Tư vấn của chuyên gia về phòng chống dịch cho Bình Dương ở giai đoạn mới

Tin Y tế - Ngày đăng : 18:38, 03/12/2021

BÌNH DƯƠNG - Ngày 3.12 tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19.

Theo báo cáo của tỉnh Bình Dương, tỉnh có dân số trên 2,5 triệu người, khi dịch bệnh xảy ra có 282.000 người mắc COVID-19. Các cơ sở y tế đã điều trị cho 276.000 người  khỏi bệnh, xuất viện (đạt tỷ lệ 97,8%), có 2.733 người tử vong. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, đời sống người dân đã trở lại bình thường.

Tuy đã đạt được kết quả quan trọng, có thể tạm yên tâm để trở lại sản xuất phục hồi kinh tế xã hội, nhưng còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh để bảo vệ sức khỏe nhân dân, hạn chế tối đa các ca tử vong.

Tại buổi sơ kết, PGS.TS.Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, có những kiến nghị với tỉnh Bình Dương về các vấn đề phòng chống dịch trong thời gian tới.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho biết, sau khi trở lại Bình Dương đã đi thăm và kiểm tra tình hình thực tế việc phòng chống dịch bệnh ở các địa phương.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị với tỉnh Bình Dương các vấn đề phòng dịch trong giai đoạn tới. Ảnh: Đình Trọng
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị với tỉnh Bình Dương các vấn đề phòng dịch trong giai đoạn tới. Ảnh: Đình Trọng

Điều đầu tiên, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đề nghị là, rà soát lại việc tiêm vaccine. Còn nhiều người chưa tiêm vaccine bị lây nhiễm và chuyển nặng. Cần rà soát lại, đánh giá tổng kết các loại vaccine hiệu quả như thế nào và tiêm hết cho những người chưa được tiêm.

Vấn đề thứ 2 Bình Dương cần chú trọng đó là đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 khu vực An Phú, Thuận An để các cơ sở y tế còn lại tập trung điều trị bệnh thông thường. Phân tầng rõ ràng giường điều trị tầng 1, tầng 2 ở các cơ sở y tế phía Bắc (Phú Giáo, Bàu Bàng, Dầu Tiếng). Thành lập giường bệnh tầng 3 cho các cơ sở y tế, để không phải chuyển bệnh nhân đi xa, ảnh hưởng kết quả điều trị.

Về thuốc men và oxy, theo bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu giai đoạn này đã khác với giai đoạn trước. Tỉnh cần đầu tư đầy đủ về thuốc men, oxy cho các cơ sở y tế để bác sĩ điều trị bệnh nhân.

Cần củng cố cơ sở vật chất và nhân lực cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19.
Cần củng cố cơ sở vật chất và nhân lực cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Đình Trọng

Về nguồn nhân lực, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu lưu ý 3 vấn đề. Trong đó, bổ sung ngay bác sĩ cho các cơ sở hồi sức. Thứ 2 là nâng cao năng lực điều trị cho bác sĩ bằng các khóa huấn luyện trực tuyến. Thứ 3, hiện nay bác sĩ đang làm việc hết sức vất vả, cần nâng cao chế độ thu nhập cho y bác sĩ yên tâm công tác và có chế độ tốt để thu hút bác sĩ giỏi về tỉnh.

Về việc điều trị tại nhà, hiện số lượng bệnh nhân rất lớn, do vậy cần bỏ khái niệm F1, F2, F3, chỉ cần xác định là người nhiễm và người nghi nhiễm. Đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ vào quản lý dữ liệu bệnh nhân tại nhà. Chú ý phân loại bệnh nhân dựa trên các yếu tố nguy cơ để xác định kịp đưa vào cơ sở điều trị hay để điều trị tại nhà. Phải nắm được thông tin người bệnh, không để người dân giấu bệnh vì 2 nguy cơ, bệnh nhân chuyển nặng không xử lý kịp dễ dẫn đến chuyển nặng tử vong.

Bên cạnh đó, không phát thuốc theo gói A, B tràn lan cho người bệnh điều trị tại nhà. Kết thúc cách ly một cách khoa học, không nên máy móc, kéo dài thời gian cách ly.

Trong bài phát biểu của mình, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh: "Cần củng cố lại y tế cơ sở, cả về vật chất, thiết bị lẫn nhân lực. Vật chất, thiết bị là cái khó khăn nhất chúng ta cần chung tay vào làm. Nếu không làm, chủ quan, chúng ta lại bị dịch bệnh tấn công và lại xảy ra những tổn thất không đáng có... Chúng ta phải cá thể hóa người bệnh, một bệnh nhân tử vong, phải đau đáu, tại sao bệnh nhân tử vong..."-  bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nói.

ĐÌNH TRỌNG