Số ca F0 liên tục tăng cao, Hà Nội có nên siết chặt công tác phòng dịch?

Tin Y tế - Ngày đăng : 13:56, 05/12/2021

Hà Nội - Số ca mắc COVID-19 liên tục tăng mạnh trong nhiều ngày qua. Nhiều người lo ngại và đặt ra câu hỏi thành phố có nên siết chặt hàng quán, tạm dừng việc để học sinh trở lại trường?

Sẵn sàng các tình huống khẩn cấp

Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội tăng nhanh, đặc biệt, số ca mắc trong cộng đồng trên địa bàn thành phố cao. Chỉ tính riêng ngày 4.12, thành phố ghi nhận 628 ca mắc mới, trong đó 190 ca cộng đồng.

Nhận định về tình hình dịch hiện tại của thành phố, GS.TS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam cho rằng, dịch COVID-19 hiện tại ở Việt Nam những ngày vừa qua đang có xu hướng tăng với tốc độ rất mạnh, đặc biệt tại các thành phố lớn, vùng Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, biến chủng Delta tiếp tục phát huy tính nguy hại, nặng nề của nó. Ngoài ra, biến chủng mới Omicron đã xuất hiện tại một số nước có thể tràn vào Việt Nam. Chúng ta cần có thế trận sẵn sàng ứng phó nếu chủng Omicron xâm nhập.

Theo các chuyên gia, mọi người tuyệt đối không được chủ quan, cần nghiêm túc tuân thủ thực hiện chống dịch. Bên cạnh đó phải có thái độ hết sức bình tĩnh, chủ động, hiệu quả để chống dịch.

Đồng thời thực hiện theo Nghị quyết 128 để tiếp tục duy trì, đảm bảo sản xuất, an sinh xã hội... Một số loại hình hàng quán như quán cà phê, karaoke… có thể tạm ngừng trong giai đoạn này vì đó là môi trường tốt để lây lan dịch COVID-19. Nếu tập thể dục, mọi người nên thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo giãn cách.

Cho học sinh đi học càng sớm càng tốt

Liên quan đến vấn đề đi học trở lại, ông Trí nêu quan điểm: "Hà Nội cần phải cho học sinh đi học càng sớm càng tốt nhưng phải thật an toàn. Nhu cầu đi học của học sinh rất chính đáng từ mẫu giáo cho đến sinh viên đại học. Học sinh các cấp không thể học trực tuyến mãi được. Học trực tuyến quá lâu sẽ rất ảnh hưởng và có hại cho học sinh".

GS.TS Nguyễn Anh Trí lưu ý, việc tổ chức cho học sinh đi học trở lại sao cho an toàn cần phải chú ý cụ thể 3 điểm cơ bản. Thứ nhất, an toàn phải được thực hiện từ gia đình, trên đường đi và cả tại lớp học. Trong 3 giai đoạn an toàn đó thì cần thực hiện tốt nhất ngay tại từng gia đình, đây cũng là điều quan trọng bậc nhất.

Thứ 2, tại trường cần thực hiện 5K nghiêm, khoanh vùng nơi học sinh vui chơi để hạn chế tiếp xúc các lớp khác nhau. Nếu được, trường vẫn nên tổ chức 3 tại chỗ cho học sinh: Ăn, ngủ, học ngay tại lớp, đặc biệt cả các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo… nhà trường nên tổ chức.

Thứ 3, đề nghị tổ chức mạng lưới y tế ở các trường cho thật tốt để thường xuyên theo dõi sức khoẻ cho học sinh, không chỉ đo nhiệt độ mà xét nghiệm đúng, chuẩn.

Hà Nội thần tốc dọn dẹp vệ sinh trường học chuẩn bị đón học sinh vào ngày 6.12. Ảnh: Hà Phương
Hà Nội thần tốc dọn dẹp vệ sinh trường học chuẩn bị đón học sinh vào ngày 6.12. Ảnh: Hà Phương

Đồng quan điểm với GS.TS Anh Trí, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, việc học sinh quay trở lại trường là cần thiết và nên mở sớm và mở rộng thêm các cấp học khác.

"Không thể đóng cửa trường học mãi được. Học sinh ở nhà cũng vẫn có thể bị lây COVID-19. Nếu cha mẹ tuân thủ tốt, nguy cơ lây nhiễm ở trẻ sẽ giảm đi và hầu như không mắc bệnh. Việc trẻ học tại trường chỉ mất thời gian đi ngoài đường đến trường. Trong khi đó, nguy cơ lây nhiễm trên đường rất thấp.

Trong trường hợp có học sinh mắc COVID-19, nhà trường sẽ sàng lọc, cách ly lớp đó và tạm thời dừng học trực tiếp chuyển sang học online. Trong thời gian này, trường tuân thủ quy định không cho các lớp giao lưu, học sinh các lớp không vui chơi tiếp xúc với nhau.

Đối với trẻ em không thể có ngay vaccine để triển khai tiêm hết, đặc biệt là trẻ nhỏ. Những đối tượng này không đến trường sẽ không phát huy hết vào việc để hệ thống giáo dục tham gia phòng chống dịch. Lứa tuổi này nên đến trường, thành phố cũng nên mở rộng đối tượng đến trường như học sinh cấp 1, 2, sau đó đến cấp mầm non", ông Hùng nói thêm.

Hà Phương