Tranh cãi về sự minh bạch trong hoạt động "phong sát" nghệ sĩ ở Trung Quốc

Dòng chảy - Ngày đăng : 19:00, 04/12/2021

Mới đây, nhà sản xuất phim có tiếng người Trung Quốc - Li Xuezheng - đã đặt câu hỏi xung quanh tính minh bạch của hoạt động "phong sát" nghệ sĩ tại quốc gia này.
Tranh cãi về sự minh bạch trong hoạt động phong sát nghệ sĩ ở Trung Quốc - 1

Mới đây, nhà sản xuất phim có tiếng người Trung Quốc - Li Xuezheng - đã đặt câu hỏi xung quanh tính minh bạch của hoạt động "phong sát" nghệ sĩ tại quốc gia này (Ảnh: SCMP).

Ông Li Xuezheng là một nhà sản xuất phim có tiếng tại Trung Quốc, mới đây, ý kiến của ông xung quanh hoạt động "phong sát" nghệ sĩ tại Trung Quốc đã thu hút nhiều sự quan tâm của truyền thông, dư luận nước này.

Ông Li đặt câu hỏi rằng hoạt động "phong sát" nghệ sĩ, hay việc đưa nghệ sĩ vào danh sách đen cấm hoạt động trong showbiz, có tuân thủ đúng theo trình tự pháp luật hay chưa. Bởi mọi sự vi phạm pháp luật đều cần có kết luận chính thức từ phía tòa án để đảm bảo sự công minh trong các quyết định trừng phạt sau đó.

Đây là một ý kiến hiếm hoi thể hiện sự không đồng tình đối với hoạt động "phong sát" được nhà chức trách trong lĩnh vực văn hóa tại Trung Quốc tiến hành thời gian qua đối với một số nghệ sĩ có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có đời tư vướng bê bối nặng nề.

Ông Li Xuezheng cho rằng Hiệp Hội Nghệ thuật Biểu diễn Trung Quốc (China Association of Performing Arts - CAPA) không thể là bên đưa ra các quyết định "phong sát" chấm dứt sự nghiệp của những nghệ sĩ "có vấn đề".

Mới đây nhất, CAPA vừa đưa ra thêm danh sách 3 nghệ sĩ và 80 ngôi sao mạng xã hội bị cấm "livestream" trên bất cứ nền tảng nào tồn tại trên không gian mạng tại Trung Quốc. Lý do là bởi những nhân vật này từng vi phạm pháp luật và gây nên những tác động tiêu cực đối với xã hội.

Tranh cãi về sự minh bạch trong hoạt động phong sát nghệ sĩ ở Trung Quốc - 2

Nam ca sĩ Ngô Diệc Phàm đã bị khởi tố vì tội cưỡng dâm hồi tháng 8 năm nay (Ảnh: SCMP).

3 nghệ sĩ mà CAPA đề cập trong danh sách này gồm nam ca sĩ Ngô Diệc Phàm (bị khởi tố vì tội cưỡng dâm hồi tháng 8), nữ diễn viên Trịnh Sảng (đã phải nộp phạt 461 triệu USD vì trốn thuế), Trương Triết Hạn (bị phát hiện có thái độ xa rời định hướng chính trị của nhà chức trách Trung Quốc).

Về các ngôi sao mạng xã hội bị cấm "livestream", lý do được đưa ra là bởi những người này tạo ra những nội dung khiêu dâm, tiêu cực, hoặc kích động thù ghét trong cộng đồng mạng.

Sau thông báo mới nhất mà Hiệp Hội Nghệ thuật Biểu diễn Trung Quốc đưa ra về hoạt động "phong sát", ông Li Xuezheng đã lên tiếng tranh luận về trình tự tiến hành hoạt động "phong sát" hiện nay tại Trung Quốc:

"Tôi rất ủng hộ việc nhà chức trách trừng phạt mạnh tay để có tính chất răn đe đối với những nghệ sĩ thiếu tư cách, nhưng những người này cần phải được trải qua sự xét xử của pháp luật theo đúng quy trình thủ tục, trước khi một lệnh trừng phạt được đưa ra một cách chính thức".

Trước ý kiến của ông Li Xuezheng, Hiệp Hội Nghệ thuật Biểu diễn Trung Quốc đã đưa ra phát ngôn chính thức trên tờ tin tức Xinhua (Trung Quốc) trong tuần này, rằng danh sách đen được hiệp hội đưa ra dựa trên ý kiến thống nhất của chính các thành viên trực thuộc hiệp hội, và cũng chỉ áp dụng đối với các công ty truyền thông - giải trí là thành viên của hiệp hội.

Phía Hiệp Hội Nghệ thuật Biểu diễn Trung Quốc gọi danh sách đen mà họ thống nhất đưa ra là một hình thức tự kỷ luật "bên trong nội bộ" giới văn nghệ sĩ tại Trung Quốc: "Lệnh trừng phạt đối với các thành viên hoạt động trong giới nghệ thuật biểu diễn do chúng tôi đưa ra mang tính chất tự kỷ luật, động thái này không giống với một án phạt do tòa án đưa ra".

Bích Ngọc
Theo SCMP