Đức phong tỏa toàn quốc đối với người chưa tiêm chủng

Đối ngoại - Ngày đăng : 09:10, 05/12/2021

Ngày 2/11, Đức thông báo lệnh phong tỏa dành cho những người chưa tiêm vắc-xin Covid-19 trên toàn quốc, mở đường cho kế hoạch tiêm chủng bắt buộc.
Đức phong tỏa toàn quốc đối với người chưa tiêm chủng
Trung tâm mua sắm tại thủ đô Berlin vắng lặng. Nguồn: EPA

Theo CNN, động thái trên diễn ra khi các nhà lãnh đạo của Đức ủng hộ kế hoạch tiêm chủng Covid-19 bắt buộc trong những tháng tới. Những người chưa tiêm chủng sẽ bị cấm tiếp cận tất cả mọi nơi trừ các cơ sở kinh doanh thiết yếu như siêu thị và hiệu thuốc để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel và người kế nhiệm của bà, ông Olaf Scholz, đã đưa ra thông báo ngày 2/11 sau cuộc thảo luận về khủng hoảng dịch bệnh với các nhà lãnh đạo khu vực. Hai người cũng đồng thời ủng hộ các đề xuất về tiêm chủng Covid-19 bắt buộc. Nếu được Quốc hội Đức bỏ phiếu thông qua, đề xuất có thể có hiệu lực sớm nhất từ tháng 2/2022.

Theo đó, những người muốn đi đến quán bar, nhà hàng hoặc mua sắm ở bất cứ đâu trừ các cửa hàng nhu yếu phẩm (hiệu thuốc hoặc cửa hàng tạp hóa), sẽ bắt buộc phải xuất trình chứng nhận đã tiêm phòng hoặc giấy tờ chứng minh đã hồi phục nếu từng nhiễm Covid-19.

Các quán bar và các câu lạc bộ đêm ở những điểm nóng về virus (những quận có hơn 350 trường hợp nhiễm virus trong một tuần trên 100.000 người) sẽ buộc phải đóng cửa, các cuộc tụ tập trong nhà sẽ chỉ giới hạn với tối đa 50 người tham gia. Ở các quận ít nguy cơ hơn, việc tụ tập đông người tại các sự kiện như xem bóng đá, chương trình văn hóa sẽ bị giới hạn, tùy thuộc vào quy mô địa điểm, ngay cả đối với những khán giả đã được tiêm phòng đầy đủ.

Với một loạt quy định mới và lời hứa của ông Olaf Scholz đưa ra trong tuần này rằng sẽ thúc đẩy đạo luật bắt buộc tiêm vaccine ngừa Covid-19 toàn dân, Đức đang bước tiếp theo con đường của Áo – quốc gia mới đây ra quy định tất cả người trưởng thành đến tháng Hai đều phải hoàn thành việc tiêm chủng.

Cả Đức và Áo quyết “mạnh tay” với làn sóng phản đối tiêm chủng của người dân trong nước. Hai quốc gia này đều có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn so với các nước Tây Âu khác.

Hà Linh (TH)