều bước tiến dài trong sự nghiệp chính trị, giữ các vị trí cao trong chính phủ liên bang cũng như trong đảng SPD suốt 20 năm qua. Vai trò chính trị nổi bật đầu tiên của ông Scholz là Tổng thư ký đảng SPD từ năm 2002 -2004.

Cuối những năm 2000, ông giữ chức Bộ trưởng Lao động và Xã hội trong chính phủ liên minh đầu tiên của bà Merkel. Năm 2011, ông Scholz được bầu làm thị trưởng Hamburg cho đến năm 2018. Kể từ đó, ông là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ liên minh của bà Merkel.

Thế nhưng, sự nghiệp chính trị của ông không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo SPD năm 2019, ông Scholz đã để thua trước hai chính trị gia cánh tả. Ngoài ra, ông cũng dính vào một số vụ bê bối liên quan đến hoàn thuế và công ty Wirecard, khiến ông phải giải trình trước quốc hội nước này.

Nhưng sau đó ông đã gây ấn tượng và nhận được nhiều lời khen ngợi khi dẫn dắt nền tài chính công của Đức vượt qua đại dịch Covid-19 một cách thành công với vai trò là Bộ trưởng Tài chính. Cụ thể, ông đã giám sát các gói cứu trợ trị giá hàng trăm tỷ Euro cho các doanh nghiệp, người lao động bị mất thu nhập trong đại dịch.

Ngay cả các đối thủ trên chính trường cũng phải thán phục bản năng chính trị, sự bền bỉ và niềm tin thầm lặng vào bản thân của ông. Ba năm trước, khi xếp hạng tín nhiệm của đảng ông rơi xuống gần mức thấp kỷ lục, Scholz đã quả quyết với New York Times rằng, SDP sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo. Và quả thật, trong cuộc bầu cử năm 2021, đảng SDP đã xuất sắc giành chiến thắng trước đảng của bà Angela Merkel, dù chỉ với cách biệt sít sao.

Thách thức trước mắt

Khi thông báo về việc thành lập chính phủ mới, liên minh “đèn giao thông” thông báo một số vấn đề chính trong thỏa thuận liên minh dài 177 trang, gồm các kế hoạch, thông báo và ý định triển khai công việc của chính phủ trong nhiệm kỳ tới đây.

Về đối nội, chính phủ liên minh mới muốn tăng cường năng lượng tái tạo, hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh, trở thành quốc gia không phát thải carbon và biến Đức thành nước xuất khẩu công nghệ năng lượng tái tạo. Ban lãnh đạo mới của Đức cam kết sẽ sửa đổi luật nhập cư để giúp cho việc nhập quốc tịch hoặc có thẻ cư trú dễ dàng hơn; xây dựng các khu nhà ở xã hội với giá cả phải chăng hơn.

Theo trang project-syndicate.org, chính phủ của tân Thủ tướng Scholz sẽ tìm cách áp dụng một cách tiếp cận linh hoạt hơn để giảm nợ, nhằm ngăn chặn các cơ quan công quyền vay nợ quá mức. Chính phủ mới cũng hứa hẹn hiện đại hóa hệ thống an sinh xã hội, bằng cách thay thế chương trình phúc lợi và thất nghiệp Hartz-IV không được ưa chuộng bằng chương trình Bürgergeld (trợ cấp công dân) ít nghiêm ngặt hơn bao gồm các ưu đãi cho giáo dục và đào tạo. Và chính phủ đề xuất tăng cường hệ thống hỗ trợ cho các gia đình có con nhỏ, nâng mức lương tối thiểu lên 12 Euro (13,50 USD) mỗi giờ và phân bổ 1 tỷ Euro cho khoản thanh toán một lần để thưởng cho các nhân viên chăm sóc y tế vì những nỗ lực của họ trong đại dịch.

Về đối ngoại, ông Scholz được coi là sẽ kế thừa di sản của bà Merkel, bao gồm việc tăng cường sự phát triển, năng lực cũng như sự đoàn kết của EU. Ông cũng coi việc đẩy mạnh hợp tác với các đồng minh như Mỹ và NATO là những nguyên tắc cơ bản.

Một số chuyên gia nhận định, khi Đức bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực cũng là khi quốc gia này đối mặt với nhiều thách thức nhất. Hiếm có một nhà lãnh đạo Đức nào lên nắm quyền trong một tình hình thế giới và trong nước đang nóng lên trên nhiều mặt như hiện tại.

Một trong những thách thức trong nước rõ rệt nhất đối với chính phủ mới là việc đối phó với làn sóng Covid-19 thứ tư đang hoành hành, cũng như đối mặt với biến thể Omicron vô cùng nguy hiểm, khiến cho chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, lạm phát tăng vọt.

Bên cạnh đó, cuộc bầu cử Đức diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với khối EU, vốn đang phải vật lộn với đại dịch, các vấn đề quốc phòng và sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy, chính trị cường quyền. Ngoài ra, đó là việc phải đối phó với tình trạng khủng hoảng di cư đang diễn ra tại châu Âu, căng thẳng ở biên giới Nga - Ukraine, quan hệ phức tạp với Trung Quốc, Nga và Mỹ.

Những thách thức này đòi hỏi chính phủ liên minh mới phải có những bước đi cẩn trọng, nếu như vị thủ tướng kế nhiệm muốn thu hút được thêm sự ủng hộ, cũng như chứng minh bản thân trên trường quốc tế, tiếp quản di sản đồ sộ, cũng như thoát khỏi cái bóng của người tiền nhiệm Angela Merkel.

Quang Anh